Qua câu đối, tác giả bộc lộ tình cảm, ý chí, quan niệm của mình trước các sự việc, hiện tượng trong cuộc sống. Câu đối còn thể hiện sự nhạy bén, cảm nhận tinh tế, trí thông minh của tác giả trước hiện thực cuộc sống. Có thể nói, câu đối là một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo và tao nhã của người Việt Nam.
Bên cạnh dòng câu đối Ngợi ca đã định hình và thường xuyên xuất hiện trên báo chí trên đây, vẫn còn có song song một dòng “câu đối đặc biệt” là phê phán, lên án những thói hư, tật xấu, những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội. Đó là bọn tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, quan liêu, cửa quyền, xu nịnh. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, ma túy, mại dâm, phim đen, sách đen, bói toán nhảm nhí, mê tín dị đoan…Tính chiến đấu và sức phê phán của dòng câu đối này được thể hiện rất tài tình qua nghệ thuật chơi chữ, tài sử dụng hình ảnh, so sánh, cường điệu, ẩn dụ, hoán dụ, đặc biệt là nghệ thuật nhân cách hóa…
Trong 12 con giáp, các tác giả đã tài tình khai thác triệt để các đặc tính, hình ảnh, bản chất của từng con vật để gán cho các loại người cần lên án và phê phán. Đó là đặc điểm bao trùm của dòng câu đối này.
Năm Canh Tý đã qua, năm Tân Sửu đến, tác giả Vũ Tú Nạc có câu đối sử dụng hình ảnh xấu “Mặt Chuột” và “Đầu Trâu” trong câu đối sau đây để nói về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của con người:
Canh Tý qua, vẫn tiếp tục tuyên chiến bài trừ loài “Mặt chuột”
Tân Sửu đến, luôn kiên trì đấu tranh loại bỏ lũ “Đầu Trâu”.
“Năm Tý qua, bọn tham nhũng ra tòa, “cháy nhà ra mặt chuột”!
Năm Sửu tới, người hảo tâm không “Trâu buộc ghét trâu ăn”! (Tú Đặng - Xuân Đinh Sửu - 1997)
Năm Sửu, năm con trâu, nó là đầu cơ nghiệp của nhà nông, thế mà các tác giả vẫn khéo léo khai thác, viết lên nhiều câu đối phê phán tuyệt hay:
Năm Sửu qua, thằng gian, thằng lận, ăn béo như trâu quen thói “đầu trâu”
Năm Dần đến, quan nhũng, quan tham, ăn như hổ càng vênh “mặt hổ” (Nguyễn Tài Đại - Xuân 1998)
Các tác giả cũng đã nhờ sức mạnh của Trâu và Hổ để nói lên ý chí của mình trong đấu tranh chống tiêu cực:
Tiễn năm Sửu, Trâu đi húc bạt mạng lũ ma túy, ma cô, cùng ma mãnh
Đón năm Dần, Hổ về vồ sạch trơn phường tham ô, tham nhũng với tham quyền! (Hoàng Nghĩa Phượng - Xuân 1998)
Tiễn năm Dần, khen công Hổ vồ lắm kẻ tham ô, hối lộ!
Đón năm Mão, thưởng sức Mèo chụp nhiều tên móc ngoặc, ô dù! (Duyên Hải - Xuân kỷ Mão - 1999)
Mời bạn đọc thưởng thức đôi câu đối của hai tác giả Nguyễn Sỹ Cẩn và Trần Hải Đường sáng tác năm Quý Mùi - 2003 sau đây:
Tiễn năm Ngọ, tống khứ tiêu cực, tham ô đi theo vó ngựa!
Đón Tết Mùi, hoan nghênh kinh doanh, sản xuất, không treo đầu dê!
Tiễn năm Ngọ, xây dựng kỷ cương, luyện phong cách nói thẳng thừng ruột Ngựa!
Đón tết Mùi, bài trừ tệ nạn, bỏ hết trò treo lủng lẳng đầu Dê!
Tệ nạn xã hội là đối tượng để câu đối “Tuyên chiến” với nó. Tiêu cực và tệ nạn xã hội đang hàng ngày tàn phá cơ thể sống lành mạnh của đất nước. Bên cạnh sức mạnh của luật pháp, kỷ cương, có sức mạnh của lòng dân, báo chí, văn học, nghệ thuật…Câu đối phê phán đã góp phần nhỏ trong cuộc “Gạn đục, khơi trong”, góp phần làm trong sạch và lành mạnh xã hội. Xin điểm qua những câu đối hay:
Ma túy sát nhân, vui Tết giữ mình, đừng nghiện ngập!
Siđa diệt chủng, chơi xuân phòng bệnh, chống tà dâm! (Nguyễn Cảnh Em - Xuân 1995)
Đẩy lùi bọn nghiện ngập bê tha, để khỏi lo nhà tan cửa nát!
Quét sạch bọn dâm ô, trụy lạc, là không sợ phận hỏng, duyên hư! (Cụ Hùng Sinh - Xuân 1995)
Tiễn năm Hợi, ngăn chặn phim heo, sách độc, ảnh đen, làm tâm hồn dơ bẩn
Đón năm Tý, bài trừ thói chuột, bia ôm, nhạc sex, làm lối sống suy đồi! (Nguyễn Văn Chương - Xuân 1996)
Tác giả Tú Nhốp có câu đối hay phê phán tệ nạn bia rượu, cờ bạc bê tha khi Tết đến xuân về như sau:
“Bia chục thùng, rượu vài can, Tết lãng phí khiến buồn nghĩa Tết
Bài suốt tuần, chơi suốt tháng, Xuân bê tha thêm khổ đời xuân”.
(Tác giả: Tú Nhốp)
Vui xuân, cờ bạc quen thân, lâm cảnh nợ nần tong vị Tết.
Đón Tết, rượu say bê bết, chuốc cơn mỏi mệt hết hương xuân.
(Tác giả: Thợ Xây)
Nghiện cơm đen, đen mệnh, đen lòng, đen sự nghiệp!
Say chất trắng, trắng tay, trắng mắt, trắng tiền đồ! (Vũ Đình Thi)
Với câu chữ hùng hồn, lời văn khảng khái, ý tứ sâu xa, mục đích cuối cùng của dòng câu đối này cốt để xây dựng một xã hội trong sạch, lành mạnh, công bằng, văn minh, đề cao Chân - Thiện - Mỹ, gửi gắm nguyện vọng và ý chí của quần chúng nhân dân. Vì thế được Nhân dân rất yêu thích, lưu truyền rộng rãi mà chúng ta thường gọi là “Câu đối truyền miệng”…
Nhân dịp tiễn năm Quý Mão, đón Tết Giáp Thìn 2024, để kết thúc bài viết này, mời các bạn thưởng thức câu đối dưới đây của cố tác giả Nguyễn Tài Đại, đã mượn hình ảnh của Mèo và Rồng để nói lên ý chí, sức mạnh và nguyện vọng của con người trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực:
“Xuân Đinh Mão, mèo mở mắt xanh, bầy đục khoét sợ xanh mang, tím mặt
Tết Mậu Thìn, Rồng dương vuốt bạc, lũ gian tham lo bạc mắt, vàng tròng”.