Ngày 11-3, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết năm 2021, ngành tôm có sự bứt phá mạnh với sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng tôm nước lợ đạt 920.000 tấn được thu hoạch từ 746.000 hecta tôm sú và thẻ chân trắng.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỉ USD, tăng 4% so với 2020. Sóc Trăng và Cà Mau là hai tỉnh có kim ngạch cao.
Hiện Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang 103 thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có đến 97% tập trung vào 8 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Anh…
Theo ông Hòe, lần đầu tiên tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD, với gần 90.000 tấn, tăng 20% so với năm trước.
Theo đánh giá, năm 2022 Mỹ vẫn sẽ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Với sự hồi phục nhu cầu của chuỗi HORECA và thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, đối với thị trường châu Âu, năm 2022 nhu cầu tiêu thụ tôm bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt tại Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ… Tuy nhiên, mức tiêu thụ tại châu Âu sẽ bị tác động bởi xung đột Nga - Ukraine nên phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu và kế hoạch kinh doanh trong tương lai.
Cũng theo tổng thư ký VASEP, năm 2022 nguyên liệu tôm đủ cho chế biến, nhưng khả năng giá có thể tăng hơn do các yếu tố đầu vào biến động phức tạp.
Lãnh đạo VASEP cũng nhận định khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng, kéo theo tăng giá bán và làm suy yếu tốc độ tăng đơn hàng. Xung đột Nga - Ukraine tác động mạnh đến chi phí cũng như hoạt động logistics. Đây là một thách thức không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu tôm.
VASEP dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2022 tăng từ 10 - 12%, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 4 tỉ USD. Trong đó, tăng trưởng do yếu tố giá 7 - 10%, tăng trưởng do tăng sản lượng 2 - 5%./.