Phimmoi là một trang phim lậu lớn nhất Việt Nam. Trang phim này cung cấp đến người xem đa dạng các thể loại phim trên thế giới, có phụ đề tiếng Việt và hoàn toàn miễn phí. Những bộ phim chiếu trên truyền hình hay thậm chí là mới ra rạp cũng được cập nhật nhanh chóng trên trang web lậu này.
Năm 2019, K+, BHD và Hiệp hội điện ảnh Mỹ đã cùng nhau nộp đơn tố giác tội phạm đối với trang web lậu Phimmoi. Đây là vụ kiện hình sự đầu tiên. Tuy nhiên, gần 4 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được xét xử.
Tháng 8/2021, trang web chiếu phim lậu Phimmoi bị khởi tố hình sự. Nhưng quy mô thu nhập bất chính của trang web này là bao nhiêu thì lại chưa thể xác định được. Đây là vướng mắc lớn nhất. Phimmoi không thu phí của người dùng mà kiếm tiền từ quảng cáo. Nhưng các nhãn hàng cũng như dòng tiền trả quảng cáo đều từ nước ngoài, không có đại diện thương mại tại Việt Nam.
Cũng theo quy định, muốn xử lý hình sự thì phải chứng minh thiệt hại của chủ tài sản. Nhưng hiện lại chưa có hướng dẫn về cách tính thiệt hại thế nào với phim chiếu mạng. Truyền hình K+, đơn vị sở hữu nhiều bộ phim bị chiếu lậu trên Phimmoi từng tính toán, với kho phim lên tới cả chục nghìn, trung bình mỗi phim gắn 3 quảng cáo, thì mỗi tháng Phimmoi thu gần 15 tỷ đồng bất chính.
Như vậy, chỉ trong vòng gần 10 năm kể từ khi thành lập trang web (năm 2014 đến nay), dù nhiều lần bị “đánh sập” sau đó lại lập trang mới, đổi tên, ước tính doanh thu của trang web chiếu phim lậu Phimmoi lên đến 1.700 tỷ đồng. Nhưng chưa ai công nhận cách tính này vì chưa có quy định chính thức.
Sau 4 năm vụ án bị khởi tố nhưng bị can vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì vô vàn vướng mắc trong thực thi bản quyền trên môi trường số. Được biết, người đứng đầu website Phimmoi.net là Nguyễn Tuấn Tú (quê Lâm Đồng). Tú đã xây dựng website Phimmoi.net từ năm 2014 để chiếu phim trực tuyến miễn phí trên nền tảng mạng Internet. Để có nguồn thu bất chính, Tú cùng các kỹ thuật lập trình có kỹ năng đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh có bản quyền đến công chúng và kinh doanh quảng cáo sản phẩm trên trang phim lậu này.
Năm 2022, theo nghiên cứu của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia và Philippines về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trên môi trường số, việc bảo vệ tác phẩm gốc khỏi bị sao chép hoặc sử dụng sai mục đích trên mạng Internet ngày càng trở nên phức tạp. Những bộ phim truyền hình bị xé nhỏ, cắt vụn, cùng ghi chú gây sốc để "câu view".
Hiện tại có khoảng 200 trang web chiếu phim vi phạm bản quyền, với hàng trăm triệu lượt xem mỗi năm, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng từ tiền quảng cáo. Để đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước, tội phạm liên tục nghĩ ra nhiều hình thức mới để đánh cắp bản quyền như livestream, streaming và mới nhất là review phim.
Theo Linh Lê - hoahoctro.tienphong.vn