“Trong bước cuối cùng của việc xin giấy chứng nhận vaccine, tôi đến gặp một người đàn ông để đăng ký thông tin lên hệ thống và ông ấy in cho tôi giấy chứng nhận. Tất cả chỉ mất tối đa khoảng 3-4 phút và tôi ở lại thêm khoảng 10 phút để xem có phản ứng với vaccine không cho đúng thủ tục dù tôi không tiêm mũi nào”.
Đây là nội dung được phóng viên của Parisien chia sẻ khi hóa thân thành một khách hàng muốn mua giấy chứng nhận tiêm vaccine. Và chỉ với một cú điện thoại và 300 euro, phóng viên này đã có trong tay tấm giấy thông hành để có thể vào bất kỳ nơi nào mình muốn, từ quán bar, nhà hàng đến rạp chiếu phim hay sân vận động.
Kể từ ngày 12/7 khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo muốn tăng cường triển khai “hộ chiếu vaccine” tại nhiều nơi công cộng, những cuộc tranh luận xung quanh biện pháp, cũng như nghĩa vụ tiêm chủng đã trở thành tâm điểm quan tâm tại Pháp. Bởi trong số những người không tiêm chủng có cả những người thuộc đối tượng “được trì hoãn” theo khuyến cáo của các các cơ quan y tế.
Dù cuộc tranh cãi tới nay vẫn chưa có hồi kết, song chắc chắn điều này đã tạo cơ hội cho một số kẻ kiếm lời. Các tìm kiếm liên quan đến chủ đề trên công cụ tìm kiếm Google cũng đã bùng nổ chỉ 2 ngày sau thông báo của Tổng thống. Các phương thức mua bán chứng nhận giả từ bán mã QR đến những trao đổi ngầm ngay tại các trung tâm tiêm chủng cũng không ngừng tăng lên. Để có được tấm giấy thông hành quý giá này, khách hàng trung bình cần phải chi từ 100-300 euro. Nhưng nguy cơ từ hành vi gian lận có thể khiến những người liên quan phải trả cái giá cao gấp bội.
Không chỉ Pháp, tại nhiều nước như Đan Mạch, Đức, Bồ Đào Nha hay Italy cũng đang phải chứng kiến sự gia tăng các hành vi phạm tội như thế này. Theo các chuyên gia tại công ty an ninh mạng Check Point, chỉ trong vài tháng, các tài khoản bán giấy chứng nhận tiêm vaccine đã được chỉnh sửa ảnh tăng lên đáng kể không chỉ tại châu Âu, mà trên toàn thế giới.
Chuyên gia Oded Vanunu tại Check Point cho biết: “Các đối tượng có thể photoshop ảnh và bán nó với thông tin thích hợp. Những kẻ lừa đảo và các kênh trên Telegram rất nhạy bén: họ hỏi bạn tất cả các câu hỏi, thông tin chi tiết... Mọi thứ bạn muốn đưa vào giấy chứng nhận”.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mức độ phổ biến của các kênh buôn bán này đã gia tăng. Theo Check Point, tổng số người bán đã tăng từ 20 lên 1.500 người trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/2020 với số lượng người đăng ký cũng tăng nhanh. Các kênh liên tục thay đổi các đề nghị của họ để theo kịp những quy định mới của chính phủ.
Tuy nhiên, người đứng đầu đơn vị Tội phạm mạng quốc gia Italy Ivano Gabrielli cũng cảnh báo, việc dùng mã QR giả để tiếp cận các sự kiện hoặc địa điểm sẽ rất khó qua mắt lực lượng chức năng:
“Một mặt, thẻ sức khỏe hợp pháp chứa mã QR bao gồm chứng nhận do máy tính tạo ra để chứng minh tính xác thực của nó. Mặt khác, bạn có một ứng dụng cho phép người dùng so sánh thông tin có trong mã QR đó với cơ sở dữ liệu quốc gia chứa dữ liệu về những người được tiêm chủng. Đó là lý do tại sao không thể tạo mã QR giả”, ông Gabrielli cho biết.
Mặc dù các hệ thống phòng ngừa quốc gia đang hoạt động hiệu quả, nhưng việc theo dõi hành vi gian lận này vẫn trở nên vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi liên quan đến du lịch quốc tế. Vì thế bên cạnh cuộc chiến chống Covid-19, đây cũng là một cuộc chiến không kém phần khó khăn, có thể gây ảnh hưởng đến các nỗ lực chống dịch./.