Nghệ An được mọi người ưu ái gọi là quê hương Bác Hồ. Và mỗi lần nhắc đến Nghệ An, người ta không nghĩ về một thành phố lớn với những tòa nhà chọc trời hay những đại lộ đầy xe ngang dọc mà nhớ hồn địa phương trên bát nước chè xanh vừa mới hãm còn ấm nóng, vừa thơm vừa chát, vàng sánh trông ngon lành không thể tả. 

 “Ai ơi cà xứ Nghệ
 
Càng mặn lại càng giòn
 
Nước chè xanh xứ Nghệ
 
Càng chát lại càng ngon”


 
Mỗi lần nhắc đến Nghệ An, người ta nghĩ về cái hồn địa phương trên bát nước chè xanh vừa mới hãm còn ấm nóng, vừa thơm vừa chát, vàng sánh trông ngon lành không thể tả. 
 
Xứ Nghệ, vùng đất rộng mênh mông nhưng khô cằn, ít màu mỡ. Do vậy cây chè nơi đây không mướt mát, cũng chẳng bung cành nở búp sum suê, nhưng bù lại lá dày, xanh đậm và giòn. Và chính loại chè này mới hợp với phong cách om chè xanh của người dân xứ Nghệ.
 
Dù không phải nơi duy nhất uống nước chè xanh nhưng người dân Nghệ đã có không ít cải tiến cho thứ nước uống đã được nâng lên tầm văn hóa này, như việc cho thêm ít mật mía vào bát chè xanh. Hai thứ này kết hợp với nhau cho ra bát nước chè xanh có màu vàng sánh hơn, sậm hơn, lại có vị thơm ngọt. Họ coi nước ấy như nước trợ sức, trợ lực, phục hồi sức khỏe. 


 
Dù không phải nơi duy nhất uống nước chè xanh nhưng người dân Nghệ đã có không ít cải tiến cho thứ nước uống đã được nâng lên tầm văn hóa này
 
Nói không quá, phải đến Nghệ An mới thấy dân tình uống nước chè xanh “dữ dội” đến mức nào. Bất kể những ngày nắng hầm hập hay những ngày đông rét buốt, sáng sớm tinh mơ, những người dân nơi đây đã quảng giao bằng bát nước chè xanh. Gọi là uống “nước mới”. Người dân trong thôn thường xoay vòng mời nhau uống “nước mới”, tức là chè xanh vừa mới hãm xong. Còn chè nước thứ hai gọi là “chè dạo” – nước chè lúc này không mấy thơm ngon nữa nên dân tình mới có câu “Chè hâm lại, gái ngủ trưa”, là thứ vô duyên…


 
 Chè xanh phải uống khi vữa hãm xong mới ngon. (ảnh: Hải Vương)
 
Để có được bát chè xanh xứ Nghệ đúng điệu, cũng cần cách pha hãm đúng cách. Lá chè, tốt nhất là chè già, lá dày và giòn, màu xanh đậm. Chè ấy đem rửa sạch, để ráo nước, chờ nước sôi chín mới vò kỹ bằng tay, cho vào ấm lớn. Tuyệt nhiên không được vò chè quá sớm, vì như vậy lá chè vò rồi, đợi quá lâu sẽ bị ôi, nước không ngon. 


 
 Để có được bát chè xanh xứ Nghệ đúng điệu, cũng cần cách pha hãm đúng cách. (ảnh: Hải Vương)
 
Tiếp đến là dội chè qua nước sôi rồi đổ đi. Thao tác này rất quan trọng, vì nó vừa làm ấm toàn bộ bình vừa khử tẩy mùi hôi chè. Cuối cùng thì đổ nước sôi ngập lá chè, cho vào ủ ấm trong trong khoảng 45 phút. Nếu uống sớm quá , lá chè còn “sống” sẽ không thơm và không đủ độ chát. Ấy vậy mới có câu hát :” nước chè xanh xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon.”
 
Phải rồi, một bát nước chè xanh đạt chuẩn phải vàng sánh, thơm và khi uống có vị chát đọng lại trong cuống họng. Uống ngụm chè cảm nhận được hương nồng, vị chát ngót đọng mãi trong họng vì vậy mà uống chè xanh phải uống bằng tất cả các giác quan nào mắt, mũi, và miệng… uống một cách chậm rãi, từng ngụm một, rề rà, thong thả chứ đừng vội vã như khách qua đường.


 
 Tần tần câu chuyện kể hàng ngày đều  xoay quanh cái ấm chè xanh. (ảnh: Hải Vương)
 
Có một điều thú vị nữa đó là ở xứ Nghệ, từ chuyện làm ăn, trai gái đến chuyện quốc gia đại sự. Tần tần tật đều có hết xoay quanh cái ấm chè xanh./.