1. Chế độ ăn uống không lành mạnh gây viêm mạn tính

Viêm bao gồm 2 loại: Viêm cấp tính và mạn tính. Viêm cấp tính là một phản ứng bình thường trong thời gian ngắn đối với chấn thương hoặc nhiễm trùng nhằm sửa chữa mô hoặc loại bỏ nhiễm trùng khỏi cơ thể.

Tình trạng viêm mạn tính thường nhẹ hơn nhưng kéo dài hơn và mất kiểm soát. Nó làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, bệnh tim, trầm cảm, viêm khớp, sa sút trí tuệ và nhiều dạng ung thư...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm mạn tính. Trong đó, chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, ít vận động, ngủ không đủ giấc, căng thẳng, tiếp xúc liên tục với các chất độc hại, hút thuốc, uống nhiều rượu... là một trong những nguyên nhân quan trọng.

2. Một số loại thực phẩm gây viêm cần hạn chế

Bên cạnh những loại thực phẩm giúp chống viêm thì cũng có một số loại thực phẩm khác được biết là góp phần gây viêm và thúc đẩy quá trình viêm trong cơ thể như: Thịt đỏ, ngũ cốc tinh chế, đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên rán...

uu-1659618943.jpg
Thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa.

Ví dụ như thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa cùng với chất béo chuyển hóa và đường tinh luyện khiến một số tế bào miễn dịch giải phóng các protein gây viêm vào máu.

Vì vậy, thực phẩm chứa chất béo bão hòa và các loại thực phẩm được chế biến quá nhiều dầu mỡ và đường đều không phải là lựa chọn tốt nếu bạn bị viêm. Vì các loại thực phẩm này có thể dẫn đến tăng cân, lượng đường trong máu và cholesterol cao, tất cả đều liên quan đến chứng viêm.

Ngoài ra, ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn và các loại thực phẩm chiên khác sử dụng nhiều dầu thực vật có axit béo omega-6 có thể làm tăng tình trạng viêm, không tốt cho sức khỏe.

2.1. Thịt đỏ

Thịt đỏ chủ yếu bao gồm thịt từ các loại động vật, như: Bò, cừu, lợn, ngựa, trâu...

Mặc dù thịt đỏ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, nhưng việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ lại không tốt cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ăn thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư đại trực tràng.

Ăn thịt đỏ thường xuyên có thể gây hại cho tim bởi vì loại thịt này chứa nhiều chất béo bão hòa. Ăn nhiều thịt đỏ cũng liên quan đến nguy cơ mắc ung thư là do hàm lượng protein cao. Nguy cơ cao nhất khi ăn thịt đỏ rán, nướng... vì khi thịt đỏ được nấu chín ở nhiệt độ cao dễ hình thành các hóa chất gây ung thư.

2.2. Đường

Ăn quá nhiều đường, đặc biệt là đường bổ sung có thể làm tăng tình trạng viêm, từ đó dẫn đến bệnh tật.

Thực phẩm có nhiều đường bổ sung bao gồm: bánh kẹo, socola, nước ngọt, bánh quy, một số loại ngũ cốc, bánh rán, bánh ngọt...

Bên cạnh đó, mặc dù một lượng nhỏ đường fructose trong trái cây và rau quả là tốt, nhưng tiêu thụ một lượng lớn đường lại thành không tốt cho sức khỏe. Ăn nhiều đường fructose có liên quan đến béo phì, kháng insulin, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính và ung thư.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng đường fructose là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm trong các tế bào nội mô lót mạch máu. Đây là một yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tim.

2.3. Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa nhân tạo

Chất béo chuyển hóa là chất béo không tốt cho sức khỏe. Chúng được tạo ra bằng cách thêm hydro vào chất béo ở thể lỏng, không bão hòa. Từ đó, tạo cho chúng sự ổn định của chất béo rắn hơn.

Trên danh sách thành phần của sản phẩm, chất béo chuyển hóa thường được liệt kê với cái tên “dầu hydro chuyển hóa một phần”. Nó chứa trong hầu hết các loại bơ thực vật. Chúng góp phần kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Sữa và thịt chứa chất béo chuyển hóa tự nhiên không gây hại sức khoẻ. Ngược lại, chất béo chuyển hóa nhân tạo đã được chứng minh là gây viêm và tăng nguy cơ bệnh tật.

Ngoài việc làm giảm cholesterol tốt, chất béo chuyển hóa có thể làm giảm chức năng của các tế bào nội mô lót động mạch. Đây là một yếu tố có thể gây ra bệnh tim. Tiêu thụ chất béo chuyển hóa nhân tạo cũng có liên quan đến dấu hiệu viêm nhiễm ở mức độ cao như protein phản ứng C (CRP).

Thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa bao gồm: Khoai tây chiên, thức ăn nhanh, một số loại bơ thực vật, bánh đóng gói, bánh quy, một số loại bánh ngọt và tất cả các loại thực phẩm chế biến có ghi dầu thực vật hydro hóa một phần trên nhãn dán.

2.4. Carbohydrate tinh chế

Carbohydrate tinh chế (carbs) cũng có thể gây ra chứng viêm. Ngược lại với carbs chưa qua chế biến giàu chất xơ, carb tinh chế đã bỏ đi hầu hết chất xơ. Trong khi lợi ích của chất xơ là làm cho cơ thể có cảm giác no, cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột và kiểm soát lượng đường trong máu.

Các nhà khoa học cho rằng carbs tinh chế có thể làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn gây viêm đường ruột. Bên cạnh đó, nó còn có thể làm tăng nguy cơ béo phì. Carb tinh chế có chỉ số đường huyết (GI) cao hơn so với những loại chưa được qua chế biến.

Carbohydrate tinh chế có nhiều trong bánh mì, bánh ngọt, kẹo, một số loại ngũ cốc, nước ngọt... Tóm lại, cần hạn chế ăn carbs tinh chế có trong tất cả các loại thực phẩm chế biến có chứa nhiều đường hoặc bột.

2.5. Rượu

Uống rượu với lượng vừa phải có thể đem lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe. Nhưng có lẽ ai cũng biết, uống nhiều rượu sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu, càng uống nhiều rượu thì mức CRP càng tăng. Những người uống rượu quá nhiều có thể gặp tình trạng thường được gọi là ruột bị rò rỉ. Các độc tố và vi khuẩn gây hại có thể di chuyển khỏi ruột kết và đi vào cơ thể. Từ đó, các cơ quan sẽ dần bị tổn thương nghiêm trọng.

2.6. Thịt đã qua chế biến

Các loại thịt đã qua chế biến như: Xúc xích, giăm bông, thịt nguội, thịt bò khô, thịt xông khói... là thực phẩm được sử dụng phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được nguy cơ của chúng đối với sức khỏe. Ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng...

Cách chế biến các sản phẩm thịt này chính là nguyên nhân có thể gây viêm. Nó hình thành thông qua việc nấu chín một số loại thực phẩm và các loại thịt ở nhiệt độ cao. Đặc biệt, ung thư ruột kết là một loại bệnh rất dễ xảy ra đối với những người thường xuyên ăn thịt chế biến.

Nghiên cứu cũng cho thấy, việc tiêu thụ thịt hun khói, đã qua chế biến và bảo quản có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.

Vì vậy, nếu bạn hay dùng thịt trong chế độ ăn uống, hãy hạn chế lựa chọn thịt đỏ và thịt đã qua chế biến để giảm nguy cơ mắc bệnh.