Mặc dù đã nhận tiền đền bù và di dời tái định cư, nhưng 3 hộ dân vẫn tiếp tục chăn nuôi ở đầu nguồn nước sinh hoạt hồ Bộc Nguyên.
 

dù đã nhận tiền đền bù và di dời tái định cư, nhưng một số hộ dân ở xã Nam Điền vẫn nuôi nhiều bò làm ảnh hưởng nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
 
Chi 120 tỷ bảo vệ nguồn nước cho TP Hà Tĩnh và huyện phụ cận
 
Để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố Hà Tĩnh và các huyện lân cận, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh triển khai dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo vệ môi trường khu vực thượng nguồn và ven hồ Bộc Nguyên (huyện Thạch Hà).
 
Dự án nhằm khắc phục, giải quyết ô nhiễm và giảm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hồ Bộc Nguyên; đồng thời ổn định cuộc sống của các hộ dân khi di dời đến địa điểm mới.
 
Theo đó, tiến hành di dời 112 hộ và 1 hội quán thuộc 2 xã Nam Hương và Thạch Điền cũ (nay là xã Nam Điền) nằm trong cao trình thiết kế hồ Bộc Nguyên (cốt ≤ 23m). Tổng diện tích đất thu hồi dự kiến là 147,58ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng trên 120 tỷ đồng.
 
Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2015 - 2017), di dời 25 hộ sinh sống sát mép lưu vực thượng nguồn hồ Bộc Nguyên, bằng và thấp hơn cao trình thiết kế hồ Bộc Nguyên (cốt ≤ 23m), gồm 16 hộ xã Thạch Điền và 9 hộ xã Nam Hương. Giai đoạn 2 (2018 - 2020), sẽ di dời 87 hộ còn lại, trong đó Thạch Điền 21 hộ, Nam Hương 66 hộ.
 
Đến thời điểm hiện tại, các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án đã được đền bù, hỗ trợ tái định cư. Nhiều hộ đã làm quen với nơi ở mới và có kế hoạch phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống.
 
Hồ Bộc Nguyên đang bị bức tử
 
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền đền bù và hỗ trợ tái định cư, một số hộ dân không nghiêm túc di dời triệt để mà vẫn tiếp tục chăn nuôi trong khu vực bảo vệ môi trường thuộc thượng nguồn và ven hồ Bộc Nguyên, đe dọa nguồn nước sinh hoạt của hàng vạn người dân thành phố Hà Tĩnh và các huyện phụ cận.
 
Ở thôn Tân Sơn (xã Nam Điền), khu vực thượng nguồn hồ Bộc Nguyên, rất nhiều đống phân bò nằm rải rác dọc đường, đặc biệt là khu vực chuồng trại chăn nuôi của gia đình bà Trương Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã.
 
 
Rất nhiều phân bò cả mới lẫn cũ trong chuồng của gia đình bà Thủy
 
Theo quan sát của PV, khu chuồng này có diện tích khá rộng, nằm bên cạnh hồ nước. Trong chuồng, có rất nhiều phân bò cả cũ và mới.
 
Do người dân vẫn chăn nuôi và trồng trọt trong khu vực đầu nguồn hồ Bộc Nguyên nên phát sinh rất nhiều rác thải, đặc biệt là đoạn ngầm dẫn xuống hồ, rất nhiều túi nilon, bao tải đựng đủ các thứ vứt la liệt giữ dòng nước làm môi trường ô nhiễm.
 
Trao đổi với PV, ông T.Q.L, một người dân sống trong vùng cho biết: “Hiện tại vẫn còn 3 hộ dân nuôi trâu bò trong khu vực bảo vệ nguồn nước. Hộ ông Võ Thống còn 5 con, hộ Nguyễn Mậu Phố còn 2 con, đặc biệt là hộ Tường Thủy (bà Thủy là Chủ tịch Hội LHPN xã - PV) còn trên dưới 20 con".
 
Tuy nhiên bà Trương Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Điền phủ nhận thông tin trên. Bà Thủy cho biết, hiện gia đình bà chỉ nuôi 12 con bò cả to lẫn nhỏ.
 
“Do bò thả rông trong rú nên trước đây ở chỗ nào thì giờ nó về chỗ đó, chuyển ra chuồng mới rất khó. Bò chủ yếu là ở trên rú, khi nào mưa rét thì mới về chuồng. Vì cả làng thả rông nên nhiều khi bò về cả đoàn chứ không riêng bò nhà tôi”, bà Thủy thông tin.
 
Cũng theo bà Thủy, sắp tới bà sẽ nhờ người dọn phân đổ vào vườn cây ăn quả. Phân bò nhìn bẩn chứ không có gì độc hại cả: “Thời gian tới, nếu mà quy định tuyệt đối không được nuôi thì chúng tôi cũng chấp hành chứ không vấn đề gì cả”, bà Thủy khẳng định.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Sỹ Quý, Chủ tịch UBND xã Nam Điền xác nhận: “Hiện có nhà chị Thủy còn nuôi một số bò nhưng thả rông trong rú chứ không phải thường xuyên ở chuồng. Về số lượng thì địa phương không nắm được do gia đình không báo”.
 
Trước đây tôi có đề nghị hỗ trợ kinh phí tháo dỡ để tránh tình trạng tái diễn. Nếu không có 1 vài hộ dân phía trong thì tôi sẽ đề nghị cắt điện luôn. Vừa rồi chị Thủy có nuôi mười mấy con lợn nên chúng tôi bắt buộc phải bán rồi”, ông Quý thông tin thêm.
 
Theo ông Quý, xã thường xuyên nắm tình hình, yêu cầu họ di dời, tuy nhiên đất tái định cư thì chật hẹp, người dân không có nghề gì khác ngoài trồng trọt, chăn nuôi nên chưa chuyển đổi được.
 
Nói về hướng giải quyết, Chủ tịch UBND xã Nam Điền cho rằng, cần bàn giao diện tích đất thu hồi cho chủ mới quản lý. Địa phương sẽ tiếp tục mời các gia đình lên làm việc, có văn bản cam kết lộ trình để giải quyết dứt điểm vấn đề này./.