Trong gần 60 năm xa quê hương hoạt động Cách mạng, dù chỉ về thăm quê được 2 lần, nhưng chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm, một tình cảm trọn vẹn dành cho quê hương. Điều này thể hiện qua hàng chục bức thư Người gửi về quê và giữa năm 1969, tiên lượng được sức khỏe của mình, cùng với Di chúc để lại cho đất nước, ngày 21/7, Người đã viết và gửi bức thư cuối cùng cho BCH Đảng bộ Nghệ An. Bức thư có giá trị như một bản Di chúc thiêng liêng của Người đối với quê hương. Sau 55 năm Người đi xa, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực thực hiện di huấn của Người, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân.
Mặc dù bức thư không dài, chỉ có 2 trang, nhưng đầy đủ tình cảm sâu nặng, nghĩa tình đối với quê hương, lời dặn dò của bác đối với đồng bào, chiến sĩ, nhân dân tỉnh nhà, thể hiện lòng mong mỏi của bác hồ đối với toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Đã nhiều năm công tác tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, ông Dương Thanh Bình luôn dành thời gian nghiên cứu và có nhiều trăn trở mỗi khi đọc lại Bức thư cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Với ông Bình, Bức thư có giá trị như một bản Di chúc thiêng liêng của Người đối với quê hương Nghệ An.
Đầu thư Bác không quên ghi nhận, đánh giá cao công sức to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bác đặt vấn đề “Sắp tới phải làm gì?”, rồi Bác chỉ bảo “Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa”.
Ông Phan Thanh Đoài - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, chăm lo cho đời sống người dân là điều Bác hằng mong muốn, phải làm sao để nhân dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành, hạnh phúc: “Theo di huấn của Người cố gắng lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tiếng nói nhân dân, BCH Tỉnh ủy ban hành quy chế tiếp xúc đối thoại, sau khi tổng kết thì BTV Tỉnh ủy đã ban hành đề án 07, từ đó đến nay 100% tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đều triển khai thực hiện, như một việc làm thường xuyên. Hiệu quả đạt được là tất cả nguyện vọng tâm tư chính đáng của người dân đều được xử lý từ cơ sở”.
Xây dựng củng cố tổ chức Đảng, phát triển đảng viên cũng luôn được Người đặc biệt quan tâm, đặc biệt là vai trò của nhân dân đối với Đảng. Trong thư Bác nhắn gửi Đảng bộ tỉnh Nghệ An: “Nhân dân ta rất yêu mến Đảng ta. Phải khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng như: góp ý kiến với chi bộ trong việc tuyển chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Làm được như thế, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân sẽ càng thêm mật thiết”.
Ông Sầm Văn Duyệt, Phó Bí thư Đảng bộ huyện Quế Phong cho biết: “Thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Đảng bộ huyện Quế Phong rất quan tâm đến xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, đặc biệt là cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua đảng bộ huyện đã cử nhiều cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng bộ máy, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt là trong những năm gần đây công tác cán bộ có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Bác mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc. Trong suốt 55 năm qua, được sự quan tâm, trách nhiệm của Trung ương, sự sẻ chia, giúp đỡ từ đồng bào, đồng chí cả nước, Đảng bộ, nhân dân Nghệ An đã nỗ lực vượt khó, phát huy tiềm năng, thế mạnh và đạt được những kết quả toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh, đúng hướng, môi trường đầu tư, thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực.
Năm 2023, quy mô nền kinh tế của Nghệ An đứng thứ 10/63 tỉnh, thành của cả nước và lọt tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. 6 tháng đầu năm nay tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Thọ Cảnh - Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết: “Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bác nói như một người rất chuyên sâu. Bác dặn, chúng ta sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi phát triển; Bác dặn phát triển rừng, rừng vàng, biển bạc, Bác nói thế không có nghĩa là bán gỗ lấy tiền mua gạo cứu đói hay mua vũ khí mà là trồng rừng; rồi Bác dặn, phát triển nghề cá, nghề muối. Nghệ an có 820ha sản xuất muối nhưng Bác vẫn dặn phát triển nghề muối vì đó là sinh kế của nhân dân”.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tỉnh Nghệ An đã và đang tập trung sức mạnh, đoàn kết một lòng, triển khai các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mới đây Quốc hội tiếp tục bổ sung cơ chế chính sách đặc thù nhằm phát triển tỉnh Nghệ An. Đây chính là bước tiến quan trọng góp phần để Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân tỉnh Nghệ An sớm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng, niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.
Như Nghị quyết số 39 xác định, là “xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân cả nước”.