Chủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế
Theo chứng minh năng lực của TIC, Công ty được thành lập năm 2007, với 9 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc góp vốn để triển khai Dự án không đạt được theo yêu cầu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2011, TIC đã cơ cấu lại từ 9 cổ đông xuống còn 5 cổ đông và tiếp tục huy động vốn điều lệ. TIC cũng dẫn rất nhiều số liệu chứng tỏ lợi ích kinh tế của Dự án, như mỏ có trữ lượng lớn (544 triệu tấn, chiếm gần 60% trữ lượng của cả nước), quặng có hàm lượng sắt cao, hệ số bóc đất đá nhỏ (1,76m3/tấn) nên giá thành sản xuất thấp.
Còn theo Báo cáo đầu tư, Dự án sau điều chỉnh có tổng mức đầu tư là 14.517 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.200 tỷ đồng/năm trong giai đoạn I (công suất 5 triệu tấn/năm). Tổng thu từ các khoản thuế phí trên của dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng... Với nhà đầu tư, lợi nhuận của Dự án đem lại là 66.391 tỷ đồng (trước thuế), sau thuế là 53.024 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 3.490 lao động trực tiếp.
Thực tế đến nay TIC huy động vốn góp cổ đông mới được 1.809 tỷ đồng, vẫn còn thiếu 224 tỷ đồng mới đảm bảo 30% vốn đối ứng giai đoạn I của dự án. Sau 3 năm triển khai Dự án (2008-2011), TIC đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3 đến độ sâu -34m, thu về khoảng 3.000 tấn quặng. Theo báo cáo của TIC, tổng chi phí đã đầu tư tại Dự án hơn 1.900 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 1.800 tỷ đồng.
Sau quá trình nhìn nhận, đánh giá khách quan về hiệu quả kinh tế của Dự án, tỉnh Hà Tĩnh nhận định: Kết quả TIC tính toán hiệu quả kinh tế Dự án khi phê duyệt và điều chỉnh vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư. Nếu cập nhật, tính toán đầy đủ thì vốn đầu tư sẽ tăng lên từ 1,5 đến 2 lần so với tổng mức đã phê duyệt, dẫn đến các chỉ số hiệu quả tài chính, kinh tế sẽ thay đổi theo hướng bất lợi. Điều này cũng cho thấy, dữ liệu đầu vào để đánh giá hiệu quả đầu tư của Dự án là chưa hoàn toàn chính xác, thiếu tính thuyết phục.
“TIC mới tính toán về mặt hiệu quả tài chính, lợi nhuận của doanh nghiệp, chưa tính đến hiệu quả tổng thể, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của dự án, lợi ích của người dân và cộng đồng. Chưa tính toán đầy đủ các yếu tố phát sinh, các chi phí về xã hội, hậu quả về môi trường, thu nhập, việc làm; chỉ dự kiến việc làm cho gần 3.500 lao động nhưng không tính đến việc làm, cơ hội việc làm của người dân trong khu vực bị mất đi nếu tiếp tục triển khai dự án” - báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ.
Mất nhiều hơn được
Kết quả điều tra khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, Dự án ảnh hưởng trực tiếp đến gần 7.000 hộ dân, trong đó hơn 4.000 hộ thuộc diện di dời toàn bộ với trên 15.000 nhân khẩu, tổng kinh phí khoảng 3.200-3.500 tỷ đồng. Ngoài ra, để thực hiện xây dựng lại hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá, trụ sở, các di tích lịch sử, nhà thờ, chùa cần một nguồn kinh phí đầu tư rất lớn và phải thực hiện trong thời gian dài. Cụ thể, TIC sẽ phải xây dựng 19 khu tái định cư, di dời 46 di tích lịch sử, nhà thờ (trong đó gồm 1 nhà thờ Thiên Chúa giáo, 9 nhà thờ họ, 27 đền thờ, 4 chùa, 5 miếu). Dự án cũng tác động tới 14 trường học, riêng tại 5 xã vùng Dự án phải di dời hơn 10.000 ngôi mộ.
Mặt khác, Dự án sẽ khiến gần 9.000 người mất việc làm do thu hồi đất sản xuất, hơn 4.300 người ngoài độ tuổi lao động mất việc do bị thu hồi đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản hoặc không còn ngư trường đánh bắt thủy sản ven bờ. Chi phí chuyển đổi, đào tạo nghề mất hơn 83 tỷ đồng.
Trong khi đó, khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Tĩnh cũng cho rằng, nếu Dự án tiếp tục khai thác sẽ ảnh hưởng đến các ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch biển. Đồng thời ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người dân 27 xã vùng bãi ngang ven biển thuộc các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh với hơn 30.000 lao động. Trong đó số lao động có nguy cơ bị mất việc làm lên đến 10.000 người.
“Dự kiến tổng thu nhập của người dân bị mất khoảng 958 tỷ đồng/năm. Đây là thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn của người dân vùng Dự án” - báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh chỉ rõ.
Sở này cũng đưa ra cảnh báo, tỉnh Hà Tĩnh sẽ phải chăm lo cho hơn 25.000 người dân vùng Dự án không có thu nhập ổn định. Dự kiến sẽ có 20% số hộ có thu nhập trung bình rơi vào diện hộ nghèo, cận nghèo, đưa tổng số hộ nghèo của 5 xã vùng dự án lên đến 1.439 hộ, tỷ lệ ước tính là 20,82%. Mặt khác, nếu dự án tiếp tục triển khai, ngành du lịch biển, kinh tế biển của Hà Tĩnh sẽ bị “tê liệt”.
Người dân mong muốn chấm dứt Dự án
Trải qua những năm tháng vất vả mưu sinh khi dự án “treo”, phần lớn người dân ở các xã bãi ngang huyện Thạch Hà - nơi trực tiếp bị ảnh hưởng bởi Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê - chỉ mong chấm dứt hoàn toàn Dự án. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn An (SN 1963, thôn Đại Hải, xã Thạch Hải, Thạch Hà, Hà Tĩnh) bày tỏ: Bà con nhân dân chỉ mong Chính phủ có quyết định chấm dứt hoàn toàn Dự án mỏ sắt Thạch Khê để những người lao động trở về làm ăn trên chính quê hương của mình. Có như vậy, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân vùng mỏ mới không phải chật vật như hiện nay.
Đó cũng là mong muốn của ông Nguyễn Văn Yên (61 tuổi, trú tại thôn Tân Phú, xã Thạch Khê) khi chia sẻ nguyện vọng mỏ sắt sớm chấm dứt hoạt động để cuộc sống được ổn định hơn.
“Khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động khai thác mỏ sắt thì có hiện tượng các vùng đất trồng lúa, hoa màu, bị khô hạn. Đến khi ngừng hoạt động thì người dân cũng gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vì không được đầu tư mương máng do nằm trong khu vực mỏ. Người dân ở đây mong muốn mỏ sắt chấm dứt hoạt động để cuộc sống được ổn định, đỡ vất vả hơn” - ông Yên kiến nghị.
Trực tiếp tiếp nhận tâm nguyện của người dân vùng mỏ, Bí thư Đảng ủy xã Đỉnh Bàn Ngô Văn Ngọc cho biết: Nguyện vọng của người dân cũng như cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã Đỉnh Bàn là chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê. Bởi những hệ lụy của Dự án đã ảnh hưởng nhiều mặt từ tâm lý đến kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - trật tự trên địa bàn.
Cùng quan điểm , ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải cho biết, hệ lụy từ Dự án đã kéo lùi sự phát triển của xã Thạch Hải, làm đảo lộn cuộc sống của bà con nhân dân, kìm hãm lợi thế phát triển kinh tế biển, du lịch biển của địa phương. Vì thế, bà con nhân dân cũng như Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã Thạch Hải chỉ mong cơ quan cấp trên sớm có quyết định chấm dứt dự án để địa phương ổn định, phát triển.
“Chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê” cũng là ý kiến của ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà. “Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã để lại quá nhiều hệ lụy cho bà con nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, thương mại - du lịch - dịch vụ, an ninh - trật tự của toàn huyện” - ông Sáu cho biết.
“Việc đề xuất chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê dựa trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, khách quan và thực tiễn từ đánh giá của các bộ, ngành chuyên môn, của các chuyên gia và nhà khoa học, là yêu cầu của phát triển bền vững và là nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh” - ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định.