Tìm về chốn cũ kiếm kế sinh nhai
Tháng 6 nắng như đổ lửa, men theo con đường đầy cát tìm về phía moong mỏ sắt ở xã Thạch Khê, cách bờ bao tầm dăm chục mét, chúng tôi gặp 2 cụ bà trạc tuổi “xưa nay hiếm” đang lom khom nhổ cỏ, chăm bón cho khóm vừng mới mọc chưa bằng gang tay. Khi được hỏi về ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê, điều chúng tôi nhận được là những tiếng thở dài… “Đất ở đây ngày trước tốt lắm, làm vài sào lúa là đủ ăn quanh năm nhưng giờ nước tụt, đất khô cằn, cát lấp, trồng lạc hay vừng cũng không ăn thua” - bà Nguyễn Thị Định (SN 1947, xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) vừa nói vừa chỉ tay vào thửa đất.
Gia đình bà Định có 3 thế hệ đang chung sống, con trai đầu của bà phải sang Đài Loan làm việc kiếm tiền nuôi con, bà cùng con dâu ở nhà làm nông để thêm thắt cho cuộc sống. Gia đình bà Định được cấp đất tái định cư nhưng cả nhà dời lên ở được thời gian ngắn, cực chẳng đã phải tìm về nhà cũ. “Đất tái định cư ở trên núi, 300m2 đất chỉ đủ làm cái nhà, đất sản xuất không có, lấy gì mà ăn. Ở đây cải tạo mấy sào hoa màu, sào ruộng còn có chút ít chứ trên khu tái định cư chẳng biết làm gì mà sống” - bà Định nói.
Chúng tôi tìm đến khu tái định cư của dự án, trên đường đi, bắt gặp nhiều xe máy cải tiến của người dân vùng mỏ chở theo sau hàng chục bình nước sạch từ nơi khác về, mồ hôi thấm ướt cả vai áo người chở nước. Cách dự án khoảng 10km, khu tái định cư nằm nép mình gần cầu Cửa Sót. Đìu hiu, thiếu sức sống là cảnh tượng nơi đây bởi chỉ được một số hộ dân lên đây sinh sống, còn lại để không.
Khu tái định cư được xây dựng theo ô bàn cờ, với đầy đủ điện, đường và nhà văn hóa nhưng không giữ chân được người dân. 2 nhà văn hóa thôn Trường Xuân xây dựng khang trang rồi để không, sau nhiều năm đều đã xuống cấp, hư hỏng.
Chị Nguyễn Thị Tin (một hộ dân rời xã Đỉnh Bàn lên khu tái định cư sinh sống mấy năm qua) cho biết: Dân lên ở khu tái định cư ít, không mấy ai mặn mà sinh hoạt tập thể nên nhà văn hóa cứ để như thế. Cả khu tái định cư này được vài chục hộ thì có đến 10 hộ bỏ về nơi ở cũ để làm nông nghiệp chứ lên đây không có việc làm, không có đất sản xuất.
Theo ông Phạm Công Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đỉnh Bàn, toàn xã có gần 100 hộ phải di dời tái định cư nhưng thực tế ở đó bị thiếu nước sinh hoạt, tư liệu sản xuất không có, trong khi 14ha đất sản xuất của người dân nơi ở cũ đã kiểm đếm nhưng không được đền bù nên một số hộ quay về cải tạo đất để sản xuất. Mặc dù đất bị cát xâm lấn, mùa nắng khô hạn, mùa mưa sình lầy nhưng dân vẫn phải vỡ vạc để làm. Điều này cũng hiểu cho bà con.
Bao giờ mới an cư?
Thạch Hải là xã chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi ở trong lòng của Dự án mỏ sắt Thạch Khê, 100% hộ dân phải di dời tái định cư. Bãi thải lấn biển nằm trên vùng biển của địa phương này. Thế nhưng, đến giờ phương án di dời, tái định cư đối với hàng nghìn hộ dân xã Thạch Hải vẫn chưa thống nhất. Người dân phải sống trong tình trạng bất an, đi chẳng được, ở không xong.
Toàn xã Thạch Hải gần 1.000 hộ dân, với trên 3.700 người. Do đặc điểm chỉ có thôn Liên Hải làm nghề nông, còn lại 4 thôn làm nghề biển, nên bài toán đặt ra là làm thế nào để di dời đến nơi ở mới người dân có tư liệu sản xuất phù hợp.
Quá trình loay hoay tìm kiếm điểm tái định cư trước đây, các bên liên quan đưa ra nhiều phương án như di dân vào xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên), hoặc vùng sát xã Thạch Hội (huyện Thạch Hà), đến vùng núi Nam Giới gần khu du lịch Quỳnh Viên… Tuy nhiên, tính đến đâu cũng vướng đến đó nên mọi kế hoạch đều không khả thi.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hải Bùi Đình Lâm nhấn mạnh: Cho đến tận bây giờ, xã Thạch Hải vẫn chưa có chỗ đến tái định cư và cũng chưa di dời được một hộ dân nào, dù là xã nằm trong lòng mỏ, xã trọng điểm nhất trong 5 xã vùng mỏ sắt, và việc khai thác ban đầu đã làm mất rất nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của xã, gây ra nhiều hệ lụy trên địa bàn. Bám trụ ở vùng đất này, người dân Thạch Hải phải chịu nhiều khó khăn, tâm lý bất an suốt bao năm qua.
Trước tình trạng người dân vùng mỏ chịu đựng quá lớn từ hệ lụy của Dự án mỏ sắt Thạch Khê, thậm chí là kéo lùi sự phát triển của 5 xã bãi ngang thuộc huyện Thạch Hà, năm 2017, tỉnh Hà Tĩnh quyết định “cởi trói” một phần cho các xã này bằng cách đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Sau những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến khu dân cư và toàn dân vùng ảnh hưởng, những thành quả trong xây dựng nông thôn mới đã phần nào giúp vơi bớt khó khăn của người dân nơi đây. Đến năm 2019, tất cả các xã đều đáp đích nông thôn mới. Những vùng quê hoang hóa, những căn nhà xập xệ, những con đường đất lầy lội xuống cấp dần dần thay thế bằng cảnh trù phú, đường sá nới rộng, nhà tầng mọc lên tuy thưa thớt nhưng đã thay đổi phần nào diện mạo, cuộc sống người dân nơi đây.
Một lãnh đạo huyện Thạch Hà cho rằng, nếu dự án tiếp tục thực hiện thì không những thành quả trong xây dựng nông thôn mới của người dân phấn đấu trong mấy năm qua sẽ tan biến mà cuộc sống của họ lại tiếp tục khó khăn. Tầm ảnh hưởng của dự án không chỉ khoanh vùng ở 5 xã của huyện Thạch Hà mà có thể liên đới đến nhiều địa phương khác.
Mặt khác, nếu mỏ sắt Thạch Khê được khai thác, những tiềm năng về kinh tế biển, du lịch biển, du lịch sinh thái của vùng đất này sẽ không còn. “Kịch bản” hoang mạc hóa cả một vùng rộng lớn, tiệm cận đến cả TP Hà Tĩnh là điều mà các chuyên gia, nhà khoa học đã cảnh báo nhiều lần qua nhiều diễn đàn.
Vấn đề đặt ra, nếu Dự án đầu tư và khai thác tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê bị “khai tử”, Hà Tĩnh nên làm gì, nên phát triển theo hướng nào để có sự phát triển bền vững?
(Còn nữa)