Khó chồng khó
Trên cơ sở kết quả rà soát và báo cáo của các nhà thầu thi công dự án, CTCP Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết, tính đến nay, luỹ kế giá trị sản lượng thực hiện dự án dự kiến đạt 2.700 tỷ đồng (tương đương 31% giá trị hợp đồng). Hiện, dự án còn 17 điểm vướng mắc mặt bằng tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên như: Đường điện cao thế, hạ thế, trung thế; cầu cống do thay đổi lý trình; mương thuỷ lợi và vướng mặt bằng các hộ dân...
Ngoài mặt bằng, nhà đầu tư còn thiếu vật liệu thi công. Một số mỏ đất đã đầy đủ thủ tục, tuy nhiên chưa khai thác được do một số người dân ngăn cản như: Mỏ Rú Rậm tại xã Hưng Yên Nam, mỏ Eo Gió tại xã Nam Giang hay mỏ Rú Thành tại xã Hưng Thành (Hưng Nguyên)...
Ông Trương Hữu Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đại Hiệp (nhà thầu thi công dự án) cho biết, vừa qua là thời gian khó khăn, vất vả nhất của các nhà thầu. Khó khăn nhất là về vấn đề tín dụng ngân hàng, giải phóng mặt bằng, nguồn và giá nguyên vật liệu...
Theo ông Phúc, tín dụng ngân hàng giải ngân chậm (từ khi ký hợp đồng đến khi giải ngân chậm hơn 9 tháng) dẫn đến nhà thầu thiếu vốn thi công, có thời điểm thiếu vốn, nhà thầu đã phải cầm cố nhà cửa, máy móc, thiết bị của công ty để chi ra công trình.
Hiện nay, vấn đề vật liệu là vấn đề rất nan giải và cực kỳ khó khăn, như đất san lấp hiện tại giá mua vào đã cao hơn nhiều so với giá dự toán được phê duyệt. Đơn cử, giá đất trong đơn giá dự toán được phê duyệt chỉ có 101.000/m3 mà hiện tại nhà thầu phải mua hơn 130.000/m3, thế nhưng cũng không có đất để mua.
Bên cạnh đó, giá vật liệu đá cũng là vấn đề nan giải khi đơn giá tại các mỏ đá tại Hà Tĩnh đã tăng lên trên 20% so với trước đây. Ông Phúc cho rằng, nếu thời gian tới giá dầu lại lên cao thì sẽ kéo theo cước vận tải, xe, máy lại tăng lên nữa, dẫn đến nhà thầu sẽ gặp khó khăn chồng chất khó khăn.
"Thời điểm khó khăn nhất của chúng tôi là vào khoảng tháng 9-10/2021, khi đó ngân hàng chưa giải ngân vốn vay mà giá thép tăng lên đến 22.000/ kg, tuy nhiên khi đó chúng tôi vẫn chấp nhận nhập mua và triển khai thi công dự án theo kế hoạch. Đến nay, giá thép đã giảm xuống nhiều, ngân hàng đã giải ngân vốn vay thì lại gặp khó về nguồn và đơn giá nguyên vật liệu như: đất, đá...", ông Phúc nói và cho biết, giai đoạn này mặc dù rất khó khăn về nguồn nguyên vật liệu nhưng sẽ cố gắng hết sức, huy động tất cả các nguồn lực thực hiện dự án để về đích đúng hạn, giữ vững danh dự và uy tín của công ty.
Đẩy nhanh tiến độ để về đích đúng hạn
Mới đây, Bộ GTVT cho biết, hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đang chậm tiến độ so với đăng ký của doanh nghiệp. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, làm tăng ca để bù tiến độ, đặc biệt phải đảm bảo nguồn lực tài chính.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp. Thời gian tới, nếu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiếp tục chậm tiến độ, Bộ GTVT yêu cầuBanQuảnlýdựán6căncứcácquy định hợp đồng BOT đã ký, kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định.
Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chậm tiến độ dự án là do còn một số hạn chế chưa được giải quyết, đặc biệt CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (công ty trong liên danh nhà đầu tư) chưa nộp đủ vốn chủ sở hữu làm ảnh hưởng đến nguồn vốn và công tác thanh toán cho các nhà thầu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư, các nhà thầu chưa lập lại tiến độ chi tiết phù hợp với tiến độ tổng thể, chưa tổ chức tăng ca, tăng kíp để bù lại khối lượng bị chậm, đặc biệt công tác xử lý nền đất yếu; chưa chủ động xử lý dứt điểm nguồn vật liệu đất đắp.
Trao đổi với Tạp chí Nhà đầu tư, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho hay, dự án BOT khác với dự án đầu tư công, trong dự án BOT thì nhà đầu tư phải vay ngân hàng và chịu lãi vay (lãi thời gian thi công và lãi trong thời gian thu phí) nên nếu chậm tiến độ thì nhà đầu tư phải chịu thiệt hại đơn, thiệt hại kép. Do vậy, về tiến độ nhà đầu tư còn lo lắng hơn các Bộ, ban, ngành.
Về vấn đề vốn đầu tư, theo ông Nguyễn Quốc Việt, dự án khởi công vào tháng 5/2021 nhưng đến tháng 10/2022 ngân hàng mới giải ngân vốn vay, trong khoảng thời gian hơn một năm nhà đầu tư và nhà thầu phải bỏ tiền túi ra để thực hiện dự án nên rất khó khăn.
"Khi dòng tiền đã thông thì các nhà đầu tư đã tập trung máy móc, nhân công để đẩy nhanh tiến độ. Rất may dự án này các nhà đầu tư cũng là nhà thầu mạnh nên chúng tôi cũng yên tâm. Nếu thời tiết và các điều kiện khách quan thuận lợi thì chúng tôi sẽ về đích đúng hạn", ông Việt nói và cho biết, mặc dù thời tiết những ngày qua không thuận lợi, nhưng trên công trường vẫn luôn có 85 mũi thi công và có trên dưới 1.000 máy móc, thiết bị trải dọc tuyến, với hơn 2.000 cán bộ, lao động có mặt để thực hiện nhiệm vụ.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Việt, sản lượng trung bình hàng tháng hiện nay của dự án từ 300-320 tỷ đồng, nếu dòng tiền giải ngân được liên tục, kịp thời thì nhà đầu tư sẽ phấn đấu đẩy sản lượng lên 350-400 tỷ đồng/tháng.
Ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho hay, mặt bằng cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã bàn giao xong các tuyến chính, hiện chỉ còn vướng mắc một số điểm hai bên đường gom, đường điện, nhà dân... "Hiện, địa phương đang phối hợp với chủ đầu tư để xử lý những việc phát sinh và tồn đọng còn lại để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện, hoàn thành dự án", ông An nói.
Diễn Châu - Bãi Vọt là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, dài 49 km, đi qua hai tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km), được đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành xây lắp trong tháng 5/2024. Giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn nhà nước tham gia hơn 6.067,7 tỷ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ GTVT với liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - CTCP Đầu tư và xây dựng Vina2. CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng là doanh nghiệp dự án.
Theo Văn Dũng - nhadautu.vn