Theo các giáo viên, kết quả thi bộ môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 với “cơn mưa” điểm 10 dù đề thi môn học này được đánh giá có những câu hỏi khó hơn các bộ môn khác cho thấy có sự bất thường từ đề thi đến điểm thi. Kết thúc kỳ thi, dư luận xôn xao bài tổng ôn trước kỳ thi của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh có khoảng hơn 4.000 học sinh theo học trực tuyến giống khoảng 90% đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội) đã tiến hành đối sánh và rất bất ngờ về độ giống nhau giữa đề thi và bài ôn của thầy Nghệ. Sau đó, thầy Hiền chính là người có tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với mong muốn làm rõ sự việc để đảm bảo công bằng cho học sinh trên toàn quốc.
Thầy Hiền thông tin, liên quan đến sự việc cách đây khoảng 1 tháng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có thư hồi đáp với nội dung: “Đến nay sự việc vẫn chưa có đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan theo quy định”.
Thầy Hiền cho rằng cách trả lời như vậy là chưa thoả đáng cho một sự việc lớn. Nếu trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT không làm rõ sự việc, thầy sẽ tiếp tục có ý kiến lên các cấp cao hơn.
Đề thi giống bài ôn luyện của giáo viên hơn 90%
Chiều 22/12, trả lời PV Tiền Phong, TS Phan Văn Lập, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên Tổ chuyên gia nói rằng, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã thành lập Tổ chuyên gia đoàn công tác liên ngành của Bộ GD&ĐT phối hợp với các lực lượng để làm rõ sự việc.
Trong tổng số 40 câu của 4 mã đề thô được chọn có 39 câu trùng (chiếm tỉ lệ 97,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ; Trong đó 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%); riêng câu 81 chỉ trùng với mã đề 210; câu 105 trùng hoàn toàn với mã đề 210 và 212, trùng 1 phần với 2 mã đề 211 và 213.
Đặc biệt, có một câu về diễn thế sinh thái (câu số 106 đề thô được chọn) có cả 4 mã đề là câu ra ngoài chương trình với dạng đồ thị chưa từng có trong SGK. Tuy vậy, câu hỏi này cũng được xuất hiện trong video của ông Nghệ.
Tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng, chiếm 92,5% với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ.
Cần được làm rõ
TS Lập nói rằng, sự việc được kết luận từ tháng 8/2021 đến nay trong khi dư luận bức xúc nhưng Bộ GD&ĐT vẫn hoàn toàn im lặng là không hợp lý.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, qua sự việc này cho thấy quy trình làm đề thi của Bộ GD&ĐT vẫn còn nhiều kẽ hở. “Cụ thể như những người được lựa chọn làm đề thi lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Với một kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia, kết quả kỳ thi ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu học sinh. Do đó, Bộ GD&ĐT không thể làm ngơ, im lặng được sự việc”, chuyên gia này nói.
Trong khi đó, đến chiều 22/12, phía Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến sự việc. Khi có, Bộ sẽ thông tin rộng rãi tới báo chí./.