Miếng trầu là đầu câu chuyện, nhưng có lẽ đồng hành trong những câu chuyện con cà con kê, đi từ cánh đồng này sang cánh đồng khác của người dân vùng quê xứ Nghệ lại là bát nước chè xanh. Chỉ một bát nước chè nhỏ nhưng có hàng tá câu chuyện để người nông dân tán gẫu mỗi dịp quây quần xóm làng.


 
Nước chè xanh – Đậm đà nghĩa tình làng quê xứ Nghệ. Ảnh: Nguồn Internet
 
Một “thông tấn xã” thu nhỏ
 
Một vùng đất khô cằn, nắng gió – xứ Nghệ đã để lại biết bao tình thương, nỗi nhớ trong lòng mỗi người con xa quê. Nhớ lắm mùi quê hương mỗi khi uống một cốc nước chè xanh ven đường nơi thị thành tấp nập.
 
Nghệ An là một vùng đất quá đỗi khắc nghiệt: mùa hè gió Lào thổi cháy da, cỏ cây khô héo. Thế nhưng, nơi đây lại xuất hiện một giống cây đặc biệt – cây chè. Phải chăng, càng nắng, càng gió bao nhiêu thì cây chè xanh lại như càng cứng càng dày bấy nhiêu. Đó là một sự thử thách lớn của thiên nhiên, tạo hóa đối với loài cây này. Nó cũng giống với con người nơi đây vậy, kiên cường với khó khăn, gian khổ. Đất trời càng khắc nhiệt, lá chè càng xanh, vị càng đậm đà hơn. Một lý giải cũng khá hợp lý cho tên gọi chè xanh.
 
Trời càng khô, ấm chè của người Nghệ càng đậm hơn, thơm phức hơn trong lần uống “nước mới” (nước đầu tiên). Đến phần “nước dạo” (nước thứ 2) thì độ ngọt chát có phần vơi đi, vị thơm cũng có phần giảm chút ít. Tuy nhiên, chè xanh nấu lại (chè dạo) là thứ nước hạ cấp, màu đỏ quạch, mất hương mất sắc. Người Nghệ xưa có câu: “Chè hâm lại, gái ngủ trưa”, là thứ vô duyên… Do vậy, bạn phải tìm hiểu trước để cảm nhận và thưởng thức đúng vị bát nước từ chè xanh xứ Nghệ. Như vậy mới tròn vị quê.


 
Ảnh: Hải Vương
 
Ai đi xa mà không nhớ về quê hương? Nhớ vị thơm mùi lúa mới, nhớ vị bùi của khoai sắn, vị ngọt chát trong bát nước chè xanh quê.
 
Nước chè xanh dân dã đã trở thành sinh khí cho người nông dân canh điền. Trước đây, để có được một ấm chè ngon không phải là dễ. Vì khoa học, kỹ thuật chưa phát triển, khả năng canh tác cây chè còn nhiều hạn chế, chè trở nên khan hiếm. Bởi vậy mà có được một bó chè tươi để uống và mời láng giềng cùng thưởng thức, đó là một sự “hãnh diện” lớn. Đây là điều đáng trân quý.
 
Sinh ra trên cánh đồng, con nhà nông, sáng ra ăn uống xong xuôi, đi làm đồng, thể nào các bác thợ cũng phải nhâm nhi bát nước chè rồi mới vác quốc ra đồng làm việc. Nước chè xanh không chỉ là một thức uống giải khát mà nó còn được ví như một thứ sinh khí, tăng lực. Khi uống vào miệng, cảm giác vị ngon ngọt, chan chát đầu lưỡi, toàn thân sảng khoái, đầu óc tỉnh táo hẳn lên.
 
Từ lão nông tri điền đến các bác thợ rèn, thợ mộc, thợ kéo, thợ xây…, nếu không nói “mê tít” thì chỉ có từ “nghiện” mới lột tả được sức hút kỳ lạ giữa đời thường của những lá chè tươi đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ. Họ cho rằng, chỉ có nước chè xanh thôi, mới “đượm phổi”
 
Chưa kể những lúc nhà nông rảnh rỗi, cái ấm chè xanh trở thành trung tâm thông tin của tất cả mọi người. Từ chuyện hoan hỉ, ma chay cưới hỏi, chuyện làng này làng kia, chuyện trai, chuyện gái, chuyện xa, chuyện gần cho đến chuyện chính trị, quốc gia đại sự… cũng từ bát nước chè xanh mà nên.
 
Đó là các ông, còn các chị, các mẹ cũng không kém phần “rôm rả” cũng từ ấm chè xanh. Các mẹ sẽ nói về chuyện làm đồng, giống lúa gì, mùa màng năm nay có bội thu hay không? Các mẹ mách nhỏ nhau những mẹo vặt trong cuộc sống, chia sẻ nhau nghe phương pháp dạy dỗ con cái… Nhiều vô kể những câu chuyện trên trời, dưới đất, không đầu, không cuối. Thậm chí là những câu chuyện không có hồi kết, nếu trời không tối.
 
Đấy! cuộc sống nhà nông nó thú vị lắm, chẳng tranh giành, xô bồ như cuộc sống thành phố. Đến cả cái không gian cũng quây quần “Tắt lửa tối đèn” có nhau, chứ không như thành phố “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Đôi lúc, người ta bảo tôi vẫn uống nước chè xanh hằng ngày đấy thôi, cũng bình thường. Đúng, nó quá đỗi là bình thường, bởi một lẽ khi thưởng thức bát chè xanh thì không gian cũng là một yếu tố chi phối đến vị giác của bạn. Bạn thử thưởng thức bát nước chè trong không gian làng quê yên bình với những người bạn thường gắn bó, từ từ nhâm nhi, kể nhau nghe những câu chuyện, sẽ khác hẳn với bạn uống vội và uống một mình. Bạn sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được vị ngon của chè. Trái lại, bạn sẽ chỉ cảm nhận được sự đắng chát từ bát nước mà thôi.
 
Một thức uống dân dã, đậm màu quê hương
 
“Tôi là bát nước chè xanh/Tỏa hương nhè nhẹ ngon lành thơm tho…/…Nhà nông sau bữa cơm no/Cũng nhờ bát nước làm cho tỉnh người/Nước vàng sóng sánh vàng tươi/Đựng trong chiếc bát da trời xanh xanh/Đồng quê cho tới thị thành/Biết bao kẻ lịch, người thanh quen dùng”.
 
Đó là bài thơ mà tôi được nghe từ các cụ trong làng, bài thơ được dạy trong môn tập đọc của bậc tiểu học trước năm 1975. Thế đấy! Từ xa xưa ông cha ta đã gây dựng nét đặc sắc trong phong tục văn hóa của mình từ “cây nhà, lá vườn”. Để rồi thú uống chè xanh của những người nông dân Nghệ trường tồn cho đến hôm nay. Đó hóa chẳng phải là một nét văn hoá ẩm thực hay sao?
 
Để có được một bát nước chè xanh thơm ngon đúng chất Nghệ, điều đầu tiên là khâu chọn chè. Chè xanh được chọn hái những lứa lá không già quá mà cũng không quá non, phải có cả thân nhánh chè nấu mới đậm đà hương vị.
 
Chè mang rửa sạch, để ráo nước, chờ nước sôi chín mới vò kỹ bằng tay, cho vào bình tích (ấm sành lớn). Tuyệt nhiên không được vò chè quá sớm, vì như vậy lá chè vò rồi, đợi quá lâu sẽ bị ôi, nước không ngon. Tiếp đến là dội qua nước sôi rồi đổ đi để súc chè. Súc chè rất quan trọng, nó vừa làm ấm toàn bộ bình vừa khử tẩy mùi hôi chè. Cuối cùng thì đổ nước sôi ngập lá chè, cho vào ủ ấm trong làn giữ nhiệt. Chè xanh ủ như vậy khoảng 45 phút là uống được. Uống sớm quá chè còn “sống”, hôi lá, không thơm, không đủ độ chát. Nước chè xanh đạt tiêu chuẩn phải vàng sánh, có hương thơm và vị chát. Uống ngụm chè cảm nhận được hương nồng, vị chát ngót đọng mãi trong họng. Vì ngày hè nóng, người Nghệ thường uống chè xanh bằng bát, loại bát sứ men trắng. Bát ấy làm nổi bật màu vàng xanh đặc trưng của thứ chè tươi rất bắt mắt. Uống chè xanh vì vậy phải uống bằng cả miệng lưỡi, cả mũi và mắt.
 
Để bát nước chè xanh ngon và có màu xanh đẹp mắt, phải kể tới yếu tố nhiệt độ của nước. Hễ chè đun quá lửa thì lập tức chuyển màu từ xanh sang đỏ, kém hấp dẫn như chè dạo lại khó uống. Hơn nữa, nước chè xanh rất dễ thiu, do vậy mà khi thưởng thức bạn nên uống nóng, dù là giữa trưa hè nắng nôi. Cũng vì thế khi ấm chè xanh nước một đang còn, bạn không nên thêm nước sôi, nó sẽ bị thiu và hỏng luôn cả ấm.


 
Ảnh: Hải Vương
 
Ở tất cả các làng quê nói chung, làng quê xứ Nghệ nói riêng đều có những nét vừa độc đáo vừa gần gũi, để ai trong ta mỗi lần xa quê là luôn nhớ về, nhớ như in những gì thân thuộc nhất. Hình ảnh người nông dân một nắng hai sương trên cánh đồng, phất phất chiếc nón lá, lau vội giọt mồ hôi lăn dài trên đôi gò má đầy vết nám, tay bưng bát nước chè xanh, rất đỗi thương yêu. Cuộc sống mưu sinh nơi phố thị, con người ta sẵn sàng đá xấu nhau nhưng về làng quê, những người dân bình dị chất phác trên cánh đồng càng thêm thương yêu, đùm bọc nhau hơn qua những buổi nghỉ ngơi bên bát nước chè xanh. Sự yên bình như vậy ai cũng ao ước có được.
 
Đi xa rồi, sống bon chen nơi phồn hoa thị thành, bạn đã từng nghĩ sẽ về lại quê hương, sống cuộc sống yên bình bên gia đình, sum vầy bên làng xóm, bỏ qua những thứ xô bồ ngoài kia?