Không qua trường lớp đào tạo, chỉ vì đam mê và muốn khẳng định mình, Đinh Nho Quỳnh (Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư trồng dưa lưới. Mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho sản phẩm sạch, an toàn.
Bất ngờ "làm bạn" với nghề nông
Sau nhiều năm bươn chải, lăn lộn kiếm sống, với nhiều ngành ngành nghề kinh doanh, anh Đinh Nho Quỳnh (SN 1984), trú tại thôn Tiến Hòa, xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ) đã khiến người dân địa phương hết sức ngỡ ngàng khi trở về làm bạn với nghề nông, lĩnh vực mà giới trẻ hiện nay không mấy mặn mà.
Hạt giống được ươm trên bầu giá thể loại nhỏ.
Muốn tìm một hướng đi khác biệt, ban đầu Quỳnh triển khai nhân giống khoai lang Nhật trên diện tích 4ha. Sau đó liên kết với các HTX, cụm dân cư trong vùng trồng thêm được 30ha.
Nói về quá trình làm bạn với nghề nông, anh Quỳnh cho biết: “Theo quy trình, giống khoai này cho năng suất 7 tạ/sào, nhưng thực tế chỉ được 2 tạ/sào. Do thổ nhưỡng không phù hợp, hơn nữa thời điểm đó ta đang phụ thuộc thị trường Trung Quốc nên trồng được 2 mùa thì thất bại. Tuy nhiên, với tôi, thất bại là một trải nghiệm”.
Cũng theo anh Quỳnh, sau đó, Trung tâm ứng dụng KHKT Đức Thọ đưa mô hình dưa lưới về giới thiệu, kết hợp với tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin nên thấy hợp lý: “Khi đưa mô hình dưa lưới nhà màng công nghệ cao về Đức Thọ, nhiều người nghi ngại, không dám làm vì phải đầu tư rất lớn. Là người thích thử sức mình nên tôi đã nhận lời”, anh Quỳnh chia sẻ.
Ngay sau đó, anh thuê 2000m2 đất của HTX Yên Diên, rồi liền bắt tay vào xây dựng dự án. Chi phí toàn bộ hết 600 triệu đồng (được hỗ trợ 30% chi phí đầu tư từ Sở KHCN), gồm khung nhà, màng lưới, thiết bị phun tưới tự động, nhà kho chứa vật tư, thiết bị.
Đầu năm 2019, anh bắt đầu tiến hành trồng dưa. Không như truyền thống chỉ trồng 2 vụ, dưa lưới nhà màng mỗi năm có thể trồng 4 vụ, mỗi vụ 4.000 gốc, thời gian từ 65 đến 70 ngày sẽ cho thu hoạch. Đây là sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thụ phấn nhân tạo cho dưa.
“Để trồng dưa lưới, tôi phải mua xơ dừa (được xay bằng vỏ dừa) từ miền Nam đem về xử lý chất chát (còn gọi là chất tanin), loại chất này làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây”, anh Quỳnh cho biết.
“Quá trình xử lý chất tanin cũng mất nhiều thời gian. Trước hết phải tạo bể chứa, sau đó cho xơ dừa cùng vôi và trichoderma vào ngâm ủ trong thời gian khoảng 21 ngày thì đưa ra cho vào bầu”, anh Quỳnh nói thêm.
Cũng theo anh Quỳnh, quá trình gieo trồng gồm 2 giai đoạn. Sau khi mua hạt giống từ miền Nam về thì ươm trên bầu giá thể loại nhỏ. Khi cây được 4 đến 5 ngày tuổi, có từ 1 đến 2 lá thật thì đưa ra trồng cố định vào giá thể lớn, được làm bằng túi bóng dày, có kích thước 15cm x 15cm x 27cm.
Chia sẻ về kinh nghiệm, anh Quỳnh cho biết: “Khi cây được 20 đến 25 ngày tuổi, lúc này cây có 10 đến 15 lá thật, chiều cao khoảng 1,5m là đến giai đoạn thụ phấn. Vì nằm trong nhà màng nên công việc thụ phấn hoàn toàn do con người, không như truyền thống, thụ phấn nhờ sâu bọ hay ong bướm”.
“Thông thường cây ra rất nhiều hoa nhưng chỉ thụ phấn từ 3 đến 4 quả. Khi quả có đường kính từ 4 đến 5cm thì chọn 1 quả to, đẹp nhất để nuôi, còn lại thì cắt bỏ. Khi thu hoạch, trọng lượng mỗi quả từ 1,2 đến 1,8kg, thậm chí trên 2kg. Mỗi vụ thu hoạch từ 4 đến 4,5 tấn, giá nhập sĩ từ 40 đến 42 ngàn/kg. Bình quân mỗi vụ thu nhập từ 160 đến 180 triệu đồng”, anh Quỳnh thông tin thêm.
Nói về việc chọn hạt giống, anh Quỳnh chia sẻ: “Để quả to, ngọt, phòng được sâu bệnh, đạt chất lượng tốt, tôi chỉ mua hạt giống loại F1. Tùy theo từng loại giống mà mỗi hạt có giá từ 800 đồng đến 3000 đồng”.
Cũng theo anh Quỳnh, đây là mô hình đầu tiên tại huyện Đức Thọ nên thị trường mở, rất dễ tiêu thụ. Do sản phẩm sạch, an toàn và đạt chất lượng nên người dân rất ưa chuộng. Với trên 4 tấn dưa, vợ chồng anh chỉ bán tại địa phương và trong vòng 10 ngày là hết. Hiện đang đưa hàng hóa nhập vào OCOP của tỉnh để truy xuất nguồn gốc và mã vạch.
Được chăm sóc bài bản nên dưa của anh Quỳnh to đều và đẹp, trọng lượng bình quân mỗi quả từ 1,2 đến 1,8kg.
Nói về công việc hàng ngày, anh Quỳnh chia sẻ: “Để chăm sóc vườn dưa, cần có 1 kỹ sư bám trụ. Tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây mới cần thuê thêm người làm thời vụ như đóng bầu, thụ phấn hoặc thu hoạch”.
“Quy trình chăm sóc theo hệ thống tưới nhỏ giọt của Ixraen và đặt chế độ tưới tự động nên cũng giảm được chi phí nhân công. Họ nhà dưa rất ưa khí hậu nắng nóng nên về mùa hè phát triển tốt, còn mùa đông thường bị đứng, khiến chu kỳ kéo dài ra”, anh Quỳnh nói thêm.
Nói về dự định sắp tới, anh Quỳnh cho biết: “Hiện tôi đang làm dự án để xin thuê đất, mở rộng diện tích sản xuất. Nếu thuận lợi, tôi sẽ trồng thêm 1ha dưa lưới để cung cấp cho các chợ đầu mối và cửa hàng rau quả sạch trên địa bàn”.
“Đây là mô hình này áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật"
Ngoài trồng dưa lưới, kinh doanh cà phê, karaoke, Đinh Nho Quỳnh còn có mô hình 8ha ruộng rươi tại xã Yên Hồ và Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ). Trong đó, 4ha đã thu hoạch được trên 2 năm, bình quân 5 tạ rươi/năm, 4ha đang cải tạo mới. Sắp tới anh cũng đưa nhà hàng vào kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ người dân trên địa bàn.
Trao đổi với PV, ông Đào Quang Bình, Chủ tịch Hội Nông xã Yên Hồ thông tin: “Mô hình của anh Quỳnh triển khai hơn 1 năm nay, kết quả tương đối tốt, đầu ra đảm bảo, giải quyết công ăn việc làm cho 5 đến 7 lao động theo thời vụ”.
Còn ông Lê Xuân Thọ, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: “Đây là mô hình do Sở Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh triển khai. Sau khi xây dựng dự án, khảo sát địa điểm, tìm người đứng ra đầu tư, huyện sẽ đăng ký và được Sở Khoa học phê duyệt, thẩm định rồi triển khai”.
“Mô hình này áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật đó là tưới theo công nghệ Ixraen. Được Nhà nước hỗ trợ theo từng hạng mục: nhà lưới 50%, hạt giống 30%”, ông Thọ nói thêm.
Cũng theo ông Thọ, thuận lợi của mô hình là đưa lại thu nhập cao, có thể nhân rộng ra để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, việc thuê đất để làm lại rất khó khăn. Muốn làm dự án thì phải mua đất của dân rồi thuê từ 20 đến 50 năm vì phải đầu tư rất nhiều.
“Trung tâm muốn làm tiếp nhưng giờ chương trình không có hỗ trợ nữa. Mỗi mô hình chỉ được hỗ trợ 1 lần rồi nhân rộng ra”, ông Thọ nói.