Tháng 7/2021, việc thầy Phan Khắc Nghệ, giáo viên Sinh học, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh ôn tập cho học sinh giống hệt đề thi môn Sinh học trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 đã gây xôn xao dư luận.

Thời điểm đó, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, đã chỉ ra thầy Nghệ cho học sinh ôn tập đề giống đề thi chính thức đến 80%. [1]

Không phải 80% mà giống đến 92,5%!

Theo thông tin từ Báo Người lao động, ngày 4/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 171/QĐ-BGDĐT về việc thành lập tổ công tác liên ngành xác minh thông tin phản ánh về đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Tổ công tác gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo (lãnh đạo các cục, vụ, thanh tra, các chuyên viên), Bộ Công an (A03, A05) và các chuyên gia môn sinh học gồm ông Phạm Văn Lập và bà Nguyễn Thị Hồng Liên đã vào Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tại Vĩnh Phúc để cùng thực hiện đối chiếu, so sánh đề thi chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo với đề trong video của thầy Phan Khắc Nghệ.

8330fcda5198b8c6e189-1640228590.jpg
Đề thi do thầy Phan Khắc Nghệ đưa ra trước ngày thi giống với đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh trên Laodong.vn)

Biên bản làm việc của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an nêu rõ dựa trên các tư liệu là: 4 đề thô xuất từ máy tính của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, 4 đề duyệt chốt bởi hội đồng ra đề thi, bản pdf đề Vip40 được thầy Phan Khắc Nghệ dạy cho học sinh, 3 video live và các tệp được thầy Phan Khắc Nghệ gửi bà Phạm Thị My - Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh, ông Bùi Văn Sâm - thành viên Tổ thẩm định, các tệp bà Phạm Thị My gửi thầy Phan Khắc Nghệ qua email từ năm 2015-2018 và 2021…, tổ chuyên gia đã cho thấy có nhiều điểm bất thường.

Theo đó, khi đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của thầy Nghệ cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ có sự trùng lặp rất lớn.

Một điểm kỳ lạ nữa cũng được chỉ ra là khi các chuyên gia đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ thì thấy trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (tỉ lệ 92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ…[2]

Có hay không xảy ra “sự cố” đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe dư luận, khi có Quyết định số 171/QĐ-BGDĐT về việc thành lập tổ công tác liên ngành xác minh thông tin phản ánh về đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Thế nhưng, dư luận muốn không phải chỉ là con số con số… 92,5%. Cần phải làm rõ “có hay không sự cố” đề thi môn Sinh học trong kì thi tốt nghiệp trung học học phổ thông năm 2021.

Nếu có, ai phải chịu trách nhiệm? Nếu không, phải nói là không, để thầy Phan Khắc Nghệ có quyền tự hào về “năng lực” siêu việt của mình trong “tủ” đề thi tốt nghiệp trung học học phổ thông.

Tính đến nay, tổ công tác liên ngành xác minh thông tin phản ánh về đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đã làm việc gần 5 tháng (Quyết định số 171/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 4/8/2021); kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 sắp đến, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố kết quả xác minh.

Việc công bố kết quả xác minh thông tin phản ánh về đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 sẽ làm an lòng sĩ tử và người dân cả nước.

Bên cạnh đó, công bố kết quả xác minh thông tin phản ánh về đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, cũng là lời cảnh tỉnh cho những giáo viên được phân công ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 nói riêng, các kì thi do Bộ tổ chức nói chung.

Chúng ta không dung thứ những tiêu cực, nhóm lợi ích trong ra đề thi, tiêu cực sẽ phải trả giá.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là đòn bẩy phát triển xã hội bền vững nhất. Đánh cắp tiền bạc của nhân dân tội một, đánh cắp niềm tin của nhân dân vào giáo dục tội muôn lần.

Bên cạnh đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp đánh giá, chúng ta cần đổi mới cả hình thức xử lý tiêu cực trong giáo dục.

Tiêu cực trong giáo dục cần xử lý nghiêm khắc hơn, nhanh chóng hơn, minh bạch hơn; góp phần lấy lại niềm tin của xã hội với giáo dục nói riêng, đảm bảo nền giáo dục dân chủ, công bằng, nhân văn và khai phóng./.