Những giấc mơ quê

Trong cái rét ngọt cuối năm, chúng tôi ngồi quây quần bên nồi bánh chưng sùng sục trên bếp củi giữa sân. “Nhân vật chính” của buổi họp mặt này là một Thứ trưởng, anh đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ được bên mình bao nhiêu bạn bè tri âm, tri kỷ qua tháng năm dời đổi. Anh là một “quan chức” độc đáo mà tôi biết, nhưng ở bài viết này, xin không dài dòng thêm về nét độc đáo của anh, mà tôi muốn bắt đầu từ câu chuyện anh kể, câu chuyện của cậu bé con nhà nghèo đã mang theo cả tuổi thơ khốn khó của mình để lớn lên, để biết ơn mẹ, ơn quê, để mỗi cái Tết về lại có một nhịp dừng hoài nhớ…

gf-1700557989.jpg
Nghệ An non xanh nước biếc, đậm tình người

Để rồi trước mắt chúng tôi hôm nay, người đàn ông chững chạc hơn 60 mùa xuân qua vẫn chỉ là cậu bé năm nào. Cậu bé mò mẫm những bước chân không dép đến trường trên con đường gập ghềnh mùa đông. Cậu bé lén đi giặt thuê cho những người đàn bà kỳ sinh nở, chợt sững người khi gặp ánh trăng như rắc bạc trên sóng nước dòng sông mà chỉ một quãng thôi nó sẽ hòa ra với biển cả, để chưa bao giờ thấy cái công việc của mình là “dơ bẩn” như người ta vẫn nghĩ. Cậu bé thương người đàn bà quê “nghèo đến tận cùng của cái nghèo, đến nỗi cái váy đụp của bà được tạo thành từ hàng trăm mảnh vá chằng chịt, và cũng chỉ có duy nhất một chiếc váy đó để mặc” để rồi khi đã thành danh, mỗi tết về quê anh đều ghé thăm người đàn bà ấy để gửi cho bà một món quà. Cậu bé ấy, cũng vì nhớ thương mẹ, mà khi đi xa, bắt gặp bất cứ bóng dáng tảo tần nào cũng nghĩ, ấy là mẹ mình…

“Quê, nghèo là thế, nhưng cũng là nơi đã cho anh tất cả”- anh nói như vậy về xứ Nghệ của anh, về vùng cửa sông của anh. Đúng, “nếu không lớn lên cùng những tận cùng khốn khó ấy, sao anh biết trắc ẩn, sao anh biết yêu thương, sao anh biết rộng lượng, sao biết mình đã cố gắng và đã vượt qua được những gì?” – anh khẽ khàng nói với tôi, mà như tự nhủ với chính mình.

ju-1700558012.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ


Câu chuyện với anh khiến tôi nhớ lại lần gặp gỡ với nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ chừng mươi năm về trước trong căn gác nhỏ ở Hà Nội của ông. Bữa đó, cũng một ngày cuối năm, cái thời khắc ấy như khiến ông dễ xúc động hơn thì phải, nên ông đã kể với tôi những điều mà ông bảo là “những điều gan ruột”. Ông nói rằng, đã xa quê gần một đời (ông rời quê từ năm 18, 19 tuổi), nhưng có một giấc mơ luôn thường trực trong ông, cũng là “giấc mơ đẹp nhất đời người”, ấy chính là “mơ quê”. Là nhạc sỹ của bao nhiêu ca khúc nổi tiếng, nhưng Nguyễn Tài Tuệ lại dành cho ca khúc “Mơ quê” của ông một tình yêu đặc biệt. Ông nói rằng, ở đó, ông gần như đã bày tỏ được những riêng tư nhất, sâu kín nhất của mình – một người con tha hương lưu lạc. Bao lần, người trai ấy “hỏi mây, mây bay xa tắp” mà chẳng hay có bay về phía quê nhà.

e-1700558031.jpg
 

Quê nhà của ông trong “Mơ quê” là quê của sông Lam, chợ Rạng, của “ước hẹn còn lưa”. Ông đã đưa được cả tiếng địa phương Thanh Chương quê mình vào âm nhạc như vậy. Quê nhà ấy còn vẳng đến ông tiếng trống trường ven đồi, tiếng sáo diều trên đê, tiếng gà gáy tan dần trong màn sương sớm, cái mênh mang của trăng nước sông Lam. Ông kể về lần ông đi đò trên sông Lam trong đêm trăng, ông đã rơi nước mắt trong cái khoang chật chội, rồi ngủ chìm trong tiếng hát ví, hát giặm trên những con đò ngược xuôi, đi như trôi, như bay. Trời ơi, mặt sông Lam chính là sân khấu lộng lẫy nhất, và những dân quê mộc mạc, áo nâu nhuộm bùn đất đang chèo đò với nỗi hân hoan và tâm hồn rộng mở, phóng khoáng kia, chính là những nghệ sỹ tài năng nhất… “Những điều ấy đã nuôi tôi lớn lên, và mãi mãi, nó ở trong âm nhạc của tôi”.

Buổi gặp ấy, nhạc sỹ đã chép tay bài hát “Mơ quê” để gửi tặng cho bố tôi – một bệnh nhân mang trọng bệnh, yêu vô cùng âm nhạc của ông và đặc biệt yêu bài hát “Mơ quê”. Cho đến giờ, tôi vẫn giữ bản chép tay bài hát với những nét chữ rất cẩn thận, nắn nót và gửi gắm nhiều tình cảm của ông…

Câu chuyện của vị Thứ trưởng bên bếp ấm cuối năm, câu chuyện với nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ trong căn gác 2 của ông chìm khuất giữa vô vàn bụi bặm, náo nhiệt Hà Thành… cũng là để tôi giải thích về những sâu nặng của mảnh đất mà tôi chọn gắn bó, dù rằng tôi vẫn biết, ai cũng có một miền quê trong mình, một nơi để gửi gắm và nương tựa, một nơi để người ta nói 2 chữ “trở về” khi vấp ngã, khi thất thế, khi nằm xuống. Nhưng xứ Nghệ, cái dải đất nắng gió bão bùng của khúc ruột miền Trung này, có điều gì đó từ thẳm sâu cay gừng mặn muối để nhà thơ Huy Cận đã khái quát rằng: “Tình xứ Nghệ không mau/Nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen xứ Nghệ quen lâu/ Càng tình sâu nghĩa nặng”.

Những người xứ Nghệ mà tôi gặp kể trên đã cho tôi thấy rằng, giữa tận cùng những tháng ngày khốn khó, giữa muôn trùng vất vả gian nan đời thường, nhưng họ vẫn nhận thấy, vẫn tận hưởng cái đẹp đẽ, tinh túy nhất của trời đất quê hương. Họ luôn dành cho mảnh đất này niềm biết ơn, và quê với họ là tiếng gọi thiêng liêng nhất.

Một chốn để “nương về”

Tôi là người xứ Bắc với những cơ duyên may mắn mà nương về xứ Nghệ. Bắt đầu từ tình yêu một người để rồi yêu thương cả một vùng đất, để có đôi lúc vẫn buông lời rằng “xứ Nghệ quê tôi, xứ Nghệ của tôi”. Tôi “chạm mặt xứ Nghệ” trong một sớm tinh mơ của ngày cuối năm. Đón tôi hôm đó trên ga Vinh là màn mưa bụi và nhưng bóng đèn vàng tỏa sáng cần mẫn. Trong một ô cửa nào đó tôi qua, đã vẳng đưa một câu hát ví: “Muối ba năm muối đang còn mặn/Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta tình nặng nghĩa dày/Dù có xa nhau chăng nữa, ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ xa”. Có thể bởi tình yêu nồng nàn của tuổi trẻ, có thể bởi tôi mến đất, mến người, nhưng có một linh cảm khó có thể lý giải khi tôi đã tin câu ví ấy, để nương về xứ Nghệ. Tin câu ví đã trả lời cho tôi về những đằm sâu, thủy chung, mạnh mẽ, can trường ở người tôi yêu và những người xứ Nghệ tôi gặp. Và, nhờ thế, những “cát bỏng, gió Lào”, những “đất cằn đá sỏi”, những “xa ngái dặm trường”…, đối với tôi bỗng thành niềm thương chứ không còn là cách trở.

vc-1700558104.jpg
Hát dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh trên sông Lam.

Tự bao giờ, tôi âm thầm kiêu hãnh mình đã là một phần của quê Nghệ. Chẳng phải ư, tôi uống nước dòng Lam, ăn miếng cơm trắng từ hạt gạo nảy mầm trên đất bỏng? Chẳng phải ư, mọi buồn vui của riêng mình, tôi đều tìm thấy ở trong câu ví, giặm. Những tâm tình sâu kín, những than thở ngậm ngùi, những mối tình dang dở, những ước hẹn lứa đôi… . Bấy nhiêu yêu thương, bấy nhiêu đau khổ, bấy nhiêu mệt nhọc âu lo, bấy nhiêu chạnh lòng… đều được cất lên bằng lời hát, lời ngâm, nhiều khi nhẹ như một làn gió thoảng thôi, nhưng day dứt, ám ảnh lòng người. Những câu hát khiến tôi thấy sông Lam dài rộng hơn nhưng cũng gần gũi hơn với lòng mình, thấy xứ Nghệ ân tình như chính nhịp đập trong trái tim tôi, thấy mỗi nhịp đò, cơn gió, rặng cây, mỗi giọng nói đều nên thơ, như sẵn sàng cất lên giai điệu. Và kể cả khi thấy mình nông nổi, sai lầm, tôi vẫn nhìn thấy ánh nhìn bao dung trong lời hát, rằng giận thì giận mà thương lại nhiều hơn…

Tôi đã tới “rú Bờng, rú Bể”, tới “đất cày bừa”, tới “nơi bông vải hát hò thâu canh”, để như thấy đất thật ấm, sóng thật êm dưới chân mình. Chẳng phải rằng, tôi đã bước chân trên những hạt cát rộn rã bước chân người xưa tìm về phường vải Trường Lưu, phường vải Kim Liên. Chẳng phải ư, tôi vẫn đang hưởng ánh trăng đêm mùa trồng bông, dệt vải. Chẳng phải con sông Lam, dẫu sóng có chảy trôi vẫn đã ấm những nhịp chèo?

cxx-1700558124.jpg
Hát dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh trên sông Lam.

Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu đã từng kể với tôi kỷ niệm của đời chị nhưng cũng khiến tôi mãi nhớ. Rằng chị đã không biết đến cái sâu nặng “máu thịt” của ví giặm quê hương, cho đến một ngày kia, khi chị đến biểu diễn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khi cất lên giai điệu quê hương, cả ngàn người đã im lặng. Chị cảm thấy tiếng khóc lan dần. Kết thúc buổi diễn, tất cả đã ào lên sân khấu ôm lấy diễn viên của Đoàn trong nước mắt. Cho đến khi, đoàn Dân ca Nghệ An lên xe để ra về, một bác già còn níu lấy bàn tay Hồng Lựu: “Hồng Lựu ơi, cho bác về quê với. Nghe con hát, bác muốn về quê lắm con ơi!”. Hồng Lựu nói rằng, chính nhân dân đã cho chị tiếng hát, cũng chính họ đã cho chị hiểu “dân ca là máu thịt”.

Tự bao giờ, tôi cũng đã là một phần máu thịt của nơi này? Của sông Lam, sông La chảy chậm “bao thuở vui sầu”, của cam xã Đoài “càng chín lại càng tươi”, của chè xanh “càng chát lại càng thơm”, của thứ cà “càng mặn lại càng giòn”? Để mỗi lần xa, nghe câu ví giặm là muốn níu quay về, bắt đầu từ cái buổi mưa giăng năm ấy?

655-1700558145.jpg
Một góc trung tâm huyện Nghĩa Đàn

Cũng là ngày cuối năm xưa ấy, lần đầu tiên tôi về Nghĩa Đàn (Nghĩa Đàn ngày ấy bao gồm cả Thái Hòa và Nghĩa Đàn bây giờ), đặt chân lên những con đường hun hút bụi đỏ, ngất ngây với mùi hương hoa cà phê, đi dưới những tán cao su xạc xào lá đổ dưới mỗi vết xe qua, trầm ngâm trước hàng me cổ thụ làng Quang Tiến, và chậm rãi đếm những chuyến xe trâu đang nhẫn nại chở sỏi đi lên từ lòng sông Hiếu mùa cạn nước… Tôi đã nhớ bao nhiêu ngã ba Tuần, những truông Rếp, truông Vên, câu chuyện người xưa ở làng Vạc, câu chuyện về những cô gái làng Đong, cả câu chuyện mà người trai vùng đất ấy đã kể cho tôi nghe về tuổi thơ của anh. Của cậu bé nhớ mẹ chạy chân trần trên những mảnh đồi xác xơ, câu chuyện anh đã ngắt những bông hoa dại bên con đường ray tàu hỏa- những đường ray có từ thời thuộc Pháp, khi thực dân chở từ nơi này ra đi bao nhiêu sản vật quý giá trong lòng sông, lòng đất, – để đặt trên mộ mẹ mình những ngày chông chênh gió…

Và tôi, cũng như bao nhiêu người Nghệ khác, đã thầm một lời biết ơn những cay gừng mặn muối xứ sở này, đã cho tôi được là một phần máu thịt của quê hương.