Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Kịch bản nào đón Tết giữa mùa dịch?" do Báo Đại đoàn kết tổ chức sáng 11/11, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết 2 năm qua "chúng tôi đi chống dịch triền miên".

"Cứ một đợt dịch trải qua, chúng tôi phải nghỉ thực hiện giãn cách 2 tuần rồi lại đến đợt dịch khác, từ chống dịch ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đến chống dịch ở Đà Nẵng rồi đến Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang rồi vào miền Nam… Bởi thế nên cuộc sống cũng bị rối loạn rất nhiều. Đồng nghiệp của tôi có nhiều người trải qua quá trình chống dịch quá vất vả đã bị stress nghiêm trọng, thậm chí phải điều trị tại bệnh viện vì bị stress quá mức"- ông Cấp nói.

nguyentrungcap-1636614312590-1636619964.jpg
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp -Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trao đổi tại buổi tọa đàm (Ảnh: Quang Vinh).

Theo ông, trong việc chống dịch Covid-19 thì vai trò của toàn dân là quan trọng nhất. Việc củng cố tốt y tế cơ sở mới đảm bảo việc chăm sóc y tế tới gần người dân nhất. Tuy nhiên phải nhìn vào thực tế hiện nay, hệ thống y tế của chúng ta rất mỏng về lực lượng so với thế giới. Nếu như ở Úc có 30 bác sĩ và 120 điều dưỡng trên một vạn người dân thì ở Việt Nam chỉ có 8 bác sĩ, dưới 2 điều dưỡng trên một vạn dân.

"Trong điều kiện thua kém hơn so với các nước khác, muốn thay đổi phải thay đổi tất cả về mọi mặt chứ không hi vọng một ngành nào đó thay đổi, chạy trước so với các ngành nghề khác của đất nước. Khi biết chúng ta nghèo hơn, yếu hơn thì chúng ta phải lựa chọn phương thức phòng, chống dịch riêng chứ không thể bê nguyên theo các nước khác trên thế giới. Và quả thực 2 năm qua, chúng ta đã làm khác các nước và đã thành công"- ông Cấp phân tích.

Ông Cấp khẳng định hiện nay chúng ta đang khống chế được dịch. Khi tình hình thay đổi thì chúng ta phải liên hoạt thay đổi. "Tôi lấy ví dụ, nếu giai đoạn chống dịch lần này, chúng ta áp dụng chiến lược đã xây dựng từ năm 2019 thì chắc chắn sẽ thất bại hoàn toàn"- ông minh họa.

Vị lãnh đạo Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng, dịch bệnh khiến chúng ta phải thay đổi về mọi mặt, thay đổi trong cách học, thay đổi trong cách làm việc, mua sắm hàng ngày, chuyển dần sang hoạt động online…  Vì thế, đón Tết cũng phải thay đổi.

"Nếu như mọi năm, vào dịp Tết chúng ta phải thăm hỏi họ hàng, tất cả cô dì chú bác. Tuy nhiên năm nay, chúng ta nên hạn chế, đặc biệt là đến thăm những người cao tuổi từ 80-90 tuổi hoặc hạn chế các lễ hội tập trung đông người. Chúng ta nên thực hiện giãn cách, thay đổi cách sum vầy gia đình ở diện hẹp, hạn chế tập trung đông người không cần thiết để giảm nguy cơ lây nhiễm. Nếu như các hoạt động gây bùng phát lớn vượt quá khả năng chăm sóc, điều trị của hệ thống y tế, hồi sức thì để lại hậu quả rất lớn"- ông Cấp cảnh báo.

Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết cũng đồng tình với việc dịch Covid-19 đã làm thay đổi căn bản những thói quen cũ của chúng ta. Chúng ta thích ứng và buộc phải thích ứng trong rất nhiều tình huống khác nhau, thay đổi không ngừng và đều là những tình huống lần đầu xuất hiện. "Dịch bệnh cũng thức tỉnh chúng ta rất nhiều điều. Đó là cách trân quý cuộc sống"- ông Đạt nói.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định, Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế đã trao quyền chủ động cho địa phương, căn cứ vào việc nắm bắt tình hình thực tế để những biện pháp cụ thể, linh hoạt. Giãn cách cá nhân chỉ làm thay đổi nếp sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày nhưng giãn cách xã hội sẽ đảo lộn tất cả, ảnh hưởng rất nhiều về mọi mặt. Vì thế nên trong giai đoạn chung sống với Covid-19, chúng ta nỗ lực đẩy mạnh giãn cách cá nhân.

"Chung sống với Covid-19 có nghĩa là chúng ta chấp nhận mỗi địa phương, mỗi khu vực có thể xảy ra dịch bệnh ở mức độ nào đó nhưng làm sao vẫn nằm trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, để đảm bảo rằng không gia tăng số ca diễn biến nặng. Đấy là điều chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta không thể hi vọng quay trở về giai đoạn Zero Covid"- bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói thêm./.