Đề xuất này được Bộ Công thương đưa ra sau khi ghi nhận phản ánh hàng loạt vướng mắc của mô hình "3 tại chỗ” của doanh nghiệp.

Tự chọn và tự chịu trách nhiệm

Đó là nội dung được nêu trong văn bản của Bộ Công thương vừa gửi Bộ Y tế.

Theo Bộ này, doanh nghiệp có thể linh hoạt lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về mô hình phù hợp với thực tế, nhưng cần có thêm hướng dẫn của ngành y tế về xét nghiệm, xử lý khi có ca nhiễm F0.

Bộ Công thương đề xuất để doanh nghiệp tự quyết mô hình "3 tại chỗ"
Loạt vướng mắc khi thực hiện 3 tại chỗ. Ảnh: Ngọc Tài Vnexpress.

Đáng chú ý, với mô hình này, người lao động có thể được về nhà nhưng phải cam kết thực hiện nghiêm 5K, chỉ được di chuyển theo tuyến cố định...

Bộ Công Thương cho rằng, Bộ Y tế cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch chủ động sản xuất.

Trường hợp có F0 và F1, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để tách ca nhiễm ra khỏi môi trường làm việc, giúp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho công nhân khác.

Cần đưa công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine, nhất là doanh nghiệp ngành điện tử, dệt may, da giày, ôtô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế: Các địa phương chủ động hướng dẫn doanh nghiệp lên phương án "3 tại chỗ" và doanh nghiệp có thể giảm chi phí xét nghiệm hơn trước.

Bộ này cũng đề xuất, cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do doanh nghiệp và cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đồng thời, cho phép hệ thống y tế tư nhân tham gia nhằm tăng cường năng lực hệ thống tiêm chủng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

"Trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, Bộ Y tế cần khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vaccine trong thời gian ngắn nhất.

Các địa phương cũng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người lao động để giúp các doanh nghiệp duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất và người lao động yên tâm làm việc", Bộ Công thương đề xuất.

Kiến nghị giảm 30% tiền điện cho đến khi kiểm soát được dịch bệnh

Mới đây, qua buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong mô hình "3 tại chỗ" doanh nghiệp mong muốn để doanh nghiệp chủ động các phương án đảm bảo duy trì sản xuất an toàn cho đến khi có vaccine.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tiêm vaccine cho đội ngũ lao động trực tiếp, đặc biệt là đội ngũ giao hàng, bán lẻ – những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

Đồng thời, cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19; Áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thú y, chế biến nông lâm thủy sản có kiến nghị được giảm 30% tổng tiền điện tiêu thụ tính từ tháng 5/2021 đến khi cả nước kiểm soát được dịch covid-19.