Tiền lương phụ thuộc vào năng lực

Mới đây trên mạng lan truyền một đoạn tâm sự của nữ sinh viên năm 2 về tiền lương cho lao động mới ra trường gây xôn xao dư luận. Có đoạn nữ sinh này viết: "Các anh chị ơi, ra trường lương 7 triệu là có thật ạ? Em đang năm nhất, chuẩn bị lên năm 2 đại học. Lực học của em cũng trung bình thôi ạ, nhưng em nghĩ là sau khi ra trường thì sẽ có mức lương cao hơn các trường khác chứ ạ. Tự nhiên dạo này mọi người đồn nhau ra trường lương chỉ có 7-8 triệu mà em thấy buồn quá, liệu có xứng với 4-5 năm học đại học tốn kém mấy trăm triệu của bố mẹ không? Ít nhất các nhà tuyển dụng cũng phải nhìn Profine của ứng viên xem trường nào tiềm năng...".

tien-luong-1651726985312461409978-1651727029791496048507-1651738180.jpeg
Đoạn thư của nữ sinh năm 2 trường đại học khiến nhiều người xôn xao. Ảnh: I.T

Đoạn tâm sự này của nữ sinh ngay lập tức đã nhận "bão” dư luận. Đa phần độc giả tỏ ra bất bình và cho rằng: Lao động trẻ vừa ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm mà đòi hỏi nhiều quá.

Có người lại cảm thán: "Làm 10-20 năm lương còn vẫn 7 triệu đồng/tháng, thì vừa ra trường lương 7-8 triệu đồng/tháng là cao rồi".

Anh Cường Vũ còn cho rằng: "Cái chữ Profile còn viết thành Profine thì lấy đâu ra lương cao”.

Tuy nhiên, ngoài những luồng dư luận "ném đá" không ủng hộ quan điểm của nữ sinh cũng có 1-2 ý kiến cho rằng các em có quan điểm đó cũng là dễ hiểu vì "Giờ có quá nhiều sự lựa chọn việc làm, mỗi thời mỗi khác".

Thực tế có nhiều bạn vừa ra trường, có năng lực cũng đã được các doanh nghiệp săn đón, thu nhập cũng cực kỳ hấp dẫn. Tuy nhiên, số này không nhiều chủ yếu là các bạn trẻ có năng lực, sáng tạo và tự tạo cho mình được vị trí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tiền lương cho người vừa ra trường: Nhìn thế nào mới đúng?

Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp cho rằng, là sinh viên các em hãy gắng học cho tốt, cố gắng tìm hiểu tiếp cận với thực tiễn để có thể làm việc luôn ngay sau khi ra trường, đừng đòi hỏi mức tiền lương cao sớm quá.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hiện nay thị trường lao động và việc làm ở Việt Nam có nhiều thay đổi, biến động và cơ hội việc làm trong và ngoài nước với sinh viên mới ra trường cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy nhiều sinh viên đại học ra trường không kiếm được việc làm, sau 4-5 năm học phải về quê làm ruộng, nhiều trường hợp phải giấu bằng đại học, bằng thạc sĩ để làm công nhân trong các khu công nghiệp...

dao-tao-nghe-cho-ld-lam-du-lic-16496697710291975547092-1651738216.jpg
Tiền lương cho sinh viên mới ra trường từ 7-8 triệu đồng được đánh giá là mức tiền lương cao với nhiều người. Ảnh: M.H

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại lựa chọn cho mình hướng đi đơn giản hơn, thực tế hơn là đi học nghề và có việc làm luôn, thu nhập ổn định ngay sau khi ra trường.

Với sự phát triển xã hội ngày nay thì có một số ngành nghề lĩnh vực có mức lương khá cao, đặc biệt là những ngành nghề trong lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên, thu nhập trong lĩnh vực giải trí là không ổn định và không phải ai cũng có thể có thu nhập cao, phải là người có năng khiếu và có môi trường phù hợp. Nếu không có khả năng, năng khiếu đặc biệt, nếu là thu nhập hợp pháp, chính đáng thì sinh viên ra trường rất khó có thể có thu nhập cao ngay.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" xảy ra ở Việt Nam trong nhiều năm qua, trong đó phải kể đến quy hoạch về giáo dục đại học, về tâm lý xã hội, về các điều kiện kinh tế, xã hội. Bởi vậy, lựa chọn con đường học gì, làm gì sau khi tốt nghiệp PTTH cho con cái là vấn đề mà các bậc phụ huynh rất quan tâm, lo lắng.

Một trong những vấn đề mà học viên, sinh viên và các bậc phụ huynh quan tâm là mức lương sau khi ra trường. Thông thường tâm lý của phụ huynh là muốn con cái có "việc nhẹ, lương cao", không muốn con cái phải lăn lộn, vất vả... dù có là "những người làm thuê cần mẫn". Mặc dù, những năm gần đây nhiều phụ huynh đã thay đổi tư duy về việc làm, không áp lực về chuyện con ra trường phải "vào nhà nước", nhưng suy nghĩ cần có việc làm "ổn định" vẫn là mong muốn phổ biến của các bậc phụ huynh. Bởi vậy, cuộc "chạy đua" vào công chức vẫn là những cuộc chạy đua nóng bỏng.

Trong số những sinh viên lựa chọn con đường "tự do", muốn khẳng định mình cũng có không ít bạn trẻ muốn lương cao. Nhiều bạn còn ảo tưởng vào sức mạnh của bản thân nên khi ra trường, kiếm việc làm thường bị hụt hẫng, thậm chí bị "sốc".

Học tập và làm việc là hai hoạt động khác nhau, không phải khi nào người học tốt cũng là người làm việc tốt. Người có khả năng ghi nhớ tốt, chăm chỉ sẽ là người học tốt. Để làm việc tốt thì điều đó là chưa đủ, người làm việc tốt phải là người biết vận dụng kiến thức, ứng dụng những gì đã biết để tạo ra những sản phẩm cho xã hội, mang lại những giá trị cho xã hội.

"Khả năng học tập, khả năng làm việc không phải bao giờ cũng đi đôi với nhau. Với môi trường ngoài nhà nước thì họ không quan tâm nhiều đến việc người lao động học trường nào, bằng cấp loại gì mà quan tâm đến việc người lao động có khả năng làm việc đến đâu thì sẽ hưởng lương đến đó. Bởi vậy, người lao động cần phải có năng lực làm việc, nếu chỉ căn cứ vào profile thì rất khó để đạt hiệu quả và khó có cơ hội làm việc tốt", luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Để có 7 triệu đồng tiền lương, công chức, viên chức phải mất 15 năm công tác

Mức lương trong khối nhà nước và mức lương do doanh nghiệp ngoài nhà nước là rất khác nhau. Hiện nay công chức mới làm việc thì lương hệ số 2,34+25% phụ cấp công vụ = 2,925 x mức lương cơ sở 1.490.000 đồng = 4.358.250 đồng - 366.093 đồng BHXH, BHYT = 3.992.157 đồng (Thực lĩnh). Trong quá trình làm việc, nếu hoàn thành nhiệm vụ, không vi phạm kỷ luật thì cứ 3 năm tăng 1 bậc lương, bậc 2 là 2,67, bậc 3 là 3.0, bậc 4 là 3,33, bậc 5 là 3,66, bậc 6 là 3,99. Để có được 7 triệu tiền lương, công chức phải ở bậc 6, tức là phải có 15 năm công tác.

Với môi trường nhà nước thì lương theo thang bảng cố định, muốn hơn cũng khó, trừ khi vi phạm pháp luật để có thêm thu nhập. Mà vào công chức, viên chức nhà nước cũng không phải dễ, phải đợi đến đợt tuyển dụng và đáp ứng các tiêu chí mà cơ quan tuyển dụng đưa ra.

Vậy còn với môi trường doanh nghiệp mức tiền lương sẽ thế nào?

Theo luật sư Đặng Văn Cường, với môi trường doanh nghiệp ngoài nhà nước thì mức lương về mặt bằng chung sẽ cao hơn nhưng việc trả lương sẽ theo năng lực, theo khả năng lao động chứ không phụ thuộc vào lý lịch, bằng cấp.

"Nếu học Trường Đại học Luật ra trường kiếm được chỗ thực tập, học việc không lương cũng là hạnh phúc rồi. Nếu theo nghề luật sư và có khả năng làm việc (làm được việc vặt, giúp việc cho luật sư) thì thường sẽ phải học tiếp nghề luật sư, 3 năm sau mới có thể nhận được mức lương > 7 triệu đồng/tháng.

Nếu theo nghề luật sư thì phải 7 năm sau khi ra trường mới kiếm được tiền để tồn tại (Bao gồm 4 năm học đại học 3 năm theo học nghề luật sư). Có rất nhiều luật sư lăn lộn với nghề vài chục năm vẫn chưa sống được bằng nghề...

anh-chup-man-hinh-2022-05-05-luc-121309-ch-16517276176522101890304-1651738305.png
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng sinh viên vừa tốt nghiệp không nên đề cao vấn đề tiền lương, thay vào đó nên tiếp tục học việc, rèn luyện để có kinh nghiệm. Ảnh: I.T

Còn nếu trúng tuyển công chức thì mức lương những năm đầu cũng sẽ dưới 7 triệu đồng/tháng (chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng)", Luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, cái gì cũng có giá của nó, muốn có thu nhập cao thì phải là người đầu tư, phải là chủ doanh nghiệp và đồng thời cũng phải xứng tầm. Còn nếu chỉ làm công ăn lương thì phải là người có năng lực làm việc, chịu thương chịu khó, sáng tạo trong công việc.

Kết lại, luật sư Đặng Văn Cường cảnh báo: "Nhiều bạn trẻ được nuông chiều, thỏa sức tiêu tiền của cha mẹ, sống gần 'vạch đích' nên chưa nhận thức hết năng lực và vị trí của mình trong xã hội. Nếu tự lực cánh sinh mà muốn việc nhẹ lương cao thì cái giá có thể phải đánh đổi là rất lớn. Nếu chăm chăm vào tiền lương thì suốt đời sẽ là những kẻ làm thuê cần mẫn...".