1.Dùng nước sôi 70 - 80% hãm chè, không nên đậy nắp
Làm như vậy có thể giữ được hương vị chè tốt, sẽ không làm cho nước thứ 2, 3 bị nhạt, đồng thời có thể tránh được nhiệt độ cao phá hủy những thành phần có ích trong chè.
2. Uống chè không nên uống cạn một lần
Có những người uống chè thường uống cạn một lần rồi mới đổ thêm nước sôi vào, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hương vị của cốc thứ 2, 3.
Cách làm tốt hơn là: Khi hãm được nước đầu uống còn khoảng 1/3 thì đổ thêm nước sôi vào, sau khi uống hết 2/3 lại đổ nước sôi vào hãm.
3. Chè không nên hãm nhiều lần
Thông thường chỉ hãm 3 - 4 lần là được. Hãm nước đầu, chè có thể hòa tan 30% chất hòa tan trong chè, hãm nước thứ hai là 50%, hãm nước thứ ba là 10%, đến lần thứ tư chỉ còn 5%.
Tục ngữ có câu: “Nước đầu đắng, nước thứ hai bổ, nước thứ ba thuần, nước thứ tư hết vị”. Một ấm chè hãm nhiều lần, một số chất có hại trong lá chè sẽ hòa tan vào trong nước chè, không có lợi cho sức khỏe.
4. Không nên uống nước chè để qua đêm
Nước chè để sau 8 tiếng thì thành phần bất lợi trong nước chè sẽ tăng lên, đặc biệt khi trời nóng, nhiệt độ cao, vi khuẩn dễ dàng phát triển, uống vào gây bất lợi cho sức khỏe.
5. Ăn cơm xong không nên uống nước chè ngay
Ăn cơm xong nếu uống nước chè ngay sẽ làm cho dịch vị bị hòa loãng ra không có lợi cho việc tiêu hóa thức ăn, thậm chí còn kích thích niêm mạc dạ dày sinh ra viêm. Vì vậy thông thường sau khi ăn cơm khoảng 1 giờ mới uống nước chè là tốt nhất.
6. Nồng độ nước chè phải phù hợp
Nếu pha ít chè quá nước sẽ nhạt, vô vị, nhưng cũng không nên thường xuyên uống nước chè quá đặc có hại cho sức khỏe.
Trong nước chè đặc hàm lượng cafein quá cao, nếu thường xuyên uống nước chè đặc sẽ làm cho lượng triglixerin trong máu cao, làm cho động mạch bị xơ vữa, tim bị đau nhói. Một số axit trong nước chè đặc sẽ làm lắng đọng protein và vitamin, cản trở việc bài tiết dịch vị, kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, gây nên hiện tượng mất thăng bằng chức năng của dạ dày và ruột, gây tiêu hóa kém, đại tiện táo, không có lợi đối với những người bị hư nhược chức năng dạ dày, ruột.
Ngoài ra một số axit trong nước chè có thể cùng với một số chất trong thức ăn hình thành chất cặn lắng đọng không hòa tan, ảnh hưởng đến việc hấp thu sắt của cơ thể, lâu dài có thể gây thiếu máu thiếu sắt.
7. Không nên uống chè sau khi uống rượu bia
Sau khi uống rượu thì tim đập nhanh, gây hưng phấn tinh thần, mà nước chè có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, nếu dùng nước chè sau uống rượu bia thì khác nào “lửa đổ thêm dầu”. Đồng thời chất kiềm chứa trong nước chè sẽ khống chế khả năng tái hấp thu của thận. Sau khi uống rượu nếu uống nước chè ngay sẽ làm cho chất độc trong rượu chưa được phân giải ngấm vào thận, gây tổn hại chức năng thận.
8. Người đại tiện táo không nên uống nhiều nước chè
Trong nước chè có chứa nhiều axit không những làm giảm sự co bóp của ruột mà còn làm lắng đọng protein, các peptit, chất sắt, ion kim loại, làm cho phân khô gây chứng táo bón hoặc khiến cho người vốn bị táo bón lại bị nặng thêm.
Cần chú ý rằng, lá chè đun hãm càng lâu thì tanin tách ra càng nhiều, càng bất lợi cho người bị táo bón.
9. Dụng cụ hãm và uống chè cần làm sạch cặn chè
Uống chè có lợi cho sức khỏe nhưng cáu chè bám ở thành ấm và đáy cốc thì hại cho sức khỏe.
Cặn chè là do chất poliphenol trong chè bị ôxy hóa trong nước mà thành, có màu lá cọ, do đó còn gọi là rỉ chè. Trong cáu chè có chứa nhiều kim loại như chì, sắt, thạch tín... cùng với nước chè những chất này thâm nhập vào cơ thể kết hợp với những chất dinh dưỡng như pro tein, chất béo, vitamin, hình thành chất lắng cặn khó hòa tan làm ảnh hưởng đến sự tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.
Ngoài ra chất lắng cặn này một khi đã được cơ thể hấp thu dẫn đến sự rối loạn chức năng của một số cơ quan như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa... Vì vậy người uống chè phải thường xuyên cọ rửa cáu chè bám ở thành trong của ấm./.