Từ Xô viết Nghệ Tĩnh cho đến đến mùa thu Tháng Tám năm 1945, quân và dân xứ Nghệ vẫn luôn một lòng theo cách mạng, sục sôi, khí thế.

Quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh

Ngay từ thời kỳ vận động thành lập Đảng (1925-1930), Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ) đã là nơi góp phần quan trọng tạo nên những yếu tố cần và đủ để tiến tới Hội nghị Thống nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Sau sự kiện bước ngoặt lịch sử vĩ đại ấy, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng mau chóng được thành lập (20/3/1930). Tuy tuổi đời còn non trẻ, song phong trào cách mạng 1930 – 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh là sự kiện chính trị đã làm rung chuyển cả hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa tư bản. 

Thời điểm bấy giờ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân bùng lên mạnh mẽ trên khắp cả ba miền: Bắc, Trung, Nam. Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Từ ngày 1/5/1930 đến tháng 8/1930, có gần 100 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân, là “đêm trước” của Xô viết Nghệ Tĩnh.

Dẫu bị đàn áp khốc liệt, bị địch dìm trong biển máu, Xô viết Nghệ Tĩnh với hình ảnh của lá cờ đỏ búa liềm cùng với chính quyền kiểu mới vẫn khắc sâu trong tâm trí quần chúng nhân dân. Âm hưởng, ý nghĩa lịch sử và những bài học quý giá của Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn còn sáng mãi, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.

Tuy phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng phong trào quần chúng ở Nghệ An vẫn hết sức vững vàng, các cơ sở cách mạng phát triển không ngừng, góp phần quan trọng trong công cuộc phục hồi Đảng (1932-1934). Trong phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939), Nghệ An cũng đã có thêm nhiều hình thức tranh đấu sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, điển hình là vụ đình công ở Nhà máy Trường Thi (1937).

1-1723591107.jpg
Tranh tái hiện Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).

Kể từ năm 1943, Nhật ngày càng lấn chân Pháp ở Việt Nam, kẻ thù chủ yếu của cách mạng được xác định lại là Nhật - Pháp. Từ ngày 9/3/1945 (ngày Pháp đầu hàng Nhật), kẻ thù chủ yếu của cách mạng chỉ còn là phát-xít Nhật và tay sai. Điều này có tầm quan trọng rất lớn trong việc bố trí thế trận cách mạng và lực lượng cách mạng.

Năm 1945, phát xít Nhật - Pháp tăng cường vơ vét lương thực cho chiến tranh, gây nên thảm họa 2 triệu người Việt Nam chết đói, Đảng đã phát động một cao trào đấu tranh kết hợp chính trị với vũ trang. Mít tinh, biểu tình đòi quyền sống, đi đôi với vũ trang phá kho thóc cứu đói, lập các căn cứ địa và các chiến khu cách mạng, tiến hành khởi nghĩa từng phần, thành lập chính quyền cách mạng địa phương, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.

Đầu năm 1945, hưởng ứng chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” trong cao trào kháng Nhật cứu nước của Ban thường vụ Trung ương Đảng, phong trào cách mạng ở Nghệ An diễn ra hết sức sôi nổi. Ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu… nhân dân đã kéo đến các huyện đường phá kho thóc, chống đối bằng nhiều hình thức từ thấp tới cao. Các cuộc khởi nghĩa từng phần cũng đã diễn ra, nhiều địa phương trong các tỉnh tổ chức cứu quốc, các đoàn thể Việt Minh. Đặc biệt, đúng vào ngày sinh nhật Bác 19/5/1945, Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh đã ra đời tại TP. Vinh.

Căn cứ vào nhận định của Trung ương và thực tế phong trào tại địa phương, ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh đã tổ chức Đại hội tại Phúc Mỹ (nay là xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên) với sự có mặt của 40 đại biểu, để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa. Đại hội đã thông qua nhiều nhiệm vụ quan trọng như   gấp rút xây dựng và phát triển mạnh mẽ Mặt trận Việt Minh, các hội cứu quốc, các đội tự vệ và tiểu tổ du kích, thực hiện quân sự hoá dân chúng, xúc tiến việc thành lập chiến khu, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang. Đồng thời, phát động phong trào treo cờ, băng, khẩu hiệu, dán biểu ngữ, rải truyền đơn, tổ chức mít tinh diễu hành, thị uy cổ động quần chúng, gây thanh thế cho cách mạng.

2-1723591133.jpg
Chùa Viên Quang, nơi diễn ra cuộc họp lịch sử của Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy

Góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước

Lúc bấy giờ, phong trào Kháng Nhật - Pháp cứu nước ở Nghệ An được chia làm 4 phân khu: Vinh - Bến Thuỷ, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Nghi Xuân;  Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn; Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành; Con Cuông, Vĩnh Hoà, Tương Dương. Trong đó, dưới sự chỉ đạo của Ban vận động Việt Minh, ngày 16/8/1945, nhân dân xã Thanh Thủy, tổng Xuân Liễu (tức xã Nam Thanh huyện Nam Đàn ngày nay) nhất tề đứng lên, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây cũng là địa phương đầu tiên ở Nghệ An giành được chính quyền.

Trước đó, ngay từ những ngày đầu cách mạng, Thanh Thủy cũng đã là một trong những cơ sở cách mạng chủ chốt của huyện Nam Đàn. Bất chấp sự đàn áp của thực dân, phát xít, nhân dân Thanh Thủy vẫn đoàn kết một lòng nuôi giấu, che chở cho các chiến sĩ cách mạng. Ngay sau khi thành lập vào tháng 6/1945, Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy đã phân công cán bộ đi tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các hội quần chúng của Mặt trận. Nhân dân Thanh Thủy vốn có truyền thống cách mạng nên mọi người đều nô nức tham gia.

Ngay sau khi Phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng, ngày 15/8 Việt minh Liên tỉnh Nghệ Tĩnh họp và ra lệnh cho các phủ, huyện bố trí ngay việc giành chính quyền, không câu nệ làng trước hay huyện trước. Nhận được lệnh, Ban chấp hành Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy đã tổ chức một cuộc họp bí mật tại chùa Viên Quang, do đồng chí Nguyễn Hữu Thái chủ trì.

Tại cuộc họp, Ban chấp hành Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy nhận định: Thời điểm này, hệ thống bang tá, hương lý, cường hào đã hoang mang, dao động cực độ; lính khố đỏ, khố xanh Pháp bỏ ngũ về sẵn sàng tham gia phong trào cách mạng của địa phương; lực lượng khởi nghĩa tại Thanh Thủy đã chuẩn bị sẵn sàng đợi lệnh. Thời cơ cách mạng đã tới, ai cũng nô nức, hăng hái sẵn sàng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. 

Ngày 16/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy, đông đảo bà con nhân dân đã nhất tề đứng dậy cướp chính quyền. Trước khí thế sục sôi, ý chí quật cường của người dân, lý trưởng, cường hào, hương lý không giám phản ứng mà đã ngoan ngoãn giao nộp con dấu và các loại giấy tờ sổ sách của xã cho cách mạng. Cuộc nổi dậy cướp chính quyền tại xã Thanh Thủy đã thành công, lúc này mới chỉ có xã Thanh Thủy giành được chính quyền đầu tiên. Chính quyền cũ tan ra, Ủy ban khởi nghĩa lâm thời được thành lập, trụ sở đóng tại đình Đức Nam.

ii-1723591162.jpg
Hào khí Cách mạng Tháng Tám

Tiếp sau xã Thanh Thủy, ngày 18/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Quỳnh Lưu đã lãnh đạo quần chúng vũ trang biểu tình kéo đến bao vây huyện đường, buộc tri huyện phải từ chức, lập “Chính phủ cách mạng lâm thời” huyện và lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở các tổng, xã. Quỳnh Lưu là địa phương cấp huyện giành được chính quyền sớm nhất ở tỉnh Nghệ An.

Đến sáng ngày 19/8/1945, Ban Thường trực Việt Minh huyện Hưng Nguyên đã tổ chức lãnh đạo quần chúng giành chính quyền. Ngay chiều hôm đó, Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện Hưng Nguyên do ông Ngô Mậu làm Chủ tịch ra mắt trước nhân dân. Còn ở Nghi Lộc, Ủy ban Việt Minh cũng vận động đồng bào Thiên Chúa giáo và đông đảo quần chúng biểu tình tại tòa giám mục Xã Đoài, buộc các cố đạo người Pháp phải trao quyền lai cho các linh mục người Việt.

Cũng trong ngày 19/8/1945, tại Vinh, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, hàng trăm thanh niên mang cờ đỏ sao vàng diễu hành qua các đường phố hô vang các khẩu hiệu cách mạng và thăm dò thái độ của lực lượng Nhật đang đóng ở đây. Sáng 21/8/1945, hàng vạn công nhân, nông dân, nhân dân lao động mang vũ khí tuần hành thị uy. Sau đó, đại diện Mặt trận Việt Minh vào gặp Bộ chỉ huy quân đội Nhật. Trước khí thế của quần chúng cách mạng, Nhật phải chấp nhận những điều kiện của ta đưa ra. Đồng thời, các đội tự vệ công nhân, thanh niên cùng một số lính bảo an đi theo cách mạng vào đánh chiếm các công sở.

Đến trưa 21/8/1945, lực lượng cách mạng kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng Nghệ An, buộc tỉnh trưởng Đặng Văn Hứa phải từ chức, bàn giao chính quyền cho cách mạng. Ông Lê Viết Lượng thay mặt Uỷ ban cách mạng lâm thời Nghệ An tuyên bố xoá bỏ bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng.

Chính quyền bù nhìn các phủ, huyện hoang mang cao độ, khí thế quần chúng như nước vỡ bờ. Từ ngày 22 đến 26/8/1945, các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Nghĩa Lộ, Yên Thành, Tương Dương, Quỳ Châu cũng lần lượt giành chính quyền về tay nhân dân. Như vậy, chỉ trong vòng 9 ngày (từ ngày 18 đến 26/8/1945), cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã hoàn toàn  thắng lợi.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ phát xít thực dân - phong kiến trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.