Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Chống khai thác IUU đã đạt kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại
Sau 06 năm (kể từ ngày 23/10/2017), Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng”, qua 04 đợt thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra của EC tại Việt Nam, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của nước ta. Đặc biệt, với quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, EC nhận thức việc gỡ cảnh báo “Thẻ vàng’ đang là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách của Chính phủ Việt Nam. Khung pháp lý cơ bản đã toàn diện để quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác IUU. Dữ liệu tàu cá trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) có sự cải thiện rõ rệt so với đợt thanh tra lần thứ 3. Việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá đạt kết quả rất tốt (đạt gần 100%).
Tuy nhiên, qua thực tế tại các địa phương, đến nay, vẫn còn rất hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU; chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc. Tại thời điểm hiện tại, chưa thể gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” cho Việt Nam.
Vì vậy, EC khuyến nghị Trung ương cần phải có biện pháp xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc xử phạt vi phạm quy định về VMS, vượt ranh giới trên biển; xử phạt nghiêm khắc, triệt để các doanh nghiệp làm ăn phi pháp, thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm khai thác IUU. Nghiêm túc bổ sung các quy định theo khuyến nghị của Đoàn và cần sớm thông qua 02 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP để tổ chức triển khai kịp thời. Tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản về đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá tạo sự chuyển biến trên thực tế, cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; kiểm soát chặt chẽ tàu cá “03 không”. Đặc biệt xử phạt 100% các trường hợp vi phạm quy định về VMS, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đây là khuyến nghị quan trọng nhất tại đợt thanh tra lần này của EC để xem xét gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong 6 tháng tới...
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành: Kiên Giang, Bà Rịa – Vùng Tàu, Quảng Ninh, Khánh Hòa... đã đánh giá lại toàn diện việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, phân tích kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đồng thời, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương bố trí, ưu tiên nguồn vốn đầu tư, xây dựng nâng cấp các cảng cá đảm bảo điều kiện theo yêu cầu của EC. Các luồng lạch ra, vào cảng cá thường xuyên bị bồi lắng, đề nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để nạo vét luồng lạch thường xuyên, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động...
Thực hiện rà soát, điều tra, xác minh, xử phạt nghiêm đối với tàu cá mất kết nối trên 10 ngày
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo IUU quốc gia, Bộ NN&PTNT về công tác chống khai thác IUU, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã rà soát toàn bộ tàu cá trên địa bàn tỉnh và cập nhật trên hệ thống Vnfishbase. Theo đó, Nghệ An có tổng số hơn 3.400 tàu cá lớn nhỏ, trong đó có 2.707 tàu thuộc diện phải đăng ký, 1.643 tàu thuộc diện phải đăng kiểm, 1.106 tàu thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (GSHT). Tỉnh đã ban hành các Nghị quyết để hỗ trợ ngư dân trong lắp đặt và duy trì tín hiệu thiết bị GSHT tàu cá; đến nay có 1.058/1.106 tàu cá đã lắp đặt GSHT, đạt tỷ lệ 95,66%.
Về công tác theo dõi và xử lý đối với tàu cá mất kết nối GSHT, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 về quy chế phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh Nghệ An. Trong năm 2023 (tính đến ngày 11/12/2023) có 17.894 lượt tàu mất kết nối. Lực lượng Biên phòng đã xử phạt 07 tàu cá vi phạm (có 2 tàu trên 24m) với số tiền 170 triệu đồng. UBND các huyện cũng đã làm việc với 443 chủ tàu cá vi phạm, yêu cầu chủ tàu viết giải trình lý do mất kết nối, đồng thời yêu cầu các đơn vị cung cấp GSHT kiểm tra tình trạng hoạt động thiết bị và làm rõ nguyên nhân… Tuy nhiên, kết quả xử lý chỉ ở mức độ lập biên bản nhắc nhở, chưa xử phạt theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.
Chỉ rõ một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyên nhân chủ yếu mất kết nối là do thiết bị GSHT bị hỏng, hoạt động chập chờn; nguồn cung cấp điện cho thiết bị không đảm bảo nên khi gặp thời tiết xấu, chủ tàu ngắt điện đảm bảo an toàn, chống cháy nổ… Các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT thiếu trách nhiệm trong việc sửa chữa, xác định nguyên nhân mất kết nối. Căn cứ pháp lý để áp dụng xử phạt đối với trường hợp mất kết nối GSHT chưa đầy đủ. Việc xác định hành vi mất kết nối chỉ thông qua lời khai của ngư dân nên rất khó có căn cứ để xử phạt.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị phối hợp với các ngành liên quan chủ trì thực hiện rà soát, điều tra, xác minh, xử phạt nghiêm đối với tàu cá mất kết nối trên 10 ngày. Đồng thời, yêu cầu các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng kiểm tra kỹ thiết bị GSHT tàu cá đảm bảo hoạt động tốt trước khi xuất lạch, kiên quyết không cho xuất lạch đối với những tàu cá bị mất kết nối trên 10 ngày nhưng chưa xử lý đến cùng theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng yêu cầu các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá nâng cao chất lượng thiết bị và tín hiệu giám sát tàu cá; có giải pháp thông báo cho chủ tàu cá ngay khi thiết bị GSHT mất tín hiệu kết nối để khắc phục. Đồng thời, xử lý nghiêm các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT, tín hiệu giám sát cho tàu cá không đảm bảo theo quy định.
Làm hết sức để tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, dư địa, cơ hội trong đợt kiểm tra sắp tới là rất lớn; đây là cơ hội vàng của Việt Nam tháo gỡ Thẻ vàng của EC.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ Thẻ vàng của EC, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc; vì vậy, các cơ quan, địa phương phải hết sức quan tâm, quyết liệt, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến tháng 4/2024 (thời điểm EC sang thanh tra thực tế lần thứ 5).
Chỉ ra một số hậu quả nếu không thể tháo gỡ “Thẻ vàng”, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, không chỉ ảnh hưởng về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến vị thế, hình ảnh của Việt Nam; đề nghị các cơ quan, địa phương phối hợp tốt, dồn hết nguồn lực, nhân lực triển khai thực hiện một đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT thực hiện tốt vai trò của đơn vị thường trực, tham mưu đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/NĐ-CP, Nghị định số 42/NĐ-CP theo các khuyến nghị của EC; chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/TT-BNN theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn cho việc quản lý tàu cá “03 không” tại địa phương.
Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU. Tăng cường truyền thông cho người dân biết về những sửa đổi các quy định trong xử phạt hành chính lĩnh vực thủy sản.
Bộ Quốc phòng triển khai đợt cao điểm tàu tiếp tục triển khai với các biện pháp mạnh, không để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến tại các cửa sông, cửa biển; đặc biệt là tại các tỉnh thường xuyên có tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài...
“Từ nay đến 30/4, các địa phương thực hiện có kết quả một số việc với tinh thần phải xử lý nghiêm vi phạm, cái gì chưa làm thì làm, cái gì làm rồi thì làm tích cực, tốt hơn, có kết quả định lượng cụ thể.” – Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.