Đó là việc Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến ngày 7/9/2023 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tiếp đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hai ngày 10 và 11/9, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa diễn ra trong bối cảnh các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 - 2023) đang diễn ra sôi động trên các địa phương ở Việt Nam và Nhật Bản. 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực, với sự tin cậy chính trị cao.
Hiện Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam; là đối tác cung cấp viện trợ ODA lớn nhất; đối tác thứ hai về lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản (gần 500.000 người) đang là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản và là cầu nối quan trọng cho quan hệ hai nước.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, tất cả các Tổng thống Mỹ (dù thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ) đều đã thăm Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ đầu tiên theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là điều đặc biệt, vì chứng tỏ nội bộ Mỹ đã đạt sự đồng thuận cao trong việc thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam.
Cả hai sự kiện đối ngoại này, cùng hàng loạt sự kiện khác về ngoại giao đã và đang diễn ra, đều minh chứng rõ và tô đẹp thêm cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam luôn trân trọng hòa bình và quan hệ tốt đẹp với bạn bè trên toàn thế giới trên sự tôn trọng lẫn nhau - một trong những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm ngay từ khi thành lập nước.
Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, Việt Nam là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với Việt Nam, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: "Việt Nam kiên trì phấn đấu thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Trên con đường hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, phải tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên trì đẩy mạnh toàn diện đồng bộ sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; giữ gìn, phát huy những di sản quý báu mà các thế hệ người Việt Nam đã dày công vun đắp…".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng cho biết, thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, Việt Nam luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới. Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tổ chức vào năm 2021) cũng nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá.
Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia; xác lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện trên khắp thế giới, có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã thực sự vươn lên, trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương; một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Nói tới Việt Nam là nói tới một đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách. Uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao, được bạn bè quốc tế hoan nghênh, ủng hộ.
Ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam, thay mặt các vị đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội đã nhấn mạnh khi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh Việt Nam vừa tổ chức ở Thủ đô Hà Nội: Cách đây 78 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là thời khắc thiêng liêng, mãi mãi được ghi dấu trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Kỷ nguyên của độc lập - tự do mở ra sau cột mốc lịch sử đã trở thành nền tảng cho dân tộc Việt Nam vun đắp khát vọng phát triển và dựng xây đất nước, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và bản lĩnh trí tuệ để nâng cao vị thế quốc gia. Các nhà ngoại giao luôn sẵn sàng và quyết tâm tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố và thúc đẩy, mở rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế vì một thế giới hòa bình, bình đẳng, thịnh vượng, hợp tác và phát triển.