Hiện mỗi ngày Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu Covid-19 - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) tiếp nhận khoảng 20-25 bệnh nhân đến chữa trị vì bị suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần sau khi mắc Covid-19 và đã điều trị khỏi.
Nghĩ quẩn, hành động tiêu cực
"Bệnh nhân Covid-19 này khoảng 35 tuổi. Sau khi mắc Covid-19 thì rơi vào trầm cảm nặng, đi vài bước là thở dốc, đi không nổi. Bi kịch hơn, người đàn ông trẻ này trốn viện không ai biết tung tích, cuối cùng được phát hiện đã nhảy sông tự tử" - bác sĩ Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TP HCM, kể lại.
Đau lòng hơn là chuyện người chồng chích điện cho vợ tử vong vừa xảy ra tại TP HCM. Người vợ được chẩn đoán mắc di chứng nặng sau khi điều trị Covid-19. Trong quá trình điều trị, người chồng không vượt qua nỗi đau tinh thần trước bệnh nặng của vợ nên cùng quẫn đã chích điện vợ và tự chích điện mình để cả hai cùng "ra đi".
Đây chỉ là những trường hợp điển hình trong hàng ngàn nạn nhân đang khổ sở do di chứng sau khi khỏi Covid-19. Theo bác sĩ Đinh Quang Thanh, hiện Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TP HCM có khoảng 300 bệnh nhân đang điều trị do di chứng Covid-19 gây ra.
"Mặc dù đã khỏi Covid-19 nhưng hầu hết bệnh nhân đang điều trị tại đây vẫn còn những triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, đau ngực, rối loạn nhận thức, đau khớp. Đa phần các trường hợp này là do trước đó bị mắc Covid-19 nặng, hoặc do tuổi cao, mắc các bệnh nền như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, thận mạn tính, sau ghép tạng hoặc ung thư" - bác sĩ Thanh thông tin.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu Covid-19 - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết các triệu chứng người đã khỏi Covid-19 hay mắc phải là mệt mỏi (80%), trầm cảm (66%), xơ phổi (61%), mất ngủ (45%), nhức đầu (44%), rối loạn tập trung (27%), rụng tóc (25%)… Các triệu chứng này thường kéo dài hơn 4 tuần, thậm chí nhiều tháng.
Xã hội hóa chăm sóc sức khỏe tâm thần
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho rằng đại dịch Covid-19 đã gây gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần ở người dân. Những người có vấn đề tâm thần trước đó hoặc có bệnh nền, người khuyết tật là những đối tượng dễ bị triệu chứng rối loạn tâm thần nhất khi đại dịch xảy ra. Nhóm dễ tổn thương sức khỏe tâm thần tiếp theo là nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu, trẻ em, công nhân (lao động di cư), lao động tự do. Ước tính khoảng gần 60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước khi xảy ra đại dịch. Các vấn đề sức khỏe tâm thần nhiều nhất hiện nay là nhận thức tiêu cực, trầm cảm, lo âu, hoảng sợ…
Theo tiến sĩ Lê Minh Công, cần sớm đưa vào hoạt động các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trên cơ sở hiện có và mở rộng thêm (theo hướng xã hội hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần) các trung tâm chăm sóc, điều trị tâm thần (cho người bình thường, người khuyết tật, trẻ em khuyết tật), đẩy mạnh mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần từ xa.
"Các cơ quan chức năng liên quan nên sớm nghiên cứu xem xét triển khai chiến lược hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho người dân. Nhanh chóng thực hiện các khảo sát, đánh giá về tình trạng, mức độ sức khỏe tâm thần của người dân (tập trung vào các nhóm nguy cơ) để có biện pháp can thiệp phù hợp" - tiến sĩ Lê Minh Công góp ý kiến.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, hầu hết bệnh nhân tìm đến Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu Covid-19 - Bệnh viện Lê Văn Thịnh đều bị sang chấn tâm lý, thường gặp nhất ở nam giới từ 30 tuổi và nữ giới từ 35 tuổi trở lên. Trung tâm đã phải phối hợp với chuyên gia tâm lý đến từ Trường ĐH Sư phạm TP HCM để nâng đỡ tâm lý các bệnh nhân nặng. Các hình thức hỗ trợ tâm lý bằng nhiều cách như cho ngồi vẽ tranh, hướng dẫn viết nhật ký về một vấn đề nhất định, không suy nghĩ miên man.
Sau khi người bệnh ổn định được tâm lý sẽ chuyển qua khu vật lý trị liệu với các bài tập thở, tập vận động, xoa bóp… "Từ khi đi vào hoạt động, đến nay Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu Covid-19 - Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã điều trị cho gần 200 trường hợp di chứng sau khi khỏi Covid-19, đáng mừng là chưa có ca nào thất bại. Trung bình sau khoảng hơn 1 tuần tích cực điều trị tại trung tâm, hầu hết bệnh nhân đều tươi tỉnh, tinh thần phấn chấn hơn, vận động vững chắc hơn, không còn mất ngủ triền miên" - bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cho biết.