Theo đó, chị H.N sau khi phát hiện con trai xem những hình ảnh 18+ trên các trang mạng, chị đã chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân. Theo đó chị H.N khuyên các bậc phụ huynh nên kiểm tra tài khoản Facebook của con. “Nhiều thứ bất ngờ. Em đã cho out hết, 2 điện thoại cũng cho nát. Rất nhiều thành phần xấu lôi kéo con vào nhóm xấu”, chị H.N viết.

Dưới phần bình luận, chị N. còn đăng tải thêm ảnh chụp màn hình hội nhóm chia sẻ ảnh 18+.

Cách ứng xử của chị N. khi phát hiện con trai xem các hình ảnh nhạy cảm gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.

1-1647241632.jpeg
Chị H.N chia sẻ chuyện con xem hình ảnh nhạy cảm trên trang cá nhân. Bài đăng này sau đó đã bị xóa nhưng cư dân mạng tiếp tục chia sẻ hình ảnh bài viết trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.

Thấu hiểu và cảm thông với chị H.N, chị Nguyễn Thanh Trà (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết mình cũng từng “đứng hình” khi phát hiện điện thoại của con trai lớp 7 có những hình ảnh 18+.

“Tôi còn nhớ như in cảm giác khi phát hiện ra bí mật động trời trong điện thoại của con. Cảm giác của tôi về một cậu bé ngoan ngoãn, nghe lời lập tức biến mất, thay vào đó tôi chỉ nghĩ làm sao ngăn chặn và trừng trị con khi dám giấu mẹ xem những hình ảnh như thế.

Vậy nên chị H.N tá hỏa đăng Facebook cũng là điều dễ hiểu, có điều chị ấy không mấy khéo léo vì gia đình nổi tiếng cũng khác với những gia đình bình thường khác, sợ rằng sau này con trai sẽ tự ti vì những điều này bị mẹ vạch trần trên mạng xã hội”, chị Thanh Trà nói.

Theo dõi vụ việc trên mạng xã hội, nhiều người cũng đưa ra ý kiến góp ý, khuyên chị H.N không nên quá giận dữ, mất bình tĩnh vì làm ồn ào trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Bố mẹ nên làm gì khi phát hiện con xem hình ảnh nhạy cảm?

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ, đúng là bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ tham gia mạng xã hội cũng tiềm ẩn những nguy hại hữu hình như lộ mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên môi trường mạng, nghiện game online, bắt nạt trên mạng xã hội... Nguy hiểm hơn nữa, trẻ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị lôi kéo tham gia những website độc hại.

2-1647241707.jpeg
Ảnh minh họa

“Có rất nhiều rủi ro trên môi trường mạng mà chúng ta không thể lường trước hay thống kê cụ thể. Việc cần làm của người lớn là tìm ra căn nguyên để phòng ngừa và bảo vệ trẻ. Ngày nay, trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số, các em rất giỏi các kỹ năng số nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm, tư duy phản biện để phân biệt những đúng, sai trên mạng, cộng thêm sự tò mò của lứa tuổi nên trẻ càng dễ bị tổn thương trên mạng và là đối tượng nhắm đến của những kẻ xấu”, bà Linh cho biết.

Bà Phương Linh cho rằng, việc bố mẹ đồng hành với trẻ là vô cùng quan trọng và không thể hời hợt. Ở mỗi độ tuổi, bố mẹ cần tìm hiểu cách đồng hành với con. Cấm đoán không bao giờ là giải pháp để bảo vệ con vì trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số.

“Cấm đoán thường có tác dụng ngược khiến trẻ có thể tò mò và lén lút, tự tìm hiểu càng dễ gặp rủi ro, và nếu gặp rủi ro lại không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng, mắc lỗi. Do đó, đầu tiên là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, cùng con phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con”, bà Linh chia sẻ.

Về trường hợp phụ huynh bắt gặp con xem chương trình không phù hợp, bà Linh khuyên phụ huynh không nên ngay lập tức nóng giận, phản ứng thái quá, mắng mỏ trẻ hoặc tịch thu thiết bị công nghệ, điều cần thiết là bình tĩnh nói chuyện, hỏi con xem lý do con xem các chương trình không phù hợp, vào nhóm chat kín, cũng như cảm xúc của con khi thực hiện điều này... Phụ huynh hãy cùng con phân tích và hướng dẫn để tự con đưa ra các giải pháp phù hợp, chính con là người giải quyết vấn đề mới có tác dụng lâu dài./.