Tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là tái định cư phải đi trước một bước, tốt hơn nơi ở cũ, đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt, y tế, văn hóa, giáo dục. Thế nhưng, tại tỉnh Hà Tĩnh, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án Cao tốc Bắc-Nam) khởi công từ đầu năm 2023, đến nay các dự án, khu điểm tái định cư vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục.

11-1682221533.jpg
Mặt bằng thi công và nguồn cung vật liệu đang khiến nhà thầu khó khăn trong việc thi công

Tại xã Lưu Vĩnh Sơn huyện Thạch Hà có 80 hộ nhường đất cho dự án, di dời, tái định cư Dự án Cao tốc Bắc-Nam, thế nhưng đến nay địa phương này mới hoàn thành công tác kiểm đếm hiện trạng. Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng và ông Lê Mai Thắm, thôn Vĩnh Cát và nhiều hộ dân nơi đây chưa biết lúc nào đi, đi như thế nào

- “Đáng lẽ giờ mặt bằng cho dân di dời phải có rồi, chứ giờ chưa có mô cả giả sử họ lấy đất giải phóng mặt bằng mình đi mô, dân chỉ thắc mắc rứa thôi”.

- “Chủ trương nhà nước làm đường cao tốc người dân chúng tôi đồng tình nhưng nhờ cấp trên giải quyết việc chuyển tái định cư diện tích đảm bảo và đề bù cho người dân đảm bảo làm chỗ mới”.

Đặt vấn đề, dự án tái định cư chưa triển khai nghĩa là nhanh cũng mất vài tháng chậm thì 1 năm mới có mặt bằng để người dân di chuyển. Và chỉ khi người dân chuyển đi chính quyền mới có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công.

“Mới quy hoạch và phê duyệt xong. Như thế là chậm. Đáng lẽ cái này tỉnh làm thì các sở ngành khâu nối làm nhanh hơn chút, đi trước một bước. Sau này mình vận động dễ chứ không hộ nông dân khi chưa có nhà ở đi thuê khó, trâu bò, lợn gà, nông cụ sản xuất phức tạp lắm”, ông Huỳnh – Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà bày tỏ.

22-1682221553.jpg
Vị trí khu tái định cư xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà đang là bãi đất trống

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn Hà Tĩnh có tuyến chính dài 102,38km, gồm 3 dự án thành phần. Để phục vụ dự án, khối lượng mặt bằng mà tỉnh này cần bàn giao cho chủ đầu tư là 902ha đất các loại, với 8.984 hộ dân bị ảnh hưởng, cất bốc hơn 1.285 ngôi mộ, trong đó có 625 hộ dân phải di dời.

Để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật di dời tái định cư, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt 32 hồ sơ quy hoạch tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án (có 4 khu tái định cư nghĩa trang). Đến thời điểm này mới phê duyệt hồ sơ thiết kế 28 khu, phần lớn các khu tái định cư này chưa được thi công, điển hình như ở các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà...

Việc chậm triển khai tái định cư đồng nghĩa với việc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu chậm và mặt bằng không liền mạch. Một số đơn vị thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vẫn đang vướng mặt bằng, khó triển khai các mũi thi công.

Cụ thể, dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, qua địa phận xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà đến vẫn còn vướng mặt bằng để thi công tuyến chính do có các hộ dân chưa đền bù xong. Những vướng mắc này khiến đơn vị thi công không thể mở được đường công vụ, gây khó khăn cho việc xe vận chuyển vật liệu xây dựng đi lại, tập kết vật liệu vào tuyến chính. Thực trạng này cũng xảy ra tại gói thầu đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, do liên danh nhà thầu là Công ty Xây dựng Xuân Trường - Công ty CP 471 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập thi công…

33-1682221574.jpg
Việc triển khai các khu tái định cư chậm được xác định là do các đơn vị bàn giao mốc giải phóng cho địa phương chậm

Trao đổi với PV Đài TNVN lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh lý giải “Nói là tái định cư phải đi trước một bước, nhưng mốc giải phóng mặt bằng mới bàn giao thì sao đi trước được”. Về giải pháp tháo gỡ vấn đề này, ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để đảm bảo tiến độ thì tỉnh phải linh hoạt.

“Tái định cư thì đang giao địa phương vận động dân, có thể ban đầu có thể hỗ trợ dân thuê nhà trong thời gian đang xây tái định cư, không phải chờ tái định cư; mặt nữa là khu tái định cư san nền thì đồng thời giao mặt bằng dân xây nhà luôn. Tỉnh tập trung trong năm nay xong các khu tái định cư, khi đó người dân cơ bản xây xong nhà”, ông Hà cho hay.

Qua kiểm tra thực tế, vướng mắc chủ yếu là do hạ tầng các khu tái định cư chưa hoàn thiện, người dân thuộc diện di dời chưa thể chuyển đến nơi ở mới để giao đất cho dự án; một số cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi đang khó khăn trong định giá đền bù và vướng mắc về di dời hạ tầng đường điện.

Từ thực tế đó, tỉnh Hà Tĩnh đang giao các địa phương, đơn vị, tập trung cao cho việc triển khai xây dựng khu tái định cư, chi trả tiền bồi thường đất dân cư, cất bốc mồ mả, di dời công trình, hạ tầng kỹ thuật... để hoàn thiện, bàn giao 100% mặt bằng dự án trước ngày 30/5. Nhiệm vụ này khó khả thi./.

Theo Sỹ Đức - vov.vn