Ông Chu Ngọc Anh bị bắt liên quan vụ Việt Á

Chiều 6/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

biet-thu-chu-ngoc-anh-1654845798920616487998-1654852385.jpg
Một góc căn biệt thự của ông Chu Ngọc Anh tại một khu đô thị lớn ở quận Nam Từ Liêm.

Ông Chu Ngọc Anh bị Bộ Chính trị đánh giá là đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước...

Đến chiều 7/6, HĐND TP Hà Nội đã họp chuyên đề về công tác nhân sự, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh.

Chiều tối cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Chu Ngọc Anh để điều tra về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Theo thông tin từ Bộ Công an, cùng với việc khởi tố, bắt tạm giam ông Chu Ngọc Anh, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đang tiếp tục rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của bị can để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc thắc mắc, đối với căn biệt thự lớn của ông Chu Ngọc Anh tại một khu đô thị ở quận Nam Từ Liêm và các tài sản khác sẽ bị kê biên khi nào?

Biệt thự lớn và tài sản khác của ông Chu Ngọc Anh có bị kê biên?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc cơ quan điều tra xác minh, rà soát tài sản của ông Chu Ngọc Anh, trong đó có căn biệt thự lớn nêu trên là có căn cứ và phù hợp với quy định pháp luật.

Bởi, đại án xảy ra tại Công ty Việt Á, ban đầu cơ quan chức năng công bố cho thấy, doanh thu từ việc nâng khống giá kit lên 45% đạt hơn 4.000 tỷ đồng, chi hoa hồng lên tới 800 tỷ.

Theo luật sư Thơ, chính sách hình sự trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay là nghiêm minh và thu hồi tài sản. Vậy nên ngoài việc phát hiện, xử lý tội phạm, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có cũng là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối với những tài sản có liên quan đến người phạm tội, có thể là vật chứng của vụ án hoặc tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội.

Đối với vật chứng của vụ án, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng là phải thu hồi để làm căn cứ chứng minh tội phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Những tài sản do phạm tội mà có, có nguồn gốc từ tài sản phạm tội sẽ bị thu hồi để trả lại cho người bị hại hoặc tịch thu, sung công quỹ nhà nước.

Khi xác định được tài sản của người phạm tội, của bị can, bị cáo, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản theo quy định tại điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Trường hợp phát hiện tài sản của bị can, bị cáo là số tiền để trong ngân hàng, cơ quan điều tra cũng có thể căn cứ vào quy định tại điều 129 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để tiến hành phong tỏa tài khoản.

Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.

Như vậy, trong các vụ án kinh tế, tham nhũng…, những tài sản như nhà đất, phương tiện giao thông, tiền trong tài khoản có thể là vật chứng của vụ án hình sự. Những tài sản này có thể có dấu vết tội phạm hoặc có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm.

Việc xác minh phải tìm hiểu những tài sản này là cần thiết, trong trường hợp phát hiện những tài sản có dấu hiệu tội phạm cần phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tẩu tán tài sản.

Từ những phân tích trên, luật sư Thơ cho rằng, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện căn biệt thự và những tài sản khác của ông Chu Ngọc Anh có được là do hành vi phạm tội liên quan đến vụ Việt Á thì sẽ kê biên, tịch thu để xử lý.

"Đối với căn biệt thự và tài sản khác của ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nếu liên quan đến hành vi phạm tội cũng sẽ bị kê biên, tịch thu để xử lý" – luật sư Thơ nhấn mạnh./.