Chùm ảnh: Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á 14.500 tỷ đồng chỉ còn... đống hoang tàn
Những chiếc máy xúc nhập khẩu cỡ lớn nằm bất động, các tòa nhà điều hành, công xưởng hoang tàn, gỉ sét, nhiều mái tôn lung lay và chực rơi bất cứ lúc nào… đó là thực trạng tại Xí nghiệp khai thác mỏ TIC sau 12 năm tạm dừng.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai vào năm 2008 với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm.
Từ năm 2009 - 2011, TIC triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, khai thác đến độ sâu -34m so với mực nước biển. Quá trình này chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng. Ngày 11/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo số 64/TB-VPCP, chỉ đạo Dự án tạm dừng hoạt động khai thác.
Sau hơn 12 năm tạm dừng, Dự án nghìn tỷ chỉ còn... đống hoang tàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, tại công trường khai thác tổng hợp của Xí nghiệp khai thác mỏ TIC tại xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho thấy, mọi thứ ở đây gần như đã “rỉ hóa”.
Ngay trước cổng vào Xí nghiệp, có 4 chiếc máy xúc nhập khẩu cỡ lớn nằm bất động.
Các tòa nhà điều hành, công xưởng hoang tàn, xập xệ, những mái tôn lung lay và chực rơi bất cứ lúc nào…
Ôtô tải, xe cẩu qua nhiều năm không sử dụng đã bị đổi màu và gỉ sét.
Toàn bộ máy móc nhập khẩu, hàng loạt nhà xưởng, thiết bị đã hoen gỉ, hư hỏng nặng.
Nhiều tài sản có giá trị trong khuôn viên của xí nghiệp đã bị hoang hóa, vụn vữa, oxi hóa theo thời gian.
Những máy cỡ lớn bụi phủ trắng nằm phơi mưa nắng, bị gỉ sét do để lâu ngày.
Trong vòng bán kính 3km xung quanh Xí nghiệp, ao hồ bị ô nhiễm, đồng ruộng bị sa mạc hóa, nguồn nước ngầm cạn kiệt… là những hệ lụy mà hàng chục nghìn người dân vùng bãi ngang huyện Thạch Hà đang phải gánh chịu.