Một số ý kiến cho rằng: "Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trên 60% người dương tính với SARS-Co2 ở Việt Nam không có triệu chứng thì có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân thì có trên 60 người chả cần chữa trị. Họ chỉ vào bệnh viện nằm chờ âm tính là về nhà. Ở nước ngoài họ cứ để những người này cách ly tại nhà nếu phát các triệu chứng lâm sàng thì vào viện...".
Trước ý kiến trên, BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Ở những nước có số bệnh nhân quá lớn cũng như dịch lưu hành rộng rãi trong cộng đồng thì sẽ áp dụng chiến lược điều trị bệnh nhân tại nhà khi nặng mới đến bệnh viện.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta đã kiểm soát được bệnh ngoài cộng đồng. Số bệnh nhân vẫn chưa vượt quá khả năng điều trị nên ưu tiên chiến lược điều trị tất cả bệnh nhân tại bệnh viện.
Thực tế, bệnh nhân Covid-19 tuần đầu đa số nhẹ, sang tuần thứ 2 diễn biến nặng. Nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ bệnh nhân rất nặng và nguy kịch sẽ giảm đi".
BS. Cấp lý giải thêm, nếu chúng ta áp dụng chiến lược giống nước ngoài thì vấp phải hai vấn đề, một là nguy cơ lây nhiễm cho người thân trong gia đình khi truyền thống của người Việt Nam có 3-4 thế hệ cùng sinh sống, bao gồm cả trẻ nhỏ, người già có bệnh nền. Nếu lây sang người tuổi cao, có bệnh nền rất nguy hiểm. Hai là khi điều trị tại nhà, rất khó để phát hiện thay đổi bệnh lý sớm để kiểm soát nguy cơ tiến triển nặng, khi bệnh nặng vào viện thì hiệu quả điều trị sẽ thấp đi.
Việt Nam hiện có hơn 5.500 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trong đó, có nhiều bệnh nhân nặng, tỷ lệ bệnh nhân phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn các đợt dịch trước của các chủng khác. Vì thế, các biện pháp kỹ thuật can thiệp cũng triển khai nhiều hơn như lọc máu, ECMO là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức tích cực trong điều trị Covid-19.
So với các đợt dịch lần trước thì đợt dịch lần này có một số điểm khác biệt, đó là số lượng bệnh nhân lớn tạo nên sức ép lớn đối với hệ thống điều trị; chủng virus Ấn độ diễn biến lâm sàng nhanh hơn.