Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa ký báo cáo gửi các Bộ KH-ĐT, Tài chính về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm.

Theo số liệu báo cáo, Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch giải ngân vốn đầu công là hơn 800 tỷ đồng cho năm 2022. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm của Bộ Công Thương mới chỉ đạt gần 20%, đạt tỷ lệ thấp so với bình quân chung của các Bộ, ngành, địa phương.

4708-loc-dau-nghi-son-1665116187.jpg
Bộ Công Thương xin trả hơn 400 tỷ đồng vốn đầu tư công.

Trước tình hình như vậy, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 1094 gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xin điều chỉnh giảm vốn đầu tư công từ hơn 820 tỷ đồng xuống còn hơn 400 tỷ đồng, trong đó có toàn bộ vốn ODA là gần 240 tỷ đồng và vốn trong nước hơn 167 tỷ đồng.

Bộ Công Thương cho biết đã ban hành kế hoạch phân bổ toàn bộ gần 420 tỷ đồng, trong đó hơn 194 tỷ đồng thực hiện 28 dự án chuyển tiếp; hơn 220 tỷ đồng thực hiện 27 dự án khởi công mới.

Trong báo cáo, Bộ Công Thương liệt kê 9 thủ tục cần triển khai và một số nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn ở mức thấp hơn so với mức trung bình cả nước. Trong đó, nguồn vốn ODA không thể triển khai được do vướng mắc về không lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị và còn nhiều thủ tục cần triển khai....

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia đã hoàn thành và đang trong quá trình thẩm định, tuy nhiên sau khi các đề án được phê duyệt thì mới đủ điều kiện thanh, quyết toán các hợp đồng tư vấn, tổ chức công bố quy hoạch và giải ngân vốn.

Bộ Công Thương cho biết, đang có 2 dự án xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trong khu công nghệ cao Hà Nội và TP HCM đang gặp vướng mắc trong quá trình giao, cho thuê đất để triển khai dự án do ảnh hưởng của công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ở địa phương.

Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng thông tin, tính đến hết tháng 8 năm nay, giải ngân vốn vay nước ngoài mới đạt hơn 15% kế hoạch và có đến 6 Bộ, 8 địa phương chưa giải ngân được một đồng nào theo kế hoạch. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, có tới 17 Bộ, địa phương đề xuất trả vốn kế hoạch với tổng số tiền hơn 6.800 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, 6 Bộ, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn, gồm các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh.

“Việc chậm giải ngân nguồn vốn nước ngoài làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương”, Bộ Tài chính nhận xét.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các chủ dự án, ban quản lý dự án thuộc và trực thuộc khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.

Trước đó, chiều 3/8, chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, nghe các báo cáo và thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức trung bình cả nước.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, "tiền để đấy không tiêu được" đang tồn tại ở các Bộ, ngành, địa phương là "rất xót ruột và sốt ruột"./.