Huyện Con Cuông, Nghệ An có 67.233 ha rừng thuộc Vườn quốc gia Pù Mát, là một trong chín huyện miền núi nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2007. Nơi đây có Bản Xiêng ở xã Môn Sơn và Khe Rạn ở xã Bồng Khê - hai bản làng người Thái có hoạt động du lịch cộng đồng vô cùng nổi bật.
Đến bản Xiêng, ngồi thuyền đi ngược dòng sông Giăng, du khách như được gột rửa tâm trí khi đắm mình giữa ngát xanh núi rừng. Phía trên là những tảng đá núi sừng sững, bên dưới là làn nước trong vắt nhìn tận đáy. Đây đó là những lồng cá bè được nuôi thả trong môi trường tự nhiên theo con nước sông Giăng. Những đoạn thuyền chạy gần bờ, du khách nhìn thấy cả những dây hoa dại vươn mình từ những lèn đá, hình ảnh gợi nhắc đến địa danh của khu vực này: Phà Lài, trong tiếng Thái có nghĩa là "lèn hoa".
Từ đập Phà Lài, ngồi thuyền độ 20 phút là tới bãi tắm "tiên". Nơi đây, khách được dịp hòa mình vào làn nước mát lạnh, trong xanh cùng những trò chơi thú vị. Nếu chưa thỏa với trò đu dây rừng phía thượng nguồn sông Giăng, những người thích vận động có thể tham gia chèo thuyền kayak ngay dưới chân đập.
Buổi trưa tại đập Phà Lài, du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản sông suối của người Thái. Một mẹt tre được dọn lên, gọi mời du khách bởi món lợn nướng bản, xôi nếp cẩm, cá trắm đen hấp lá đu đủ, tép sông, cá mát nướng, canh cá chạch chuối đậu.
Cá ở đây thịt mềm, ngon nức tiếng. Thức uống đi kèm không thể thiếu là rượu men lá thơm nồng. Chị Vi Thị Thắm, giám đốc Khu du lịch sinh thái Phà Lài, cho biết đây là thương hiệu rượu trứ danh của người Thái, được ủ từ 18 loại lá rừng khác nhau, mỗi loại đều là một vị thuốc.
Nhưng buổi chiều tối mới là khoảng thời gian du khách có dịp chạm sâu hơn vào tâm hồn đồng bào người Thái. Đến bản Khe Rạn, bước qua cây cầu cùng tên, một thế giới khác mở ra. Đầu tiên là khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp với chiếc thuyền nhỏ lướt nhẹ trên sông và những chú trâu sảng khoái đùa nghịch cùng nước.
Ngay bến sông, du khách bắt gặp cây đa cổ thụ gần ngàn năm tuổi theo lời các bô lão ở bản. Dưới chân nhà sàn đã sẵn một đống củi, một chóe rượu cần. Khi đã nạp xong năng lượng bằng những món ăn đặc sản từ núi rừng, sông suối, du khách bắt đầu say theo điệu nhảy sạp rộn ràng, điệu múa lăm vông mềm mại cùng hương rượu cần nâng tình lâng lâng.
Buổi sáng hôm sau, du khách được đưa đi thăm thác Kèm, cách bản Khe Rạn khoảng 25 km và cũng nằm trong Vườn quốc gia Pù Mát. Thác cao 500 m, có khi còn được gọi là thác Khe Kèm, trong tiếng Thái có nghĩa là "dải lụa trắng". Đúng như tên gọi, khi đến gần, khách sẽ được chiêm ngưỡng những cột nước trắng xóa đổ từ trên cao xuống, qua những tầng vách đá có độ nghiêng 80 độ. Phía trên và hai bên thác là cả thảm thực vật với hàng trăm loài hoa khoe sắc. Các nhà khoa học đã từng đánh giá nơi đây giống như một kho tàng phong phú về thực vật và các loại cây thuốc quý hiếm.
Dưới chân thác có những hồ nhỏ, nước trong vắt, là nơi lý tưởng để du khách ngâm mình, tha hồ tạo dáng để có những bức ảnh ấn tượng với thác nước lớn và đẹp nhất khu vực Bắc Trung Bộ, hay để cho những chú cá mátxa chân trong hồ nước.
Đã rời Con Cuông, miền Trà Lân xứ Nghệ, nhưng chắc hẳn đâu đó trong du khách sẽ còn thoáng hiện bức tranh phong cảnh núi rừng tuyệt đẹp, bản làng thanh bình và ánh nhìn trìu mến của những cô sơn nữ người dân tộc Thái trong bộ trang phục thổ cẩm đậm sắc màu, vương mùi cỏ cây, hoa lá.