t-1721783524.jpg
Bà con làng Sen, xã Kim Liên đón Bác về thăm quê nhà - Ảnh: T.L

Cõi thiêng trong tim Bác

Cuối tháng 5/1957, Bác cho mời đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) lên gặp. Bác ân cần:

- Chú chuẩn bị cho Bác vào thăm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Vĩnh Linh trong tháng 6. Tiện thể Bác về thăm nhà. Xa quê 50 năm rồi! Chú cũng mấy chục năm không về quê rồi nhỉ! Lần này đi “ghé” với Bác luôn.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lễ phép thưa:

- Chúng cháu đã làm kế hoạch để Bác thay mặt Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đi thăm, cảm ơn các nước bạn bè, anh em đã giúp đỡ nhân dân ta trong kháng chiến vào cuối tháng 6. Để đảm bảo sức khỏe cho Bác, xin phép được chuyển chuyến đi này vào tháng 8/1957.

Bác mỉm cười:

- Trước lúc đi đâu xa, làm việc lớn, cha ông ta thường đưa cháu con về bái lạy tổ tiên, cầu mong phù hộ độ trì cho công việc thuận lợi. Nay ta cũng làm vậy! Quê hương là cõi thiêng mà! Chú không phải lo cho sức khỏe Bác đâu.

Soạn thảo kế hoạch xong, Bộ trưởng lên báo cáo Bác. Lịch trình được xếp: ngày 12 và 13/6 Bác thăm Thanh Hóa, ngày 14 và 15/6 Bác thăm Nghệ An, cán bộ chiến sỹ Liên khu 4, về thăm quê Kim Liên, 16/6 bác thăm Hà Tĩnh, ngày 17 và 18/6 Bác thăm Quảng Bình (mời đại biểu Vĩnh Linh ra để Bác gặp). Vừa xem lịch trình vừa bấm đốt ngón tay nhẩm tính, Bác lấy bút đỏ chuyển ngày về thăm  Kim Liên vào sáng 16. Bác nhẹ nhàng:

- Chú xếp lịch chú ý ngày mà không chú ý thứ. 16/6 mới là ngày chủ nhật.

Lời nhắc của Bác làm Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nhớ lại: năm 1946 khi tiếp chị Thanh từ Nghệ An ra Hà Nội thăm, Bác cũng tiếp vào sáng chủ nhật.

Bác của chúng ta là thế đó: dù đi đâu, làm gì quê hương trong tim Người là một cõi thiêng nhưng công, tư phân minh để nghĩa tình thêm sáng trong, đẹp đẽ.(1)

Chiếc khăn tắm của Bác

Chiều 14/6/1957, Bác về đến Nhà khách Tỉnh ủy Nghệ An. Tranh thủ lúc đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Liên khu ủy và đồng chí Nguyễn Trường Khoát, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nói chuyện cùng Bác, đồng chí Trần Quốc Hoàn kiểm tra nhà tắm. Thấy đã đặt sẵn hai chậu nước, hai miếng xà phòng và khăn tắm. Ông nhắc đồng chí cán bộ văn phòng tỉnh ủy cất đi một chậu, một miếng xà phòng và khăn tắm, rồi gọi người phục vụ Bác mang khăn tắm Bác vào. Đó là một chiếc khăn rất cũ đã mòn cả bông, giữa khăn có một đường khâu dài. Biết đồng chí cán bộ văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An ái ngại khi nhìn chiếc khăn tắm này, ông nói:

- Chiếc khăn này Bác dùng bảy tám năm rồi nhưng Bác không cho thay, rách thì Bác dùng chỉ khâu lại. Bởi theo Bác cũ mà còn dùng được thì cứ dùng để tiết kiệm. Bác của chúng ta là thế đó! Suốt một đời cần kiệm bởi theo Người: “Nó đều là đồng tiền, bát gạo của dân góp lại, mà nước ta là nước nông nghiệp còn lạc hậu, làm nên hột ló dân ta còn khổ cực trăm đường”(2).

Bác tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô

Theo lịch tối 14/6, Bác gặp đoàn chuyên gia Liên Xô đang giúp ta xây dựng Nhà máy điện Vinh. 17 giờ, Bác bách bộ vào kiểm tra hội trường.

Bác hỏi Bí thư Nguyễn Trường Khoát:

- Có bao nhiêu khách?

- Thưa Bác 40 chuyên gia Liên Xô, 20 cán bộ Trung ương và tỉnh.

Chỉ vào chiếc ghế gụ đặt giữa hội trường Bác hỏi:

- Có đủ 60 chiếc ghế gụ này không?

- Thưa Bác, chỉ có 4 chiếc trong phòng khách, chúng cháu mang đến một chiếc, toàn cơ quan đang ngồi ghế băng ạ.

- Chú cất chiếc ghế gụ này đi, Bác ngồi chung ghế băng với mọi người.

Nhìn 2 chiếc quạt trần trong hội trường, Bác lại hỏi:

- Hai chiếc quạt này có đủ mát cho 60 người không? Các bạn Liên Xô ở xứ lạnh không chịu được nóng nực như ta đâu! Chú cho người sang thương nghiệp mua 60 chiếc quạt giấy. Không đủ quạt giấy thì quạt lá cọ, mo cau cũng được nhưng phải đủ mỗi người một chiếc để tự quạt.

Từ lúc đón đoàn chuyên gia đến hết buổi gặp, tối đó Bác dùng tiếng Nga nói chuyện với các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Đồng chí phiên dịch phải làm một việc ngược lại với nghi thức ngoại giao là chuyển ngữ tiếng Nga Bác nói sang tiếng Việt. Bác ân cần thăm hỏi các chuyên gia, cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Đảng và nhân dân Liên Xô. Bác mong các chuyên gia vừa lao động vừa giảng dạy cho công nhân Việt Nam.

tt-1721783569.jpg
Nhật trình Bác Hồ về thăm các địa phương Khu 4

Bác ân cần: - Chú chuẩn bị cho Bác vào thăm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Vĩnh Linh trong tháng 6. Tiện thể Bác về thăm nhà. Xa quê 50 năm rồi! Chú cũng mấy chục năm không về quê rồi nhỉ! Lần này đi “ghé” với Bác luôn.

Buổi gặp kết thúc rồi mà các đồng chí chuyên gia Liên Xô vẫn bịn rịn vây quanh Bác không muốn chia tay. Đồng chí trưởng đoàn thưa với Bác:

- Thưa Bác, Người cho chúng cháu được giữ lại chiếc quạt này để kỷ niệm về Hồ Chí Minh, kỷ niệm về Việt Nam.

Người âu yếm mỉm cười đồng ý, thân mật ôm hôn tiễn biệt từng chuyên gia. Nhiều đồng chí ra khỏi hội trường còn quay lại nhìn Người dùng dằng lưu luyến tạm biệt(3).

Các chú làm khổ Bác!

Sáng 14/6/1957, Bác nói chuyện với hội nghị cán bộ toàn tỉnh. Mờ sáng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trường Khoát và Chính ủy Liên khu 4, Chu Huy Mân sang nhà khách đón Bác. Bác hỏi Bí thư Nguyễn Trường Khoát:

- Nghe nói các chú mổ con bò để đón Bác?

Biết không giấu được, đồng chí Nguyễn Trường Khoát thưa:

- Thực phẩm ở Vinh khan hiếm nên các cháu làm con bò để có thịt tươi.

Bác không vui:

- Các chú làm khổ Bác rồi! Mình Bác và mấy chú trong đoàn ăn răng hết con bò? Làm Bác mang tiếng về thăm quê bắt nhân dân phải cung phụng. Thế thì khác gì vua chúa ngày xưa! Thôi đã lỡ thịt ra rồi thì trưa nay chú phải mời các cụ cao tuổi dự hội nghị ăn cơm cùng Bác.

Bữa cơm trưa hôm đó Bác đi một vòng khắp lượt nhà bếp Tỉnh ủy, bắt tay chúc sức khỏe từng người, ân cần nói chuyện với mọi người:

Hôm nay Tỉnh ủy có mổ con bò để đón Bác. Rứa là cụ Hồ ăn hết một con bò của dân choa! Không chỉ riêng ở Nghệ An mà nạn chè chén đang lan tràn, trông có trên xuống là dưới mổ bò, mổ lợn. Vì vậy tôi đề nghị Tỉnh ủy mời các Cụ ăn cơm đoàn kết để giúp cụ Hồ ăn hết một con bò. Mong sao chuyện này không xảy ra nữa! Đảng kêu gọi tiết kiệm để xây dựng CNXH thì Đảng viên tiết kiệm trước làm gương(4).

Đinh ninh lời Bác

Về thăm quê lần thứ nhất, Bác đề nghị Tỉnh ủy cho Bác gặp mặt các lão thành, cán bộ chủ chốt của Tỉnh. Người rất vui và biểu dương cán bộ đã làm được 3 điều tốt là: “... Đoàn kết được nhân dân và lãnh đạo nhân dân phục vụ kháng chiến đến thắng lợi. Tích cực cùng nhân dân công tác để thực hiện kế hoạch năm 1956. Sau cải cách ruộng đất đã cố gắng đoàn kết để sửa sai”. Bác chỉ rõ: có 3 điều tốt đó là do “... đại đa số cán bộ đã chịu khổ, chịu khó để hoàn thành nhiệm vụ”. Về khuyết điểm Bác nêu “5 khuyết điểm” đó là: 1. “... Đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa Đảng viên cũ và Đảng viên mới, giữa cán bộ trong Đảng và cán bộ ngoài Đảng, giữa cấp trên và cấp dưới đang còn nhiều thiếu sót”; 2. Trong cán bộ, đảng viên còn suy bì đãi ngộ, tư tưởng địa vị; 3. Cán bộ đảng viên ngồi lo không biết tiền đồ của mình ra sao? 4; Tư tưởng sợ khó. 5. Còn một số đảng viên, cán bộ đang xa xỉ, tham ô, lãng phí, không biết tiếc tiền của công, không biết tiếc của cải do nước mắt đồng bào làm ra”. Về nhiệm vụ trước mắt Bác nêu rõ: “1. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; 2. Ra sức củng cố chính quyền nhân dân, củng cố các tổ chức của nhân dân ở các địa phương; 3. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải làm nhiệm vụ thiêng liêng nhất là quan tâm lo lắng đến đời sống nhân dân; 4. Muốn tiến bộ phải học tập; 5. Trong xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ phải chú trọng phê bình và tự phê bình”. Cuối buổi nói chuyện Bác ân cần: “Giao nhiệm vụ thì phải có thưởng, có phạt. Bác để lại cho Tỉnh ủy 100 huy hiệu để các ngành, các cô, các chú bầu ra người có công để thưởng”(5).

60 năm đã trôi qua nhưng những lời căn dặn ân tình của Người năm ấy vẫn còn nguyên giá trị cho công cuộc dựng xây hôm nay.

Được Bác sát hạch

Ngày 15/6/1957, từ Hà Tĩnh ra, Bác ghé thăm cán bộ chiến sỹ Liên khu 4. Chính ủy Chu Huy Mân và Tư lệnh Nguyễn Đôn sang bờ phà Bến Thủy đón Bác.

Bác không vào cổng chính mà vào cổng phụ đi thẳng tới nhà bếp. Mấy đồng chí nuôi quân đang làm việc bất ngờ được gặp Bác ai cũng sững sờ, sung sướng. Bác thân mật bắt tay từng người rồi hỏi một chiến sỹ nuôi quân:

- Chú làm anh nuôi có được huấn luyện bắn súng không?

Chiến sỹ nuôi quân cảm động ấp úng thưa:

- Thưa Bác có ạ!

- Thế kiểm tra bắn súng được xếp loại nào?

- Thưa Bác bộ phận nuôi quân chúng cháu được xếp loại khá ạ!

Bác cười rất vui:

- Các chú bắn súng đều khá sao không “bắn” được mấy con ruồi này?

Biết Bác phê bình công tác vệ sinh còn yếu, một chiến sỹ thưa với Bác:

- Thưa Bác, chúng cháu nhận khuyết điểm công tác vệ sinh phòng bệnh còn yếu. Chúng cháu xin khắc phục ngay.

Bác cười ân cần:

- Biết sai, biết sửa là tốt. Nhà bếp phải luôn luôn gọn gàng, sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho đồng đội.

Rời nhà bếp, Bác đi ra phía sau vào kiểm tra nhà vệ sinh. Vừa đi Bác vừa nói với Chính ủy Chu Huy Mân:

- Kỷ luật quân đội là tự giác, nghiêm minh. Nhà vệ sinh là nơi chỉ mình biết việc mình làm. Phải chăm lo giáo dục anh em từ những điều nhỏ nhất ấy.

Ghé vào phòng giao ban Quân khu, nghe Tư lệnh Quân khu Nguyễn Đôn báo cáo tình hình, Bác rất vui vì cán bộ chiến sỹ đang tự lực cánh sinh xây dựng được nhiều doanh trại, Bác hỏi:

- Toàn bộ cơ quan quân khu đã làm được bao nhiêu nhà? Bao nhiêu gian?

Tư lệnh Nguyễn Đôn liếc mắt nhìn “cầu cứu” Chính ủy Chu Huy Mân... không ai trả lời được câu hỏi này của Bác!

Nghe báo cáo về sẵn sàng chiến đấu, về tình hình giới tuyến (vĩ tuyến 17 ở Vĩnh Linh), Bác hỏi:

- Từ Cửa Tùng lên biên giới Việt - Lào dài bao km? Đi qua bao nhiêu làng, xóm?

Cũng không ai trả lời được câu hỏi này.

Chính ủy Chu Huy Mân đứng dậy thưa với Bác:

- Chúng cháu nhận khuyết điểm lớn, tác phong công tác chưa tỉ mỉ, cẩn thận, chúng cháu sẽ kiểm điểm kỹ về khuyết điểm này để khắc phục kịp thời.

Bác cười độ lượng:

- Đã là cán bộ quân sự thì tác phong phải hết sức tỉ mỉ, từ việc lớn đến việc nhỏ đều phải nắm chắc. Chú Mân đã nhận rồi! Đây là khuyết điểm lớn, cần khắc phục nhanh.

50 năm ấy biết bao nhiêu tình

Sáng chủ nhật 16/6/1957, Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. Thắp hương nhà thờ họ, Bác rơm rớm nước mắt. Người đứng lặng rất lâu trước anh linh tiên tổ.

Rời nhà thờ họ, Bác đi về phía nhà mình, qua nếp nhà khách của khu di tích vừa xây dựng xong (nay là doanh trại đơn vị Công an bảo vệ Di tích), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trường Khoát mời Bác vào, Bác cười nói với mọi người:

- Nhà khách để đón khách, Bác về nhà cụ Phó bảng chớ!

Thấy tấm bảng treo: “Nhà Bác Hồ”, Bác nói với mọi người:

- Đây là nhà cụ Phó bảng chứ!

Mấy đồng chí lãnh đạo Ty Văn hóa Thông tin, Khu di tích giật mình vì sự sai sót khi đặt bảng dẫn tích.

Đến mép vườn, Bác trầm ngâm ngắm nhìn một lúc rồi bảo:

- Ngõ vào nhà cụ Phó bảng lối này.

Thì ra lại một điều sai sót nữa!

Thăm mái nhà tranh của mẹ cha xưa, nơi Bác từng sống từ năm 11 tuổi đến 16 tuổi, Bác bồi hồi, xúc động. Người vẫn nhớ như in từng đồ vật trong nhà, từng gốc ổi, hàng cau, bụi chuối, luống khoai lang, dãy chè mận hảo... 50 năm xa quê nhưng những kỷ vật đó vẫn in sâu trong tâm thức Người. Và cũng nhờ sự chỉ dẫn của Bác mà Khu di tích Kim Liên đã mở lại lối vào nhà Bác, có giải pháp mỹ thuật thích hợp để đưa những hiện vật lịch sử trong nội thất căn nhà này về đúng với nguyên bản.

Ra phía sau nhà, một cụ già hàng xóm bước ra chào Bác và hỏi:

- Bác còn nhớ tôi không?

Bác lấy tay vỗ trán một lúc rồi nói:

- Có phải Điền không?

Ông Hoàng Điền sung sướng chạy lại ôm chầm lấy người bạn chăn trâu, cắt cỏ, thả diều thuở ấu thơ, xúc động khóc nức nở.

Sau đó Bác ra nói chuyện với đồng bào, mở đầu bằng câu tập Kiều:

Quê hương nghĩa trọng tình sâu

Năm mươi năm ấy, biết bao nhiêu tình!

Người căn dặn: “Kim Liên phải trở thành xã kiểu mẫu”. Nhiều người xúc động không kìm được nước mắt trước tình cảm quê hương sâu đậm của Bác.

Bác Hồ và bà con Vân Kiều, Pa Kô

Sáng 17/6/1957, Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh. Bắt tay đoàn đại biểu quân dân chính Đảng ra đón Người, Bác Hồ dang hai tay ôm choàng lấy người đàn ông đen như hòn than vận quần áo dân tộc thiểu số. Người ân cần:

- Người anh em ở Quảng Bình hay Vĩnh Linh.

- Thưa Bác! Cháu là Hồ Ray người dân tộc Vân Kiều, xã Vĩnh Ô, hiện nay công tác ở Ban Miền núi khu vực Vĩnh Linh.

Bác nói với Hồ Ray và cũng là nói với mọi người:

- Lần này Bác chưa vào được Vĩnh Linh nhưng dứt khoát lần sau Bác sẽ vào thăm nhân dân Vĩnh Linh, thăm những người anh em Vân Kiều.

Nghe Bác nói Hồ Ray như mở cờ trong bụng bởi ngày tiễn Hồ Ray xuống Hồ Xá (thị trấn Vĩnh Linh), các già làng Vân Kiều đã giao cho Ray một việc: Mày đi làm cán bộ có dịp mày gặp cụ Hồ phải thưa với Cụ năm 1946, khi bầu cử Quốc Hội khóa 1 bộ đội đã đặt họ Hồ cho tộc người Vân Kiều, Pa Kô. Sau đó ngày 26/6/1946 già làng các bản đã tụ tập nhau về chân núi Coóc Tăng làm lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề, nguyện đời đời người Pa Kô, Vân Kiều trung thành với cách mạng, với Bác Hồ. Mày phải thay mặt bà con xin phép Cụ cho bà con được mang họ Cụ. Thế mà bây giờ gặp Bác, Hồ Ray không phải xin phép mà đã được bác gọi là “người anh em” nghĩa là Bác đã biết chuyện này và chấp nhận chuyện này, Bác đã xem bà con Vân Kiều, Pa Kô là người anh em. Cái bụng của Bác đã biết, đã ưng điều này rồi.

Một niềm vui bất ngờ nữa lại đến với Hồ Ray. Tối đó, Người cho xe đón Hồ Ray và đồng chí Hoàng Đức Sản, Chủ tịch khu vực Vĩnh Linh đến Nhà khách sư đoàn 325 để gặp Bác.

Bác gửi cho Hồ Ray 100 chiếc gương soi phía sau có in tấm bản đồ Việt Nam và 100 bánh xà phòng thơm. Người ân cần:

- Chú Sản và chú Ray chuyển cho những người anh em Vân Kiều, Pa Kô món quà nhỏ này của Bác. Nói với bà con phải đoàn kết trong bản, đoàn kết trong khu thật tốt, chăm lo xây dựng đời sống mới để góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà.

Hồ Ray nghẹn ngào không nói nên lời, may có Chủ tịch Hoàng Đức Sản thưa hộ:

- Ta không phải xin Bác cho mang họ Hồ nữa. Bác biết lâu rồi. Bác rất vui vì có thêm những bà con anh em cùng họ trên đại ngàn. Người gửi gương soi để tấm lòng người Vân Kiều, Pa Kô luôn trong sáng như gương. Người gửi xà phòng thơm để người Vân Kiều, Pa Kô bản làng Vân Kiều, Pa Kô luôn thơm thảo. Cái nhớp, cái xấu phải ra khỏi bản để bản làng luôn thơm tho.

60 năm đã trôi qua. Những người mang họ của Bác trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đã làm tròn lời hứa với Bác ngày nào.