Chiểu theo khoản 3 điều 68 tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã bị Ban kỷ luật VFF cảnh cáo và phạt 15 triệu đồng với BTC sân Hà Tĩnh, do để xảy ra tình trạng nhiều khán giả tràn xuống đường chạy trong trận gặp Hà Nội FC.
 
"Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới lên hạng, chưa có kinh nghiệm tổ chức trận đấu có tính chất căng thẳng, đặc biệt là tiếp ĐKVĐ Hà Nội với nhiều ngôi sao như Quang Hải, Hùng Dũng, Văn Quyết... Ban kỷ luật VFF dựa theo Khoản 3 Điều 68 để đưa ra mức phạt với BTC sân Hà Tĩnh. Nếu để tình trạng tái diễn, BTC sân Hà Tĩnh chắc chắn sẽ bị xử lý nặng hơn", một thành viên Ban kỷ luật VFF cho biết.
 
Lỗi của ai?
 
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới lên hạng đó là sự thật, nhưng nếu Ban kỷ luật VFF khi ra án phạt lại căn cứ “chưa có kinh nghiệm tổ chức” thì quả là vô lý. Bởi 14 CLB tham dự V.League đều phải bình đẳng trước quy định của ban tổ chức, không thể nói mới lên hạng thì xử nhẹ, có thâm niên thì xử nặng. Không có đủ kinh nghiệm tổ chức thì không cho thi đấu, thế mới đúng.
 
 
Sự cố vỡ sân không đơn thuần phải kéo dài trận đấu 22 phút, mà kéo theo hàng loạt hệ lụy khác, nhất là trong chúng ta chưa công bố hết dịch Covid. Vụ việc vỡ sân ở Hà Tĩnh đã để lại hình ảnh xấu cho đội khách, họ khó thể yên tâm thi đấu khi cổ động viên ngồi sát đường biên.
 
VFF không xét kỹ đến tình huống sân Hà Tĩnh có sức chứa khoảng 20.000 người, ban đầu dự kiến phát hành 14.000 vé nhưng thực tế số vé phát hành cao hơn, khoảng 22.000 người. Chưa kể như ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn cho rằng, lực lượng làm nhiệm vụ tự ý mở cửa cho người nhà vào.
 
VFF cũng không thấy xét đến việc ban tổ chức sân Hà Tĩnh đã không thiện chí với những người có vé mà không được vào xem, cũng không được đền bù. Lỗi của mình mà để cổ động viên chịu thiệt?
 
Nỗi lo còn đấy
 
Trở lại câu chuyện sân bãi, mặc dù mới đây VFF đã cử đoàn kiểm tra điều kiện sân bãi của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh nhưng dường như những điều cơ bản nhất của một sân vận động thì lại bị “bỏ qua”. Trước hết, để đảm bảo an toàn khi có sự cố, tiêu chuẩn thiết kế các nơi tập trung đông người cánh cửa phải mở ra (để thoát hiểm), sân Hà Tĩnh lại làm ngược lại.
 
Với sức chứa khoảng 20.000 khán giả, hãy nhìn cách bố trí 8 cửa ra vào như thế thì công tác thoát hiểm của sân này chỉ mới đáp ứng được chưa đến 50% yêu cầu. Chắc chắn trong vòng 30 phút, không thể giải tỏa hết lượng khán giả này, đó mới là điều quan ngại mà VPF, VFFchưa nhìn ra.
 

 
 Chỉ 8 cổng thoát hiểm, sân Hà Tĩnh khó có thể giải phóng nhanh 20 ngàn cổ động viên khi có sự cố. Ảnh Xuân Thủy
 
Không thể kỳ vọng trong vòng 5 phút có thể giải phóng hết 76 ngàn khán giả như thiết kế chuẩn của sân Old Trafford hay các sân bóng châu Âu khác. Nhưng việc vừa tiêu tốn 51 tỷ đồng nhưng thiết kế sân Hà Tĩnh như vậy quả là đáng lo, nếu như người ta biết sân Vinh và Thiên Trường có cùng công suất nhưng cũng phải bố trí 15 và 18 cửa ra vào.
 
“Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ trên nóc” câu nói của HLV người Áo Alfred Riedl đến nay vẫn đúng. Sân Hà Tĩnh vốn chỉ là sân bóng cấp huyện, cơ sở hạ tầng chỉ đáp ứng việc đón 5-7 ngàn người xem. Phải khi tiếp nhận 1 đội bóng của bầu Hiển, được lên đá V.League người ta mới cuống cuồng lo điều kiện sân bãi và việc vỡ sân là điều được báo trước, chỉ VPF và VFF không chịu biết. Thực ra, ngay cả khi báo chí và chính người hâm mộ đã chỉ ra những thiếu sót lớn như đã kể trên thì chưa hẳn VPF đã có những động thái mạnh thay, phải chăng chờ “mất bò mới lo làm chuồng”. Phạt 15 triệu đồng, thế là xong!
 

 
 Trách nhiệm không đơn thuần chỉ ở BTC sân? Ảnh XT
 
Vĩ thanh
 
Niềm vui duy nhất, đó chính là tình yêu bóng đá mà bà con Hà Tĩnh dành cho thầy trò HLV Minh Đức. Không phải “đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra” những sự nỗ lực của cả đội bóng đã được người dân địa phương ghi nhận và kéo nhau đến sân đông như thế. Khi yêu thì “hãy yêu theo cách của mình” nhưng leo, trèo và chen lấn, xô đẩy để vào sân thì quả không nên chút nào!