Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2021 lực lượng chức năng kiểm tra gần 74.000 phương tiện, phát hiện tới hơn 9.200 xe vi phạm chở quá tải, xử phạt hơn 85 tỷ đồng.

1-1640331434.jpg
Những xe ô tô có dấu hiện cơi nới thành thùng, quá tải dán tên Tập đoàn Bình Minh chở đất không che chắn "tung hoành ở Ba Vì, Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, kết quả trên chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua đoạn đường có đặt trạm cân lưu động, cố định và những vị trí mà lực lượng chức năng kiểm soát bằng cân xách tay.

“Thực tế, tình trạng xe quá tải bùng phát trên nhiều tuyến đường có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa, nhất là trạng sử dụng xe đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc lắp ben thuỷ lực và thùng chở hàng chở quá tải hơn 200%, tàn phá hệ thống cầu đường.

Nếu như trước đây, tỷ lệ xe quá tải được phát hiện, xử lý chỉ chiếm dưới 10%, hiện tỷ lệ này đã tăng trên 10%”, ông Huyện cho hay.

Xe quá tải bùng phát trở lại nhưng việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng lại gặp nhiều khó khăn. Gần đây còn xuất hiện tình trạng xe tải tự ý lắp đặt thùng container, nguỵ trang kín để chở vật liệu nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Người dân nghi ngờ có lực lượng "chống lưng" để xe quá tải lộng hành, phá nát đường quốc lộ, tỉnh lộ.

Xe quá tải lộng hành, cứ lực lượng chức năng ra quân xe quá tải lại nằm im

Tình trạng trên diễn ra phổ biến tại nhiều tuyến đường khác trên địa bàn cả nước, trong đó phải kể đến ở Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương….

2-1640331472.jpg
Cận cảnh xe tải nặng "băm nát" đường gom cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Giữa tháng 12/2021, ghi nhận của phóng viên trên tuyến QL5 địa phận tỉnh Hải Dương, tình trạng xe cơi nới thành thùng, chở quá tải xuất hiện rất phổ biến.

Quá trình vận chuyển, các thùng hàng không được che chắn khiến vật liệu rơi vãi, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Tuy nhiên, hầu hết các xe này lưu thông bình thường và không gặp phải sự kiểm soát nào của lực lượng chức năng.

Tại Hà Nội, tình trạng xe quá tải cũng lộng hành ở nhiều nơi, nhất là khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai, Thạch Thất, Ba Vì…. Ông Lê Xuân Tiến, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, do nguồn lực hạn chế nên Thanh tra Sở không thể triển khai được 24/24h mà chỉ hoạt động đột xuất từ 2-3 ngày/tuần.

Nhiều Đội Thanh tra GTVT chỉ có 8, 9 người, cân kiểm tra tải trọng thiếu, trong khi địa bàn trải rộng với nhiều tuyến đường lớn, nhỏ chằng chịt khiến công tác tuần tra, kiểm soát rất khó khăn. Cùng đó, do không còn phối hợp với lực lượng CSGT tại các trạm cân lưu động và Thanh tra các Sở GTVT không được kiểm soát trên các quốc lộ không ủy quyền quản lý cũng là nguyên nhân khiến việc xử lý xe quá tải chưa hiệu quả.

“Gần đây còn xuất hiện tình trạng xe tải bất chấp quy định, tự ý lắp đặt thùng container, ngụy trang kín để chở cát đá, nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Điều đó cho thấy, người vi phạm đang ngày càng sử dụng nhiều “mánh” tinh vi hơn, gây khó khăn hơn gấp bội cho lực lượng chức năng”, ông Tiến cho hay.

3-1640331502.jpg
Ngày 23/12, tổ công tác Đội CSGT-TT Công an huyện Thanh Liêm đã bắt quả tang xe tải BKS: 90C-048.47 và 18H-000.82 chở quá tải trên 150% khi 2 phương tiện này đang lưu thông trên tỉnh lộ 495B, đoạn qua cổng nhà máy Xi măng Xuân Thành (xã Thanh Nghị).

Tại Hà Nam, theo ghi nhận của phóng viên, càng về cuối năm, tình trạng xe tải bốc xếp, vận chuyển hàng hóa quá tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng, một số doanh nghiệp, chủ xe kinh doanh vận chuyển vật liệu xây dựng ở khu vực huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, TP. Phủ Lý (Hà Nam) có dấu hiệu gia tăng.

Thực trạng xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải tung hoành trên các tuyến đường gây mất ATGT cũng như phá vỡ kết cấu đường sá, cầu cống. Hoạt động rầm rộ nhất là của các loại xe tải từ nhà máy xi măng Xuân Thành, Hoàng Long (đóng tại huyện Thanh Liêm) và Xi măng Bút Sơn, các mỏ đá ở huyện Kim Bảng ra Quốc lộ 1, Quốc lộ 21... đi các địa phương.

Tăng cường phạt nguội, từ chối đăng kiểm

Sau khi báo chí phản ánh về tình trạng xe quá tải tung hoành ở Hà Nam, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm xe quá tải, cơi nới thành thùng.

Thượng tá Trần Quốc Huy, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, lập biên bản gần 6.619 trường hợp, phạt tiền gần 12 tỷ đồng. Trong đó, từ đầu tháng 12 đến nay, đã phát hiện và xử lý 125 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 400 triệu đồng. Phòng CSGT đã bố trí 10 tổ tuần tra kiểm soát để xử lý vi phạm.

4-1640331540.jpg
Tổ công tác của Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam kiểm tra ô tô vi phạm trên Quốc lộ 21.

Từ đầu năm đến nay, lập biên bản gần 6.619 trường hợp, phạt tiền gần 12 tỷ đồng. Trong đó, từ đầu tháng 12 đến nay, đã phát hiện và xử lý 125 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 400 triệu đồng.

“Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, kết hợp với tuyên truyền đến từng chủ xe và doanh nghiệp, đến nay tình trạng xe chở cao có ngọn, không che phủ được kiểm soát triệt để”, Thượng tá Trần Quốc Huy cho biết.

Theo Thiếu tá Bùi Văn Đại, Đội trưởng Đội CSGT – Trật tự Công an huyện Thanh Liêm, ngoài việc phối hợp với các đơn vị liên ngành kiểm tra, xử lý xe quá tải, xe cơi nới thành thùng, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát. Trong đó, tập trung xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải tại các Nhà máy Xi măng Xuân Thành, Hoàng Long đóng trên tỉnh lộ 495B như báo chí phản ánh trước đó.

Tại Hà Nội, ông Lê Xuân Tiến cũng cho biết, sẽ tăng cường thêm các trạm cân tự động để phạt nguội các xe quá tải.

“UBND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương lập dự án đầu tư lắp đặt trạm cân tự động tại 15 vị trí bằng nguồn vốn ngân sách. Trước mắt sẽ thí điểm tại 4 điểm là cầu Thăng Long, tuyến QL32, đường Tây Tựu và đường Lĩnh Nam. Tới đây, khi triển khai vào thực tế có thể ngăn chặn đáng kể xe quá tải lộng hành”, ông Tiến nói.

Khẳng định sự cần thiết phải kiểm soát tải trọng để bảo vệ đường, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay, các địa phương cần nghiên cứu lắp đặt hệ thống cân tự động tốc độ cao theo mô hình đã áp dụng thành công do JICA tài trợ trên các quốc lộ và đường cao tốc.

Khi hệ thống cân tự động được áp dụng sẽ loại bỏ được tiêu cực trong xử lý xe quá tải, nhất là việc "chống lưng" cho loại xe này hoành hành.

“Hệ thống này tự động truyền dữ liệu về Sở để phạt nguội vi phạm, đảm bảo minh bạch trong xử lý. Tổng cục sẽ sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để có thể đưa mô hình trạm cân này vào thực tiễn”, ông Huyện nói.

5-1640331568.jpg
Những chiếc xe HOWO được cơi nới gấp hơn 1,5 lần thành thùng cũ chở đất ở Bắc Giang.

Đây là thiết bị hữu hiệu trong kiểm soát xe quá tải. Việc kiểm soát xe quá tải từ khi sử dụng cân xách tay, cân cố định và đến nay áp dụng công nghệ mới kiểm soát hầu hết xe quá tải ở tốc độ cao trên đường.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Bộ GTVT đã có chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nhiều giải pháp, đồng thời đã có đề nghị Cục CSGT tăng cường kiểm soát trên đường để xử lý xe chở quá tải; đề nghị các địa phương chủ động chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe…

“Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành lập các tổ công tác cơ động, kiểm tra ngày, đêm để xử lý xe chở quá tải, nhất là kiểm soát tải trọng xe tại các khu vực đầu nguồn hàng, cảng, bến, nhà ga, kho bãi”, ông Thọ cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, bên cạnh kiểm tra xử phạt, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường trang bị các thiết bị quay, chụp ảnh đạt chuẩn. Đặc biệt là đẩy nhanh áp dụng hệ thống cân điện tử trên các tuyến đường Quốc lộ.

“Công nghệ cân tự động tốc độ cao giúp giảm tác động của con người, công khai minh bạch trong xử lý xe quá tải. Các thiết bị này đều được các cơ quan chức năng giám định, dán tem kiểm định để những hình ảnh, video có đủ cơ sở pháp lý làm căn cứ xử phạt”, ông Thọ phân tích.

Những hình ảnh này sẽ được gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam để tích hợp vào phần mềm. Khi đó, các trung đăng kiểm căn cứ vào các trường hợp bị ghi hình vi phạm để có thể từ chối đăng kiểm.

“Bộ cũng chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện các biện pháp kỹ thuật đối với những xe vận tải như kẹp chì vào thùng chở hàng để đảm bảo các phương tiện này không thể thay thùng xe để chở quá tải trọng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh./.