Thông thường, hằng năm, khi xuân về Tết đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường viết bài liên quan tới Tết, gửi thư chúc mừng nhân dịp năm mới và đi thăm một số gia đình, cơ quan, đơn vị quân đội.
1. Khoảng mười ngày trước Tết Nguyên đán Bính Tuất năm 1946, Tết độc lập đầu tiên, Hồ Chí Minh đã có bài viết, nhan đề Tết, đăng báo Cứu quốc, số 147. Người kêu gọi đồng bào hãy chia vui Tết với những chiến sĩ ngoài mặt trận, gia quyến các chiến sĩ và những đồng bào nghèo để mọi người đều được hưởng niềm vui xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Năm ngày trước mồng một Tết Bính Tuất (ngày 29-01-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và chiến sĩ cả nước, đăng trên báo Cứu quốc, số 154. Trong thư có mấy vần thơ như sau:
“Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau,
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”
Và Người chúc đồng bào:
“Trong năm Bính Tuất mới,
Muôn việc đều tiến tới,
Kiến quốc mau thành công,
Kháng chiến mau thắng lợi” [1]
Ngày 28 Tết, tại Bắc Bộ phủ, tiếp đại biểu của thanh thiếu niên, nhi đồng Trung Bộ đến chúc Tết, Hồ Chí Minh căn dặn: Năm mới phải có đời sống mới. Mới đây không phải là phá đình, phá chùa, không tôn giáo. Sống của dân là ăn, mặc, ở, học hành. Người phân tích 4 chữ cần, kiệm, liêm, chính.
Tối 30 tháng Chạp Ất Dậu, Bác Hồ đi chúc Tết gia đình ông Từ Lâm, bán sách cũ ở Cửa Nam; một gia đình nghèo ở ngõ Hàng Đũa (nay là phố Ngô Sĩ Liên); một gia đình buôn bán ở ngõ Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông); một gia đình công chức ở phố Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn) và thăm Cố vấn Vĩnh Thụy. Gần giao thừa, Người và nhà báo Mỹ cải trang đến thăm đền Ngọc Sơn cùng bà con Hà Nội đón giao thừa.
Sáng mồng một Tết Bính Tuất, khoảng 7 giờ 30, trên đường sang nơi làm việc, Người ghé thăm và chúc Tết Sở Cảnh sát Trung ương ở phố Hàng Trống. 10 giờ, Bác đến nhà hát thành phố Hà Nội chúc Tết đồng bào.
14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm thương binh Pháp tại Bệnh viện Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức). 16 giờ, Người đến Ấu trĩ viên chia kẹo và ăn Tết cùng các cháu nhi đồng.
Mồng Hai Tết Bính Tuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm “Phiên chợ mười ngày” tổ chức tại Chùa Láng. Trong buổi gặp gỡ với đông đảo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về ý nghĩa của “Ngày Nam Bộ kháng chiến”, biểu dương Nhân dân Hà Nội đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, tham gia phong trào ủng hộ đồng bào Nam Bộ chống Pháp. Người kêu gọi “Hãy đoàn kết muôn người như một, ra sức thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, đẩy mạnh tăng gia sản xuất để chống đói và tiếp tế cho bộ đội và chúc cho toàn thể Nhân dân hưởng Tết độc lập đầu tiên vui vẻ, hạnh phúc và tiết kiệm”.
2. Cách đây tròn 60 năm, sau vòng quay tuần hoàn của 12 con giáp, Xuân Giáp Thìn năm 1964 là thời điểm năm thứ tư của thời kỳ miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Cách mạng nước ta có nhiệm vụ vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa phải chống Mỹ, cứu nước ở Miền Nam. Thư chúc Tết năm 1964 của Bác Hồ nhắn gửi Nhân dân như sau:
“Bắc Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” [2].
Vui Xuân, nhưng Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng để thực hiện thành công cuộc kháng chiến cứu nước, thống nhất nước nhà. Bắc Nam sum họp là ước nguyện của cả dân tộc. Ước nguyện của người cha già dân tộc, của cả đất nước sau 21 năm đã thành hiện thực. Ngày nay, cả dân tộc ta đang bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045, phấn đấu “đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chúng ta cùng tin tưởng rằng, với những phẩm chất quý báu, với truyền thống tốt đẹp của một dân tộc anh hùng, chúng ta sẽ làm tốt những gì mà sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn…
3. Mùa xuân cuối cùng của Bác là một trong những mùa xuân đáng nhớ nhất trong nỗi lòng mỗi người dân Việt Nam. Một tháng rưỡi trước ngày Mồng một Tết năm Kỷ Dậu 1969, tức ngày 01 tháng 01 năm 1969, lúc này Tết chưa đến nhưng xuân đã về, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư chúc mừng năm mới tới đồng bào chiến sĩ cả nước. Trong thư, Người điểm lại những chiến thắng oanh liệt của quân và dân hai miền Nam - Bắc trong năm 1968 và khẳng định “giặc Mỹ chắc chắn sẽ thất bại hoàn toàn”. Cuối thư, Người có thư chúc:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to,
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào,
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!” [3].
Bài thơ như một lời hiệu triệu đồng bào cả nước tiến lên, quyết tâm tiêu diệt giặc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 16 tháng 2 năm 1969, tức ngày Mồng một Tết năm Kỷ Dậu, 6 giờ 30 sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng đến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không không quân tại sân bay Bạch Mai. Người đã nói chuyện với các anh hùng, chiến sĩ thi đua, đại biểu các đơn vị có thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
11 giờ, Người đến thăm và chúc Tết nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Người cùng Nhân dân xã Vật Lại khai xuân trồng cây trên đồi của xã. Sau đó, Người thân mật nói chuyện và chúc Tết Nhân dân địa phương. Người nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.
Từ mùa xuân này, sức khỏe của Bác ngày càng giảm, nhưng Người vẫn rất quan tâm tới mọi mặt đời sống Nhân dân và công tác xây dựng Đảng. Trước mồng một Tết 12 ngày, đúng dịp kỉ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, bài báo của Người về Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng báo Nhân dân, số 5409, ngày 3-2-1969. Sáng 16-02-1969 (tức ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác đến đồi trồng cây “Đón Bác Hồ” và trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì - khi đó thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội). Nói chuyện và chúc tết Nhân dân địa phương, Bác nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”. Và không ai đoán biết được rằng, đây là lần cuối cùng và là cây cuối cùng Bác trồng để gieo mầm cho sự sống đời sau và cũng là bữa cơm ngày Tết cuối cùng của Bác khi về địa phương - để lại cho đời bao nỗi nhớ thương.
Ngày 26-02 Xuân năm ấy, Bác Hồ đã nói chuyện tại buổi tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc: “Thưa các cụ, các cô, các chú, Trong thư chúc Tết năm nay, tôi có nói là: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào, Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
Trong lúc viết thì như thế, tôi cũng không chắc là câu thơ đó được thực hiện trong năm nay. Hôm nay, bác sĩ Phùng Văn Cung cùng phái đoàn ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng. Để mà hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt, thì nói mấy câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu không thể hết được. Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi: “Bao giờ Nam Bắc một nhà, Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng” [4]
Và, không thể ngờ rằng đây là lần gặp cuối cùng đại biểu của đồng bào miền Nam; và là những lời chúc Tết cuối cùng Bác dành cho đồng bào, đồng chí miền Nam trong những ngày xuân của dân tộc, đất nước - để lại cho đồng bào, đồng chí miền Nam nỗi niềm nhớ thương Bác nhiều khi xuân về, Tết đến.
15 năm (1954 - 1969), Bác Hồ ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, năm nào cũng vậy, Bác vẫn mời những đồng chí trực tiếp phục vụ Bác, những chiến sĩ công an trực tiếp bảo vệ Bác ăn bữa cơm tất niên vào ngày Tết cổ truyền dân tộc bằng những đồng tiền nhuận bút và tiền tiết kiệm của Bác và cho chụp ảnh kỷ niệm với Bác. Những Tết mà Bác đi công tác xa, Bác giao cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thực hiện việc này.
Bác Hồ đã đi xa 55 năm, nhưng mỗi độ xuân về Tết đến, ta lại da diết nhớ tới Người. Bởi vì:
“Bác ơi tim Bác mênh mông quá,
Ôm cả non sông mọi kiếp người”.
Bác của chúng ta là thế đó. Chính những nghĩa cử, cuộc sống thanh bạch và những chăm chút cho Nhân dân từ những việc tưởng như nhỏ ấy của Người đã làm nên điều vĩ đại của một nhân cách lớn. Cũng chính vì lẽ ấy, không chỉ Nhân dân ta một mực tôn kính Người, mà bạn bè trên thế giới cũng hết sức ngưỡng mộ.
Tết Giáp Thìn - 2024 đã đến gần, vậy là 55 cái Tết, 55 mùa Xuân vắng Bác Hồ, song những bài thơ chúc Tết, những việc làm, những lời nói chân tình của Bác từ những mùa Xuân trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là bài học lớn đã và đang nhắn nhủ với tất cả chúng ta hôm nay, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người./.