Thực ra theo quan điểm của chúng tôi người Nghệ không nhất thiết phải nói tiếng Nghệ. Chúng tôi xin lấy trường hợp Chủ tịch Hồ Chí Minh để chứng minh.
Hồ Chí Minh sinh năm 1890 tại Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An trong một gia đình trí thức yêu nước. Lớn lên “tắm mình dòng sữa” văn hoá Xứ Nghệ. Ngay trên mảnh đất quê hương Người đã tận mắt chứng kiến truyền thống quật khởi của cha ông cũng như những nỗi đau khổ của người dân mất nước. Bởi vậy Người sớm hình thành quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước. Năm 1911, Người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trong suốt cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã đi khắp 5 châu 4 biển. Người tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau. Ở đâu Người cũng không ngừng học hỏi để trau dồi thêm vốn sống của mình.
Sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941 Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Năm 1945, Cách mạng Việt Nam có những bước phát triển không ngừng. “Pháp chạy, Nhật đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Chúng ta về cơ bản đã giành được chính quyền trong cả nước. Ngày 2/09/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuyên ngôn độc lập đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật, bọn phong kiến tay sai. Đồng thời Tuyên ngôn cũng khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[1]. Tuyên ngôn cũng khẳng định những cơ sở pháp lý quốc tế về nền độc lập của Việt Nam. Đó là nhân dân ta giành chính quyền từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Tuyên ngôn đồng thời khẳng định quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Văn kiện trọng đại này Bác đọc bằng giọng Bắc. Vì vậy với chất giọng xứ Nghệ có pha lẫn giọng Bắc nên khi đang đọc Tuyên ngôn độc lập Người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Tại sao Bác Hồ đưa ra câu hỏi này khi đang đọc Tuyên ngôn độc lập?
Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào nhưng số đông là người dân Bắc Kỳ bởi vậy có thể Người sợ tiếng Nghệ (giọng Nghệ) khiến cho đồng bào không nghe được. Mặc dù có thể Người đã cố gắng sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Hà Nội, giọng Hà Nội).
Năm 1957, sau hơn năm mươi năm xa quê, Người mới có dịp trở về thăm lại mảnh đất Hồng Lam. Tại đây Người ân cần “thăm già cùng hỏi trẻ”[2]. Theo nhạc sỹ Đặng Mai Hồng, giảng viên cao cấp nhạc viện Quốc gia, một nhân chứng trong dịp Bác Hồ về thăm quê 1957, “giọng nói của Bác là giọng Nghệ có pha lẫn giọng Bắc”. Trong những câu chuyện hỏi thăm bà con quê hương Người dùng tiếng Nghệ và giọng Nghệ. Gặp người bạn thời niên thiếu Bác chỉ vào giếng Cốc nói:
“Ngày xưa choa với mi cùng câu cá ở đó”[3,104]. Khi thăm lại ngôi nhà cũ Người nói: “Hồi nớ cái cổng nhà choa ở chộ ni, không phải chộ tê mô”[3,105]. Bước chân vào trong nhà sau khi thắp một nén nhang lên bàn thờ gia tiên, Người nhận xét:
“Ngày xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ làm bằng tre chớ không phải bằng gỗ như ni mô”[3, 105]. Đứng trước tấm phản mà mình đã nằm khi còn nhỏ Người cũng nói: “Cái phản ni đúng là cái phản hồi còn nhỏ Bác nằm, nhưng so với trước nó ngắn hơn một chút” [3, 105]. Đối với người dân xứ Nghệ, Bác Hồ lại sử dụng tiếng Nghệ.
Tác giả Thy Ngọc có kể chuyện Bác Hồ tiếp một số chị em quê ở Khu IV như sau: “… Hôm đó là chiều mười bảy tháng Năm năm 1969, năm chị em chúng tôi quê ở các tỉnh khu Bốn: Quảng Trị, Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An…được đi gặp Bác Hồ.
- Chúng cháu xin phép được hát để Bác nghe một số bài theo điệu dân ca miền Trung mà đồng bào rất ưa thích.
Bác vui vẻ bảo các đồng chí ở cơ quan đến nghe. Khi tôi hát ví đò đưa… “Ai biết nước Sông Lam răng là trong, là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh…”
Bác bảo:
- Ở Nghệ An, người ta nói là “nác” chứ không phải “nước”[4, 109].
Bác Hồ là người con của xứ Nghệ bởi vậy theo Người khi hát dân ca Nghệ-Tĩnh thì nên sử dụng đúng phương ngữ địa phương.
Giáo sư Phong Lê đã nhận xét về phong cách văn chương của Hồ Chí Minh như sau: “Ở mỗi đối tượng, mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh, Bác đều có một cách nói riêng”[5, 100]. Quả đúng như vây, trong buổi lễ trang nghiêm đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà trước nhân dân Bắc Bộ, Hồ Chí Minh không thể sử dụng tiếng Nghệ (giọng Nghệ) được? Khi nói chuyện với đồng bào chiến sỹ cả nước Hồ Chí Minh không thể nói tiếng Nghệ? Bởi vậy bắt buộc Người phải sử dụng tiếng phổ thông (mặc dù về âm điệu vẫn chịu ảnh hưởng một phần nào đó của giọng Nghệ). Nhưng đến năm 1957 khi về thăm quê, nói chuyện với bà con quê hương, Người lại sử dụng nhiều tiếng Nghệ.
Tiếng nói là kết tinh của văn hoá. Mỗi vùng miền trên đất nước ta đều có những nét văn hoá riêng, tiếng nói riêng (phương ngữ). Người địa phương phải biết gìn giữ và phát triển bản chất văn hoá tiếng nói của địa phương mình. Nhưng ngày nay trong xu thế hội nhập và phát triển chúng ta không những phải biết giữ gìn mà còn phải biết tiếp thu bản sắc văn hoá của các vùng miền để làm giàu cho bản sắc văn hoá của địa phương mình. Người Nghệ không nhất thiết phải nói tiếng Nghệ. Người Nghệ đi ra khỏi xứ Nghệ cần phải biết tiếp thu tinh hoa của những vùng miền khác nhau. Không bắt buộc người Nghệ nói tiếng Nghệ ở tất cả mọi nơi mọi lúc, nhưng người Nghệ nên nói tiếng Nghệ ở trên quê hương của mình với bà con mình và cơ quan phát thanh chính thức của Nghệ An nên nói giọng Nghệ./.