Tại bệnh viện, bé được thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán. Kết quả cho thấy bé bị nhiễm Cetone đái tháo đường (Glucose máu: 36 mmol/L; HbA1c: 11,9%; Cetone nước tiểu: 30 mmol/L ; khí máu động mạch: pH: 7.2 ).
Ngay lập tức, bé được chuyển lên Khoa Nhi để điều trị, bé được chỉ định truyền Insulin liên tục, truyền dịch, tạm nhịn ăn.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng nhiễm toan được cải thiện, đường huyết dần ổn định theo mục tiêu nên các bác sĩ quyết định cho bé chuyển sang tiêm Insulin dưới da, lập kế hoạch về chế độ ăn và tiêm Insulin mỗi ngày.
Qua 12 ngày điều trị, đường huyết dần được kiểm soát, bé được xuất viện và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
Theo các bác sĩ, đái tháo đường là bệnh lý ít gặp ở trẻ em, tuy nhiên không phải là không có nguy cơ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dễ gây tình trạng nhiễm Cetone, hôn mê, tổn thương não và nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường, là một bệnh lý nguy hiểm, chỉ sau ung thư và các bệnh về tim mạch, vì thế mọi người không nên chủ quan khi mắc bệnh. Tiểu đường hình thành khi quá trình tạo insulin xảy ra vấn đề, ảnh hưởng đến sự chuyển hóa đường, gây rối loạn và dẫn đến hàm lượng đường trong cơ thể luôn tăng hơn mức bình thường. Bệnh được chia thành 3 loại, tiểu đường type 1, type 2 và tiểu đường trong thời gian mang thai.
Tiểu đường ở trẻ xuất hiện bởi chế ăn uống chưa hợp lý, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, và đặc biệt là do yếu tố di truyền, trong quá trình mang thai, mẹ bị tiểu đường. Cụ thể như sau:
Yếu tố di truyền chiếm từ 10% đến 20% các trường hợp bệnh đái tháo đường ở trẻ. Việc tạo insulin bị ảnh hưởng khiến lượng đường trong máu không được điều hòa và hình thành bệnh.
Thường trong giai đoạn thai kỳ, các mẹ có nguy cơ bị tiểu đường cao. Nếu mẹ mắc tiểu đường trong thời kỳ này, bé cũng có thể bị tiểu đường ngay khi sinh ra. Vì vậy, các mẹ cần có biện pháp phòng tránh bệnh trong thời gian mang thai cũng như phát hiện sớm nếu không may mắc phải để không tác động đến con.
Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh, khi trẻ em ngày càng thích ăn những thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán quá nhiều, nước uống có ga,… Điều này không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, không cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, ngoài ra, còn có thể nạp vào cơ thể những chất không tốt.
Chế độ sinh hoạt không khoa học, ăn uống nghỉ ngơi không đúng giờ giấc, lười vận động, không tập thể dục, ăn nhiều thực phẩm chứa carbohydrate,… những điều này dẫn đến bệnh béo phì, lâu dần sẽ hình thành tiểu đường ở trẻ.
Đái tháo đường ở trẻ, vì bệnh không xuất hiện phổ biến nên nhiều gia đình chưa biết thông tin và nguyên nhân chính gây bệnh. Vì vậy, với những lý do hình thành tiểu đường ở trẻ như trên, phụ huynh cần có biện pháp phòng tránh, ngăn ngừa để các bé khỏe mạnh và phát triển tốt.
Triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ cần được quan tâm, theo dõi để phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh và chữa trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nghiêm trọng. Những biểu hiện sức khỏe của trẻ khi mắc bệnh tiểu đường như: Bé hay khát nước dù đã uống đủ lượng nước cần thiết theo khuyến cáo mỗi ngày, do việc duy trì nước bên trong cơ thể không được đảm bảo; Đi tiểu nhiều hơn bình thường, tè dầm, tình trạng này xuất hiện khi lượng đường trong cơ thể không chuyển hóa hết, dẫn đến tích tụ. Vì vậy, thận sẽ đào thải lượng đường đó qua nước tiểu; Trẻ gặp phải triệu chứng đau đầu, nhìn không rõ sự vật khi hàm lượng đường trong máu tăng nhiều; Bé luôn cảm thấy đói bụng, vì khi mắc tiểu đường, insulin không đủ để chuyển hóa đường nhằm cung cấp năng lượng cho cơ thể, vì vậy dù đã nạp chất dinh dưỡng đầy đủ nhưng bé vẫn hay đói; Trẻ mệt mỏi, không có sức để vận động, vì đường không được chuyển hóa nên không tạo năng lượng cho các hoạt động; Cân nặng giảm đáng kể, bởi vì cơ thể sẽ lấy đi lượng đường tích trữ trong mỡ để đảm bảo cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống thường ngày, lâu dần trẻ sút cân; Bé gái chưa đến giai đoạn dậy thì, mắc tiểu đường type 1, có thể bị nấm ở âm đạo; Theo nghiên cứu và thực tế cho thấy trẻ bị tiểu đường dễ bị kích thích tâm lý, cảm xúc thay đổi thấy thường, vì vậy gia đình cần quan tâm nhiều đến các bé; Ngoài những triệu chứng trên, một số trường hợp tiểu đường ở trẻ còn xuất hiện các tình trạng sau khi bệnh tiến triển nặng: đau bụng, mất thị giác tạm thời, hôn mê, nhiễm trùng, co giật.
Qua đây có thể thấy triệu chứng của tiểu đường ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sống của trẻ. Vì vậy, gia đình nên quan tâm trẻ hơn, chú ý đến những biểu hiện sức khỏe bất thường như trên để kịp thời phát hiện bệnh./.