y-1725244047.PNG
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà báo Pháp tại Phủ Chủ tịch, tháng 6/1964. (Ảnh tư liệu)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi động, phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp tham gia công tác đối ngoại, trong đó có hoạt động tuyên truyền đối ngoại. Nghệ thuật làm công tác thông tin đối ngoại của Người có những nét nổi bật nào, thưa ông?

Ngành đối ngoại, ngoại giao Việt Nam có được niềm vinh dự và tự hào to lớn khi được Bác Hồ kính yêu sáng lập và rèn luyện. Ngày nay, nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện bao gồm các trụ cột, các mảng và lĩnh vực khác nhau. Nếu nhìn lại mỗi dặm đường Người ra đi tìm đường cứu nước, từ tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin đến truyền bá lý luận cách mạng Việt Nam, thành lập Đảng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng một trong những hoạt động đầu tiên Bác Hồ triển khai là công tác thông tin đối ngoại.

Đảng ta quan niệm thông tin đối ngoại là một bộ phận của công tác tư tưởng, chính trị và đối ngoại. Ngay từ những hoạt động đầu tiên ở Pháp, Bác đã tích cực thông tin về tình hình đất nước mình cho người Pháp thuộc các giai tầng khác nhau có thể thông tỏ hơn. Nhớ lại, việc Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 có thể được xem hoạt động mang tính thông tin đối ngoại chính thức đầu tiên.

Hoạt động thông tin đối ngoại có thể được thực hiện thông qua nhiều kênh, phương thức khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều phương thức để người nước ngoài, người phương Tây biết được tình hình thực tế của xứ An Nam thuộc địa, từ việc làm báo cho đến diễn thuyết hay tham gia các tổ chức hội. Không chỉ phương thức đa dạng, các chủ đề mà Bác Hồ triển khai phong phú, từ đề tài về chính trị cho đến các chủ đề mang tính nghề nghiệp, khéo léo lồng ghép trong đó những thông tin mà Người mong muốn truyền tải.

Sau này, khi Đảng ta được thành lập và đặc biệt khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác đã rèn luyện cho đội ngũ làm đối ngoại, ngoại giao rất non trẻ của Việt Nam những kỹ năng hết sức quý giá, được đúc rút từ thực tiễn hoạt động phong phú của Người. Tất cả các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước tạo nên nền tảng vững chắc và bề dày kinh nghiệm hết sức phong phú cho công tác thông tin đối ngoại.

Phương thức làm công tác thông tin đối ngoại mà ông ấn tượng nhất ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì?

Hơn một năm, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến khi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người đứng đầu ngành Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên vừa là Người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này, trực tiếp đàm phán ngoại giao và làm công tác thông tin đối ngoại qua nhiều bài phỏng vấn báo chí. Minh chứng cho điều đó là trong khoảng thời gian từ 19/8/1945 tới 19/12/1946, Bác đã 17 lần tiếp xúc, trả lời phỏng vấn đại diện các cơ quan truyền thông hàng đầu thế giới.

Tuyệt đại đa số các bài trả lời phỏng vấn, dù là với báo chí của quốc gia nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhắc đi nhắc lại một thông điệp, đó là đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam mong muốn có hòa bình, có độc lập và rất quyết tâm giữ gìn hòa bình, giữ gìn độc lập. Phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ngắn gọn, súc tích, lý lẽ khách quan, khoa học lồng ghép trong yếu tố văn hóa, nghệ thuật xen lẫn với sự hài hước, dí dỏm, rất tinh tế.

Sau này, qua các giai đoạn cách mạng khác nhau, Bác Hồ vẫn tiếp tục vai trò trực tiếp tham gia hoạt động ngoại giao và thông tin đối ngoại như vậy. Đến nay, chúng ta vẫn hết sức xúc động khi nghe và đặc biệt là xem lại những đoạn trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài của Bác.

Chúng ta thấy rõ tư tưởng, phong cách của Người với những thông điệp rõ ràng, rành mạch, khúc chiết; cách thức uyển chuyển và linh hoạt. Dù là trả lời phỏng vấn báo chí khối xã hội chủ nghĩa anh em hay các hãng truyền thông phương Tây, tùy vào giai đoạn cách mạng, Bác Hồ đều có thông điệp rất rõ ràng với cách tiếp xúc, truyền tải đi vào lòng người.

yt-1725244082.PNG
Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình. (Nguồn: Vietnamnet)

Mặt trận công luận ủng hộ Việt Nam rộng rãi trong các giai đoạn cách mạng có lẽ là một trong những thành quả quan trọng của công tác thông tin đối ngoại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm xây dựng nền tảng, thưa ông?

Dưới sự rèn luyện của Bác Hồ, đội ngũ làm công tác đối ngoại, ngoại giao trong các giai đoạn cách mạng đã dần dần xây dựng được mặt trận công luận ủng hộ Việt Nam.

Ngay trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp đã xuất hiện những phong trào phản chiến rầm rộ ở chính quốc, nổi bật là những tấm gương như đồng chí Raymonde Dien (đảng viên Đảng Cộng sản Pháp). Năm 1956, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên, bà Raymonde Dien được gặp Bác Hồ. Bà từng chia sẻ: “Qua những lời thăm hỏi ân cần của Bác và được tận mắt chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh, tôi càng hiểu rõ sự vô giá của hòa bình”.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chúng ta đã có sự chủ động tấn công bằng thông tin ngay trong lòng nước Mỹ, qua đó tạo nên mặt trận chống chiến tranh Việt Nam rộng rãi trong cả thế giới phương Tây. Mặt trận công luận góp phần to lớn trong việc làm sáng lên tính chính nghĩa, thu hút sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến của chúng ta, đồng thời làm lung lay âm mưu kéo dài, tăng cường chiến tranh ở Việt Nam.

Như vậy, với cuộc đời hoạt động cách mạng nói chung và hoạt động đối ngoại nói riêng vô cùng phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho ngành đối ngoại, ngoại giao trong đó có lĩnh vực thông tin đối ngoại khung lý luận quan trọng, bao gồm mục tiêu, quan điểm, phương thức và nội dung, các đối tượng của công tác thông tin đối ngoại.

Chúng ta có thể học hỏi như thế nào từ kinh nghiệm về thông tin đối ngoại của Bác Hồ trong bối cảnh hiện nay?

Trong giai đoạn Đổi mới, khi phá thế bao vây cấm vận, bắt đầu mở cửa và sau này hội nhập tích cực, chủ động, có thể nói bối cảnh và tình hình đất nước đã có nhiều đổi thay. Về mặt chủ quan, cơ đồ, tiềm lực, vị thế đất nước đã khác, lực lượng tham gia công tác đối ngoại đa dạng và phong phú hơn, có thể nói là toàn diện. Về mặt khách quan, nhìn ra thế giới, chúng ta thấy tuy toàn cầu hóa có những bước trắc trở nhưng đã phổ biến thuật ngữ ngôi làng toàn cầu với tính chất phổ rộng của thông tin. Có thể trong một số lĩnh vực, toàn cầu hóa gặp khó khăn nhưng riêng lĩnh vực thông tin, truyền thông, tính toàn cầu là rất rõ ràng.

Mục tiêu đối ngoại hiện nay rất lớn, bao gồm những mục tiêu an ninh - duy trì môi trường hòa bình, ổn định; mục tiêu phát triển - thu hút nguồn lực; và mục tiêu nâng cao vị thế (an ninh - phát triển - ảnh hưởng). Vì vậy, chúng ta có thể dùng một từ là toàn diện để chỉ ra tính chất của thông tin đối ngoại hiện nay, toàn diện về lực lượng, phương thức, nội dung, mục đích và đối tượng.

Tôi vẫn nhớ Bác Hồ từng nói một cách đơn giản về công tác tuyên truyền nói chung, tất nhiên trong đó bao gồm công tác thông tin đối ngoại: Đó là công việc để làm cho những ai chưa hiểu về ta thì hiểu ta, ai hiểu rồi thì yêu ta, ai ghét ta thì bớt ghét đi, còn ai đã ghét và không thể từ bỏ thì ít nhất là bớt hung hăng đi.

Trong bối cảnh hiện nay, suy ngẫm lại những lời dạy của Bác Hồ cũng như những rèn luyện của Người đối với ngành đối ngoại, ngoại giao nói chung và công tác thông tin đối ngoại nói riêng, chúng ta thấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Với mục tiêu cao nhất là đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, Bác Hồ đã dùng mọi phương cách để truyền tải thông điệp và tác động vào nhận thức, tư tưởng của các đối tác, đối tượng đối ngoại. Gắn vào thực tiễn hiện nay, chúng ta cũng dùng các loại hình truyền tải thông điệp khác nhau, trong đó có truyền thông mới trên các nền tảng xã hội, đồng thời uyển chuyển khi tiếp cận với các đối tượng khác nhau. Tôi cho rằng chúng ta cần phải học tập và làm theo Bác nhiều hơn nữa. Bởi lẽ, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, đến nay chúng ta vẫn mong muốn và thậm chí ao ước có được một trận công luận như trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ để ủng hộ Việt Nam trong những vấn đề sát sườn, thiết thân với lợi ích quốc gia, dân tộc, cả trong thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Có thể khẳng định quan điểm, đường lối về thông tin đối ngoại của Đảng ta đã rất rõ, đặc biệt Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới có giá trị cao về lý luận cũng như thực tiễn, mang tầm định hướng tương lai, đảm bảo chúng ta có thể làm tốt công tác thông tin đối ngoại trong nhiều năm tới. Vấn đề đặt ra là triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong đó, tôi đánh giá cao vai trò của Bộ Ngoại giao nói chung, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng. Cá nhân tôi đánh giá rằng, trong gần 100 cơ quan đại diện, có thể tỷ lệ, hàm lượng làm công tác ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa, lãnh sự, người Việt Nam ở nước ngoài… khác nhau tùy vào mỗi địa bàn, song công tác thông tin đối ngoại là thường xuyên, liên tục và không thể thiếu ở bất kỳ địa bàn nào.