Mà muốn giải phóng mặt bằng thuận lợi, lòng dân phải thuận. Trên công trường cao tốc Bắc - Nam, có một "cao tốc" khác đang được dựng xây: cao tốc của lòng dân.
Ngày 24 tháng chạp vừa rồi, khi nhà nhà tất bật chuẩn bị cho cái tết sum họp thì 15 hộ dân ở thôn Vĩnh An (xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ, Quảng Trị) lỉnh kỉnh đồ đạc dắt díu nhau rời khỏi nhà để nhường mặt bằng cho cao tốc Bắc - Nam.
Cái tết lạ nhất đời
Cho đến cuối tháng 3, khi trở lại Vĩnh An, nhìn cảnh 15 hộ dân này vẫn đang sống tạm bợ, người phải đi thuê trọ, người ở trong ngôi nhà ghép bằng phên gỗ, tôi vẫn tự hỏi không biết điều gì đã thôi thúc họ chịu đón cái tết "tạm" và dành kỳ vọng lớn lao cho tuyến cao tốc. Anh Trịnh Mạnh Cường (38 tuổi, hộ dân bị ảnh hưởng ở Vĩnh An) nở nụ cười khi bắt đầu câu chuyện: "Có lẽ đây là cái tết đặc biệt và lạ lùng nhất của tôi từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ".
Anh Cường làm nghề thợ mộc, vợ là chị Hoàng Thị Lan làm công nhân. Gia đình nhỏ với 3 con nhỏ nhiều năm sống bình yên trong gian nhà cũ. Khi nhận tin phải rời xa ngôi nhà, trả mặt bằng thi công cao tốc vào những ngày giáp tết, ban đầu như "sét đánh ngang tai". "Nghề mộc của tôi cuối năm thường nhiều việc, vì nhiều người muốn hoàn thiện nhà trước tết. Giờ mà dỡ nhà, dỡ xưởng thì hàng hóa biết tính sao đây? Chủ trương nhà nước thì phải chấp hành, nhưng cái thế của tôi lúc đó quá khó", anh Cường nhớ lại.
"Nút thắt" của hộ anh Cường đã được tháo gỡ khi chính quyền đồng ý cho anh mượn khu đất trống gần đấy để dựng nhà tạm, ghép bằng những tấm phên gỗ, mái lợp tôn. "Từ ngày 24 - 26 tháng chạp, cùng với sự hỗ trợ của bộ đội, dân quân tự vệ, Đoàn thanh niên, nhà tạm làm xong và đồ đạc cũng vận chuyển lên. Ngay chiều 26, máy cưa máy bào của tôi tiếp tục được hoạt động ở nhà tạm từ đó đến nay. Tết cũng trôi tuột qua lúc nào không hay", anh Cường kể.
Gia đình ông Võ Văn Nghi (55 tuổi) thuộc diện hộ có diện tích thu hồi lớn nhất, với gần 600 m2. Ở vị trí cũ, ông Nghi và vợ từng mở tiệm cà phê đông đúc khách, ngày bán vài trăm ly cà phê. "Ngày đơn vị thi công đến đập nhà, ai cũng khóc. Vì đó vừa là mái ấm vừa là cơ nghiệp. Vị trí kinh doanh đắc địa mất đi, phía trước chúng tôi là bao lo toan về nơi ở mới, liệu có còn bán cà phê được không?", ông Nghi từng do dự.
Hiện ông Nghi đang thuê lại ngôi nhà gần nhà cũ với giá 5 triệu đồng/tháng, cũng mở bán cà phê nhưng mỗi sáng chỉ được dăm chục ly. "Nói thật là cái tết vừa rồi của gia đình chúng tôi khó mà tròn trịa. Vì nhà cửa không còn, chúng tôi cũng bớt sắm sanh, cũng ít ai lui tới… Cả nhà động viên nhau: Thôi gắng…", khóe mắt ông Nghi như nhòe đi.
Đám cưới ở nhà tạm
Trong tổng số 15 gia đình bị ảnh hưởng ở thôn Vĩnh An, đại gia đình ông Hoàng Đức Hùng (55 tuổi, làm nghề thợ hồ) đã chiếm 4. Ấy bởi ngoài nhà cửa của vợ chồng ông, còn có nhà cửa của 3 cô con gái là Hoàng Thị Linh, Hoàng Thị Lành, Hoàng Thị Vân Anh. Tất cả đều phải tháo dỡ, đập bỏ thành đống gạch vụn để lấy mặt bằng thi công cao tốc.
"Ban đầu, bà xã tôi căng lắm, khóc lên khóc xuống vì không muốn đi. Ngôi nhà đó chúng tôi đã ở hơn 30 năm với biết bao kỷ niệm, giờ có tiền cũng không mua nổi. Thế nhưng ngày 24 tết vừa rồi vẫn rời đi. Vợ chồng tôi cùng bé út lên ở trên chỗ nhà tạm, được dựng vội trong 2 ngày. Còn gia đình mấy đứa kia thì đứa về nội, đứa ở nhà bà con, đứa thuê nhà", ông Hùng nói.
Nuốt nước mắt vào trong để động viên vợ con chấp hành chủ trương của nhà nước, gần 4 tháng qua gia đình ông Hùng sống khổ trong ngôi nhà tạm lợp tôn, mưa thì dột, nắng thì nóng muốn bốc hỏa. Nhưng điều ông lo lắng hơn vẫn còn đang ở phía trước.
"Tháng sau, con bé sinh năm 2003 đi lấy chồng mà giờ nhà cửa không có. Vợ chồng tui không biết tính kiểu chi đây? Chừ ai hỏi chuẩn bị cưới hỏi tới mô rồi thì cũng chỉ biết cười trừ thôi. May là con gái vu quy, chứ nếu là con trai thì giờ đến cái buồng cưới cũng không có", ông Hùng thổ lộ.
Hứa và sợ thất hứa
15 hộ dân Vĩnh An rời nhà vào trước tết Nguyên đán vì lời hứa của chính quyền về việc sẽ sớm được tái định cư và có lẽ không có gì làm họ mong ngóng hơn điều này. Bởi ai cũng biết, an cư mới lạc nghiệp…
Ông Bùi Văn Luật, Phó chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ của H.Cam Lộ, là người trực tiếp "đến nói khó" với các hộ dân Vĩnh An trong ngày giáp tết, và bản thân ông cũng không ngờ mọi việc lại suôn sẻ đến vậy. "Ban đầu rất căng, bởi giải phóng mặt bằng đã khó, vào thời điểm quá cận tết lại càng khó. Nhiều ngày liền, chúng tôi cứ đến ngồi trò chuyện với bà con từ sáng đến tối để mong những cái gật đầu. Nhiều người dân đã khóc, họ nói họ không cần tiền bồi thường gì cả, họ chỉ muốn ăn yên ở yên. Chúng tôi cũng khóc…", ông Luật nhớ lại.
Sau này, khi bà con đồng ý rời đi, nhường mặt bằng, ông Luật và nhiều người trong Hội đồng giải phóng mặt bằng vẫn thường xuyên vào ra xem điều kiện ăn ở của bà con ra sao. "Biết cảnh bà con đang sống trong nhà tạm hoặc ăn nhờ ở đậu, chúng tôi cũng xót xa lắm. Chúng tôi nói với bà con rằng việc triển khai khu tái định cư cho bà con vẫn đang gấp rút thực hiện, nên bà con gắng chờ thêm một thời gian nữa. Tôi là người hứa với bà con và tôi chưa bao giờ sợ mình thất hứa đến vậy", ông Luật nói.
Theo Nguyễn Phúc - thanhnien.vn