du-an-222-1664350565.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung kiểm tra thi công phần tường chắn biển tại huyện Diễn Châu. Ảnh: PT

Ngày 27.9, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết vừa có báo cáo số 3760 về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh quản lý. Theo đó, đến nay đã có 10 đơn vị chủ đầu tư giải ngân trên 80%, gồm: Trường THPT Nghi Lộc 3 (100%), Trường THPT Quỳ Hợp 3 (100%), Trường THPT Đô Lương 3 (100%), Trường THPT Mường Quạ (100%), Trường THPT Thanh Chương 3 (100%), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An (100%), Trường THPT Yên Thành 2 (98,33%), Trường THPT Cửa Lò (97,14%), Chi cục Phát triển nông thôn (86,13%), Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh (84,18%).

7 đơn vị chủ đầu tư giải ngân từ 50% - 80%: Sở Giao thông Vận tải (76,41%), Trường THPT Tương Dương 2 (67,8%), Công an tỉnh Nghệ An (65,64%), Trường THPT Phan Thúc Trực (62,6%), Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An (53,44%), Sở Văn hóa và Thể thao (50,43%), UBND huyện Nghi Lộc (54,65%).

Bên cạnh đó, có 5 đơn vị giải ngân từ 37,88% đến 50%; 29 cơ quan, đơn vị thực hiện giải ngân với tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 37,88%), 12 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện).

Đặc biệt, có 14 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân, bao gồm: Sở Y tế, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Tây Bắc Nghệ An, Công ty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An, Sở Nội vụ, Trường Đại học Y khoa Vinh.

Trước đó, vào ngày 20.9, tại Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đức cho rằng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm, tỷ lệ đạt thấp là do giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến; Quy trình thực hiện thủ tục đối với các công trình khởi công mới và công trình chuyển tiếp có gói thầu mới mất nhiều thời gian; Nguồn vốn kéo dài từ các năm trước sang năm 2022 giải ngân chậm; Các dự án ODA còn nhiều vướng mắc...

Một số chủ đầu tư, ngành, huyện chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Năng lực một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, xây lắp, giám sát... chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư và các sở ngành liên quan tích cực hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng cam kết đã ký. Những ngành, địa phương, người đứng đầu nào không hoàn thành cam kết giải ngân vốn đầu tư công thì không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào cuối năm./.