Mới đây, đơn vị chủ đầu tư tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã ký kết hợp đồng triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS - Intelligent Transport System) với Tập đoàn Elcom.
Phân đoạn này có chiều dài gần 50km, thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1. Hợp đồng được thực hiện theo hình thức chìa khóa trao tay với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng.
Tăng cường hiệu quả giám sát, điều hành giao thông bằng công nghệ mới nhất
Hợp đồng giao thông thông minh trên tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được ký kết trong bối cảnh ưu tiên đầu tư đồng bộ ITS trên các tuyến cao tốc Bắc Nam, nhằm tạo sự liên thông toàn hệ thống, thống nhất trong quản lý, vận hành và khai thác.
Theo thông tin từ Elcom, hệ thống ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) - Edge AI (AI tại biên), IoT (Internet vạn vật) và Big Data (Dữ liệu lớn) do đơn vị này nghiên cứu, làm chủ và thiết kế hoàn toàn.
Elcom cũng khai thác công nghệ Machine Learning (máy học) và Deep Learning (học sâu) với lượng dữ liệu lớn về giao thông thực tế tại Việt Nam.
Lượng dữ liệu này được ghi nhận qua quá trình hơn 10 năm Elcom triển khai hệ thống giám sát giao thông, cân tải trọng tự động và thu phí không dừng trên nhiều tỉnh thành. Nhờ đó tối ưu được cả phần mềm và phần cứng tại hiện trường nên độ chính xác khi nhận diện sự kiện giao thông và tự động xử lý nghiệp vụ, phân loại hành vi vi phạm trên cao tốc lên tới 98%.
Phạm vi tham gia của đơn vị này sẽ bao gồm toàn bộ hoạt động như: khảo sát, thiết kế thi công; cung cấp lắp đặt thiết bị, tích hợp phần mềm và đào tạo, chuyển giao.
Dự án có quy mô toàn diện, trọn gói từ trung tâm quản lý điều hành, camera giám sát giao thông, phát hiện xe VDS cho tới biển báo điện tử VMS, radio, tổng đài PBX hay hệ thống truyền dẫn DTS, cấp nguồn PSS…
Nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ nhờ ứng dụng công nghệ 4.0
Có thể nói, giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, chuyển đổi số ngành giao thông là một trong những vấn đề mang tính cấp thiết của quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án quản lý kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2022 - 2030, nhấn mạnh nhiều mục tiêu quan trọng liên quan đến chuyển đổi số ngành giao thông.
Đến năm 2030, 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chuyển đổi số 100% các nghiệp vụ trong công tác xây dựng và quản lý, bảo trì của các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải; hình thành được cơ sở dữ liệu hiện đại, kết nối và chia sẻ giữa các lĩnh vực giao thông vận tải, giữa Trung ương và địa phương.
Tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Quyết định số 1454/QĐ-TTg về việc Quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đến năm 2030 phấn đấu cả nước có 5000 km cao tốc đưa vào khai thác. Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường bộ đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng, nhằm mở rộng mạng lưới đường bộ và đưa công nghệ để những con đường được “thông minh hoá".
Cùng với sự ưu tiên nguồn lực từ Chính phủ, mạng lưới cao tốc xuyên suốt và đầu tư đồng bộ ITS sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội quốc gia thời gian tới.