photo1640250895131-1640250895259234510024-1640317833.jpg

Một kịch bản tiêu cực hoàn hảo

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết, khi nghe vụ việc liên quan đến đấu thầu, "thổi giá" kit test Covid-19 của Công ty Việt Á, ông đã cảm thấy đau lòng và có trách nhiệm.

Theo TS Hùng, khi tiếp cận các thông tin báo chí phản ánh, bản thân ông thấy Công ty này đã "quá dã man", nhất là trong lúc đất nước đang phải gồng mình, người dân góp từng đồng tiền để cùng Nhà nước chống dịch Covid-19, chưa kể, rất nhiều người đã hy sinh, qua đời.

"Việc bóc lột trên thân thể con người như vậy là một tội ác", TS Hùng nêu rõ.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu cũng nhấn mạnh, trong vụ việc này, Công ty Việt Á sẽ không thể nào tự mình thực hiện hành vi "thổi giá" kit test Covid-19 lên được mà phải có "một dây chuyền" với sự câu kết, thông đồng với bên chủ đầu tư, mời thầu là CDC, đơn vị y tế, những người quảng cáo, đưa uy tín của sản phẩm lên...

"Tôi có thể nói vui là đố một mình ông Việt Á có thể làm được hành vi tiêu cực như vậy mà phải có người này, người kia thông đồng, câu kết vào.

Ở đây, phải có một kịch bản tiêu cực hoàn hảo và họ rất bạo gan mới có thể dám làm những việc bỏ qua lương tâm, sẵn sàng bóc lột trên lưng người bệnh, người dân.

Những người trong cuộc có thể nghĩ rằng kịch bản hoàn hảo đó không ai phát hiện được hay che chắn được nhưng lại quên mất rằng, các cụ xưa đã dạy "cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra". Việc cơ quan công an vào cuộc, đưa ra ánh sáng những hành vi này rất kịp thời, cần thiết", TS Hùng nói thêm.

photo-1-16402525068331455484374-1640317858.jpg
TS Nguyễn Việt Hùng đang phát biểu trong một buổi giảng về đấu thầu.

Vị chuyên gia về đấu thầu này cũng chỉ rõ, thực tế, trong đấu thầu, chỉ định thầu thường xảy ra vấn đề "lại quả", tuy nhiên, với đấu thầu ở Hải Dương đã khiến ông rất ngạc nhiên.

"Ở đây, các hợp đồng có 151 tỷ mà lại quả đến 30 tỷ đồng thì không biết lợi nhuận của nhà thầu như thế nào và qua đây cũng cho thấy, việc thổi giá lên của nhà thầu quá tài giỏi.

Rõ ràng, điều này càng cho thấy, không phải chỉ một mình Việt Á mà bên cạnh phải có những người giúp đỡ thì mới có thể thổi giá lên đến như vậy", TS Hùng nói thêm.

Tại sao công an vào cuộc mới khui ra vụ Việt Á?

Trước câu hỏi, có hay không sơ hở để các đối tượng có thể dựa vào xây dựng kịch bản tiêu cực hoàn hảo như vậy? TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, về sơ hở có thể đúng hoặc không đúng, song có vấn đề cần phải điều chỉnh từ vụ việc này.

Cụ thể, theo TS Hùng, về hình thức, trong những trường hợp cần xử lý gấp như dịch bệnh Covid-19 cần mua kit, máy xét nghiệm... thì Luật Đấu thầu cho phép chỉ định thầu và làm theo quy trình rút gọn. Việc này không có gì sai.

"Trong chỉ định thầu có trường hợp chỉ vài trăm triệu, vài tỷ nhưng với các trường hợp mua kit, trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch Covid-19 có hợp đồng lên tới vài chục tỷ song lại không có quy định phải thẩm định kết quả và đây có thể coi là một kẽ hở.

Do vậy, theo tôi với những gói thầu trong trường hợp khẩn cấp, cần thiết nên có thêm quy định, với giá trị trên 1 tỷ đồng phải thẩm định lại sẽ chặt chẽ hơn", ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo TS Hùng, điều sơ hở quan trọng hơn chính ở những con người thực hiện. Bởi, ông nói, luật chỉ là các con chữ còn con người thực hiện mới quan trọng.

"Con người thực hiện cần phải có hệ thống tổ chức, quản lý, giám sát nhưng ở khâu này, tôi thấy rõ ràng đang có vấn đề.

Người cán bộ lẽ ra phải nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trong lúc dịch bệnh nguy cấp, đằng này, họ lại dùng nhiệm vụ đó để đi buôn, biến thành cái lợi cho mình.

Luật lệ không sai nhưng con người thực hiện không đủ năng lực, phẩm chất, đó là điều phải tính", ông Hùng nêu thêm.

photo-1-1640008115092831282490-1640317889.jpg

Vị chuyên gia đấu thầu cũng đặt hàng loạt câu hỏi về việc: Tại sao khi cơ quan công an vào cuộc mới khui ra vụ việc như của Việt Á, còn lại các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát trước đó không nắm được?

Sở Y tế có thanh tra, các tỉnh có thanh tra, Bộ Y tế có thanh tra, vậy, các cơ quan này ở đâu trong những vụ việc này? Việc quản lý, giám sát cán bộ được thực hiện như thế nào để một Giám đốc CDC tỉnh nhận đến 30 tỷ đồng "lại quả" trong lúc cả tỉnh, cả nước đang gồng mình chống dịch?

Về câu hỏi, có cần điều chỉnh gì trong vấn đề chỉ định thầu để tránh những vụ việc như của Việt Á không? TS Hùng cho rằng, chỉ định thầu trong các trường hợp quy định của Luật Đấu thầu không có gì sai.

Ông nói, chỉ định thầu không mang lại tỷ lệ tiết kiệm cao do chỉ có 1 nhà thầu, không có sự cạnh tranh nhưng trong một số trường hợp lại cần thiết, chẳng hạn, cột điện 200KV bị gãy, thành phố mất điện thì phải chỉ định cho làm ngay chứ không thể chờ đấu thầu.

"Về mặt chủ trương Nhà nước, pháp luật không sai, nhưng con người thực hiện rõ ràng là có vấn đề. Với những con người có đủ phẩm chất thì chẳng cần luật hoặc luật dù có khiếm khuyết nhưng họ vẫn làm tốt nhất, không tiêu cực.

Còn những con người không đủ phẩm chất, chỉ cần nhìn thấy tiền, nhiều tiền là mờ mắt thì luật có sửa đổi, có bổ sung, hoàn thiện thì họ vẫn cố lách để làm sai. Do vậy, con người vẫn là điều quan trọng nhất", ông Hùng nêu.

Cũng từ thực tế các vụ việc đấu thầu trong ngành Y tế bị "phanh phui" trong thời gian qua, ông Hùng đề nghị, các cơ quan chức năng nên xem xét, không để những người không biết, không có trình độ chủ trì việc đấu thầu.

"Anh có thể là thầy thuốc giỏi nhưng không có chuyên môn về quản lý, đấu thầu hay chỉ học vài ngày về đấu thầu rồi cho tham gia đấu thầu thì sau này rất khổ cho họ.

Nên chăng có cách nào để các các bác sĩ chỉ tập trung chuyên môn chữa bệnh còn không cho dính dáng đến tiền, không để bị hoa mắt bởi tiền. Nếu làm được như vậy là hay nhất", TS Hùng chỉ rõ và cho rằng, việc đấu thầu tập trung có lẽ sẽ là hướng đi tốt./.