1-1643507791.jpg
Lợn nuôi để "đụng" Tết, người dân vùng nông thôn thường chỉ nuôi 1 đến 2 con và chọn những con lợn có lông dày, mình dài, lợn đen càng tốt. Ảnh: Xuân Hoàng

Có thời điểm tục "đụng" lợn bị mai một do kinh tế thị trường phát triển, chỉ cần cầm tiền ra chợ, ưng ý miếng nào thì cắt miếng đó mang về. Nhưng từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên đàn lợn, thì tục "đụng" lợn ngày Tết có xu hướng quay lại tại các vùng nông thôn từ miền xuôi lên miền núi của xứ Nghệ. 

Theo bà con cho biết, để có con lợn ngon, sạch để "đụng" lấy thịt ăn Tết, các hộ dân trong xóm thường nuôi lợn từ giữa năm. Ông Trần Đình Hợi ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành cho biết, từ tháng 6, gia đình bắt đầu nuôi 2 con lợn thịt. Bằng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp trộn với rau xanh trồng trong vườn nhà, đến cuối năm, mỗi con chỉ đạt trọng lượng hơn 60 kg. Để có thịt lợn sạch ăn Tết, 5 gia đình trong xóm rủ nhau mổ đụng thịt vào ngày 27 Tết.

"Lợn làm sạch lông, mổ ra, phần thịt, xương cắt ngang chia đều 5 phần; bộ lòng tổ chức ăn sốt tại chỗ, xem như các gia đình ăn bữa tết niên. Mổ lợn đụng, không những mua thịt với giá thấp hơn thị trường, mà còn yên tâm khi ăn miếng thịt lợn sạch do mình nuôi lấy", ông Hợi chia sẻ.

2-1643507816.jpg
Ngoài mổ lợn, người dân còn chung đụng mổ bò ăn Tết. Ảnh: Q.An

Ngay như gia đình tôi, năm nào đứa em cũng tự nuôi một con lợn để cuối năm mổ thịt ăn Tết, hoặc năm nào không nuôi lợn thì đặt một nhà hàng xóm nào đó một con lợn để mổ chia nhau. Ngày cận Tết, trước khi gói bánh chưng, là gia đình tổ chức mổ lợn, một phần thịt lấy làm nhân bánh, còn lại chế biến các món ăn ngày Tết. 

Đồng bào vùng cao vào dịp Tết Nguyên đán cũng thường chung đụng mổ bò, lợn lấy thịt. Ông Mùa Bá Ma - Trưởng bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) cho hay, để có thực phẩm cho ngày Tết, các gia đình trong bản thường chung nhau mổ lợn, bò. Theo đó, hộ nào trong bản nuôi được bò, lợn thì 4 - 5 hộ chung nhau, nếu không nuôi được thì cùng nhau mua về mổ chung. Vì vậy, những ngày cận Tết, không khi trong bản luôn vui vẻ, nhộn nhịp.

"Vì phong tục ăn Tết của đồng bào Mông trong 3 ngày tết không đi đâu, nên tầm 25 đến 28 tháng Chạp, các gia đình bắt đầu mổ lợn, bò, tổ chức mời khách ăn uống, đón chào năm mới", ông Mùa Bá Ma cho biết.

3-1643507841.jpg
Thịt lợn được chia đều cho các hộ nhận chung đụng. Ảnh: Q.An

Những con lợn được nuôi theo cách truyền thống là chỉ ăn rau, cám gạo… miếng thịt sẽ khô ráo, săn chắc và thơm ngon hơn. Theo bà con chia sẻ, những con lợn nuôi để mổ Tết, thường chọn những con lợn dày lông, mình dài, lợn đen càng tốt... nuôi nhiều tháng. Một con lợn ăn đụng không to quá, thường cỡ từ 50 đến 70 kg. Thời nay, nhu cầu ăn uống vào dịp Tết không còn cần nhiều như ngày xưa, nên với con lợn cỡ đó mổ ra thì 4,5 gia đình đã có thể ăn thoải mái.

Với vùng nông thôn, khi bắt đầu mổ lợn "đụng" là đã thấy Tết đến nơi. Bởi thế không khí Tết ở các làng quê như ùa về sớm hơn. Hôm mổ lợn có lẽ là ngày vui nhất, thịt lợn được chia đều cho số hộ ăn đụng, mọi người được thưởng thức bữa lòng tươi sốt.

Tuy vậy, ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, ngày Tết nếu bà con mua lợn về mổ đụng thì nên tìm mua những con lợn biết rõ nguồn gốc, sạch bệnh. Bởi, nếu mổ phải con lợn nhiễm bệnh, sẽ dẫn đến hậu quả là chất lượng thịt không đảm bảo và nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngay sau dịp Tết./.