Đà phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam
Theo phân tích của WB, dù vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hoà giữ nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, sức ép lạm phát tăng cao và các rủi ro khác.
Về trung và dài hạn, mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang mô hình dựa trên tăng năng suất đi đôi với sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn sản xuất, vốn tự nhiên, con người. Quá trình này đòi hỏi năng lực thể chế phải được tăng cường để phê duyệt và thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm xây dựng một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và phục hồi cao hơn.
Theo WB, nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ sau dịch COVID-19. Sự phục hồi này chủ yếu dựa trên khởi sắc của ngành xuất khẩu và gần đây là sự quay trở lại dần của khách du lịch nước ngoài. Lạm phát nhích lên, chủ yếu do chi phí vận tải tăng, mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá xăng dầu thông qua việc cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu.
Các chuyên gia WB cho rằng các động lực tăng trưởng của Việt Nam dự kiến sẽ xoay quanh nhu cầu từ cả trong và ngoài nước, từ ngành chế biến chế tạo cho đến ngành dịch vụ khi xuất khẩu sang các thị trường lớn…
Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023 do tác động của đợt biến động giá cả hàng hóa trước khi giảm xuống 3,3% vào năm 2024.
Chi tiêu công dự kiến sẽ tăng nhanh trong nửa sau của năm 2022 và thâm hụt tài khóa của năm 2022 sẽ đạt 2,8% GDP, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau một thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, tốc độ giảm nghèo dự kiến sẽ tăng lên, với tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 3,7% vào năm 2021 xuống còn 3,3% vào năm 2022 dựa trên chuẩn nghèo của WB (365 USD/ngày theo ngang giá sức mua PPP năm 2017).
Kinh tế khu vực phục hồi không đồng đều
Theo WB, tăng trưởng tại hầu hết các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã phục hồi trong năm 2022 sau ảnh hưởng dịch COVID-19, trong khi đó Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do tiếp tục các biện pháp kiềm chế dịch bệnh.
Trong thời gian tới, kết quả kinh tế trên khắp khu vực có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu trên toàn cầu chững lại, nợ gia tăng và tình trạng lệ thuộc vào các biện pháp xử lý kinh tế ngắn hạn nhằm chống đỡ giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu tăng cao.
Tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc) được dự báo sẽ tăng tốc lên 5,3% trong năm 2022 so với 2,6% trong năm 2021, theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10/2022 của WB. Trung Quốc, trước đó là quốc gia dẫn dắt phục hồi trong khu vực, hiện được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với 8,1% trong năm 2021.
Còn trong toàn khu vực, tăng trưởng được dự báo sẽ chững lại còn 3,2% trong năm 2022, so với 7,2% trong năm 2021, trước khi tăng lên 4,6% trong năm 2023.
Tăng trưởng ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có được nhờ nhu cầu trong nước phục hồi, do các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 được nới lỏng, và nhờ tăng trưởng xuất khẩu./.