Ủy ban Pháp luật vừa có báo cáo về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Báo cáo được tính từ ngày 7 đến 24/2.
Sau kỳ nghỉ Tết, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều địa phương ghi nhận số F0 trong cộng đồng tăng đột biến. Đáng lo ngại, kết quả tầm soát ngẫu nhiên trong 7 ngày (10-17/2) cho thấy có 70/92 mẫu bệnh phẩm dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%.
Tạo điều kiện cho người mắc Covid-19
Trong việc thực hiện quy định phòng, chống dịch, Ủy ban Pháp luật nhận thấy nhiều bất cập, điển hình như việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với người lao động điều trị bệnh Covid-19 tại nhà đang gặp khó khăn vì thủ tục rườm rà, mất thời gian.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động.
Về việc hỗ trợ của y tế địa phương đối với người mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà, Ủy ban Pháp luật nêu thực thế do lượng người mắc Covid-19 quá nhiều khiến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, ở một số nơi (đặc biệt là địa phương có số ca mắc cao như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh), người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Nhiều người bệnh phải tìm các đơn thuốc trên mạng xã hội, chưa có kiểm chứng của cơ quan y tế nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.
Đặc biệt, ở một số phường của Hà Nội, người bệnh phải ra trạm y tế để nhận và khai báo trên bản giấy, trạm y tế cũng không được cung cấp kit xét nghiệm mà người nghi nhiễm phải tự mang kit xét nghiệm đến, nhân viên y tế chỉ thực hiện lấy mẫu giúp và báo kết quả.
Theo Ủy ban Pháp luật, việc này gây phiền hà và làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật đề cập tình trạng người dân không khai báo khi phát hiện mắc Covid-19, gây khó khăn cho công tác giám sát, quản lý số lượng người mắc Covid-19 trên địa bàn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi rác thải của những người này không được xử lý đúng quy trình.
Chấm dứt tình trạng “loạn” giá kit xét nghiệm
Khi mở cửa trường học ở một số địa phương, Ủy ban Pháp luật cho biết có tình trạng lúng túng, thiếu thống nhất trong cách xử lý khi có học sinh mắc Covid-19 ở trường học.
“Nếu không chuẩn bị chu đáo, mỗi trường xử lý một kiểu sẽ không bảo đảm an toàn phòng chống lây nhiễm dịch ở trường học, gây rủi ro cho học sinh và giáo viên, khiến phụ huynh không yên tâm để cho con em đến trường, tác động bất lợi đến chủ trương mở cửa trường học”, Ủy ban Pháp luật nhận định.
Đặc biệt, Ủy ban này còn đề cập tình trạng gom hàng dẫn đến khan hiếm, tăng giá kit xét nghiệm nhanh Covid-19, trong khi chất lượng không được kiểm soát.
Theo Ủy ban Pháp luật, diễn biến dịch phức tạp, nhu cầu sử dụng kit xét nghiệm nhanh của người dân dự báo tăng cao, kéo dài và việc 95% ca nhiễm nCoV điều trị tại nhà, người bệnh phải tự lo mọi chi phí là gánh nặng lớn với người dân.
Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như thuốc điều trị, kit xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy trong máu… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này.
Trong việc thực hiện quy định phòng chống dịch cá biệt còn có tình trạng quản lý tình nguyện viên tham gia hỗ trợ khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 chưa chặt chẽ.
Điển hình là trường hợp giả danh sinh viên trường y để tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên đến hỗ trợ khu cách ly, điều trị Covid-19 ở quận 12, TP.HCM, sau đó “hô biến” thành bác sĩ để thực hiện việc thăm khám, chữa trị, cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
Từ việc này, Ủy ban Pháp luật lưu ý cần có quy trình quản lý người tình nguyện vào hỗ trợ các khu cách ly, điều trị Covid-19 chặt chẽ hơn để công tác chăm sóc, khám, điều trị đạt chất lượng, hiệu quả.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi, hướng dẫn thực hiện quy định về phòng, chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, thích ứng an toàn, hiệu quả hơn, nhất là đối với cấp cơ sở.
Trong đó, cần cải tiến quy trình khai báo, quản lý thông tin đối với người mắc Covid-19, tăng cường tin học hoá, thực hiện trực tuyến (ở các địa phương, gia đình có điều kiện) để hạn chế tiếp xúc, bảo vệ chính nhân viên y tế và mọi người trong cộng đồng./.