Khắp các địa điểm từ địa đầu cực Bắc nằm ở đỉnh Lũng Cú thuộc tỉnh Hà Giang đến cực Nam của đất nước hình chữ S bên bờ biển Đông là Mũi Cà Mau từ những con đường làng bê tông hóa đến  các phố phường ở đô thị được trang hoàng lung linh với những chuỗi đèn lấp lánh, tạo nên một không gian đầy màu sắc và sinh động. Các khu vui chơi đón Tết, vui Xuân không ngừng đổi mới, tạo điểm nhấn cho không gian phố phường trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ....

5-1707705133.PNG
Xếp hàng xin chữ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám- Hà Nội đầu Xuân Giáp Thìn. Ảnh: Vnexpress.

Khắp từ Bắc vào Nam, mọi gia đình sum vầy, tiếng cười vang khắp nhà. Xuân về, không chỉ là dịp để mọi người tận hưởng không khí lễ hội mà còn là thời điểm quan trọng để gia đình sum họp bên nhau. Tiếng cười, tiếng nói, và hương vị của những món ăn ngon từ bàn tiệc tất bật lan tỏa khắp nhà, tạo nên một bầu không khí ấm áp và hạnh phúc.

Mỗi vùng miền đều có những lễ hội xuân đặc trưng, như lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, lễ hội hoa anh đào ở Hà Nội, hay lễ hội xuân ở Đà Nẵng…  Những lễ hội này không chỉ là dịp để mọi người tận hưởng niềm vui của mùa xuân mà còn là cơ hội để tôn vinh và duy trì những giá trị văn hóa truyền thống.

Chưa năm nào thời tiết đón Tết, vui xuân đẹp như năm nay. Nắng Xuân rực rỡ, hoa nở đều khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Không gian mùa xuân còn được làm đẹp hơn bởi sự rực rỡ của hoa quả khắp nơi. Từ những cánh đồng hoa dã quỳ ở Tây Nguyên, những dải hoa dọc đường ở Đà Lạt, cho đến những cành đào, mai trang trí trong các nhà hàng, gia đình, tất cả đều tạo nên một bức tranh tươi sáng và lãng mạn.

76-1707705159.jpg
Khai mạc lễ hội sách Xuân Giáp Thìn tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: qdnd.vn

 Trong văn hóa Tết của người Việt,  “xông đất” hay còn gọi là “xông nhà” đầu năm sau thời khắc Giao thừa, nhất là trong ngày mồng Một Tết là phong tục truyền thống mang ý nghĩa gắn chặt tình cảm và hướng thiện mà dân gian lưu truyền với mục đích đón lành, tránh dữ diễn ra ở cả nông thôn và thành thị. Người xưa cho rằng người xông nhà hợp với gia chủ sẽ giúp gia đình có một năm mới bình an, làm ăn phát đạt, phúc lộc thọ toàn.

Tiếp đó là tục “mừng tuổi” hay còn gọi là “lì xì” được lưu truyền từ nhiều đời nay, trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới, là nét văn hóa độc đáo, là bản sắc trong truyền thống của dân tộc Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là hoạt động thể hiện lòng tri ân, sự chúc phúc và may mắn cho nhau trong năm mới. Việc “mùng tuổi” thường được thực hiện bằng cách đưa một phong bì chứa tiền mừng tuổi đến cho những người trẻ tuổi hoặc người lớn tuổi hơn, đặc biệt là trong gia đình. Số tiền trong phong bì thường được chọn cẩn thận, với những con số mang ý nghĩa tốt lành, thường là số lẻ hoặc số kết thúc bằng số 8, vì theo quan niệm phong thủy, số 8 mang lại may mắn và thành công.

Tại Hà Nội, những ngày đầu Xuân, hàng nghìn người xếp hàng vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ ông đồ cầu mong một năm mới thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới.

“Mồng ba Tết thầy” là ngày con cháu thăm thầy cô giáo. Ngày xưa, thầy đồ dạy học không nhận lương, chỉ nhận quà cáp của phụ huynh vào những ngày Tết. Thầy trò có mối quan hệ thân thiết, thầy như cha, trò như con. Trò phải cúng tế cho thầy khi thầy mất và giúp đỡ thầy trong đời. Mồng ba Tết thầy là cách thể hiện lòng biết ơn và tôn sư trọng đạo.

Dù câu nói "mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy" là một câu nói mới dựa vào câu nói "mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy" của cha ông ngày xưa, nhưng vì có ý nghĩa nhân văn, tôn lên truyền thống uống nước nhớ nguồn, kính hiếu cha mẹ, tôn sư trọng đạo nên ngày nay câu nói này vẫn được lưu truyền và thể hiện một cách tích cực.

Để mọi nhà đón Tết, vui Xuân, “không ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương trong toàn quốc đã tặng quà Tết, hỗ trợ cho trên 11,81 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 7.153,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 652,9 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.743,6 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hóa là 1.756,5 tỷ đồng.

Về công tác hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt năm 2024, tính đến ngày 6/2/2024, đã có 18 tỉnh gặp khó khăn về nguồn lực (gồm Sóc Trăng, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Nghệ An, Bạc Liêu, Đăk Nông, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bình Phước, Hà Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, An Giang, Lạng Sơn và Tây Ninh) đề nghị Trung ương hỗ trợ 13.690,245 tấn gạo cứu đói cho 136.765 hộ với 849.127 nhân khẩu. Trong đó, hỗ trợ cứu đói Tết: 10.401 tấn gạo cho 693.400 nhân khẩu; Hỗ trợ cứu đói giáp hạt hơn 3.289 tấn gạo cho 155.727 nhân khẩu. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 Quyết định hỗ trợ 10.401 tấn gạo cứu đói Tết và 2.335,905 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho người dân.

m-1707705182.jpg
Ngôi nhà "Đại đoàn kết" của gia đình chị H’Ly Kbuôr tại buôn Kbu, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 70 triệu đồng xây dựng để đón Tết Giáp Thìn. Ảnh: TTXVN

 Mùa xuân mới đang về mang theo bao niềm hân hoan, hy vọng. Nhiều hộ nghèo, khó khăn, niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội khi Xuân này, họ được đón Tết trong những ngôi nhà đại đoàn kết ấm áp nghĩa tình. Những ngôi nhà không chỉ hiện thực hóa ước mơ của biết bao hộ nghèo về nơi ở ổn định mà còn tiếp thêm động lực để họ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Trong đó có Ngôi nhà ""Đại đoàn kết" của gia đình chị H’Ly Kbuôr tại buôn Kbu, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 70 triệu đồng. Gia đình ông Lục Văn Ngân (48 tuổi, thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) có 2 con đều bị khuyết tật nặng không thể lao động, được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố khi được Hội CTĐ đã kết nối với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hỗ trợ gia đình ông Ngân xây dựng ngôi nhà mới, diện tích gần 50m2, kinh phí hơn 200 triệu đồng...