Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, biến thể Delta là biến thể có tốc độ lây lan nhanh nhất hiện nay.
“Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể được xác định cho đến nay. Biến thể này đã xuất hiện ít nhất 85 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang lây lan nhanh chóng trong các nhóm người chưa được tiêm chủng. Khi một số quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng bệnh, chúng tôi đã bắt đầu thấy sự lây lan gia tăng trở lại. Điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc số ca nhập viện nhiều hơn, tử vong nhiều hơn”, ông Ghebreyesus nói.
Nhà khoa học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cũng gọi biến thể Delta là “mối đe dọa lớn nhất” đối với cuộc chiến chống đại dịch.
Thực tế, ở châu Âu, Delta dù được phát hiện ở Anh cách đây không lâu nhưng đã nổi trội hơn biến thể Alpha (B.1.1.7) được phát hiện đầu tiên tại nước này về tốc độ lây lan. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính đến đầu tháng 8, biến thể Delta có thể chiếm tới 70% số ca mắc Covid-19 mới tại “Lục địa già” và đến cuối tháng 8 sẽ là 90%. Trước viễn cảnh này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi châu Âu thống nhất các biện pháp chống lại biến chủng mới.
Biến thể Delta đã khiến ngành du lịch Bồ Đào Nha vừa khởi sắc vào tháng trước lại quay trở lại tình trạng ảm đảm. Italy khuyến nghị người dân chỉ đi du lịch khi tiêm chủng đủ 2 liều vaccine. Nam Phi đối mặt với làn sóng thứ 3 với nhiều quy định hạn chế được nối lại; còn Israel đã phải quay trở về với “những chiếc khẩu trang” trước đây.
Tại Nga, biến thể Delta cũng khiến số ca mắc và tử vong tăng mạnh; song cũng khiến người dân nước này đi tiêm chủng nhiều hơn, do tâm lý lo sợ.
Tại Ấn Độ và Mỹ, xu hướng “kỳ thị vaccine” cũng đang bị đảo ngược. Theo kênh truyền hình CNN, người dân Mỹ đã thay đổi quan điểm khi thấy những người thân của họ qua đời vì Covid-19. Trong khi, người dân Ấn Độ đã bắt đầu chú ý tới tiêm chủng nhiều hơn, sau khi quốc gia Nam Á này trải qua thảm kịch Covid-19 mới đây.
Liên quan đến diễn biến tình hình dịch bệnh, khu vực Đông Nam Á vẫn đang là một điểm nóng phức tạp. Indonesia có số ca mắc mới ở top đầu thế giới với hơn 20.000 ca mỗi ngày. Malaysia cảnh báo lệnh phong tỏa toàn quốc khó được nới lỏng, nếu tình trạng lây lan không được cải thiện. Thái Lan cũng đã phải triển khai quân đội để kiểm soát việc cách ly ở một số điểm nóng.
Trước bức tranh dịch bệnh không mấy lạc quan ở nhiều khu vực trên thế giới, Iceland ngày 26/6 nổi lên là 1 điểm sáng tích cực khi nước này dỡ bỏ các hạn chế, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Quyết định được đưa ra khi Iceland có tới 88% dân số trên 16 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine./.