1-1653979691.jpg
Địa bàn xã Châu Hồng là một thung lũng, được bao quanh bởi những dãy núi, dưới núi là hệ thống hang cát tơ và suối ngầm. Hệ thống hang cát tơ chứa đầy nước, hệ thống suối ngầm chảy trong lòng đất, dưới chân núi kéo dài khoảng 25km. Trên mặt đất là đất sản xuất, đất ở sinh hoạt của người dân Châu Hồng. Phía Đông Bắc của xã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác 6 mỏ đá trắng, 2 mỏ quặng thiếc. Trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống bơm hút nước trong hang cát tơ dưới lòng đất sâu hàng trăm mét để công nhân tiếp xúc với vỉa quặng khai thác.
2-1653979700.jpg
Thực trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà cửa của người dân xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2020, thời gian này chỉ xảy ra ở diện tích đất ruộng lúa.
3-1653979709.jpg
Đầu năm 2022 đến nay, hiện tượng sụt lún, nứt nẻ, "hố tử thần"... lan rộng đến nhà ở của các hộ dân, cơ quan, trường học của xã Châu Hồng. Đến thời điểm hiện nay vẫn tiếp diễn. Hiện tượng sụt lún, nứt nẻ đất gây các hậu quả nghiêm trọng như mất đất sản xuất, thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, đe dọa tính mạng người dân, hư hỏng công trình, nhà cửa.
4-1653979718.jpg
Kể lại cuộc tháo chạy lúc rạng sáng 27/5, vợ chồng ông Điền Viết Tứ (trú tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) vẫn chưa hết lo sợ. "Lúc đó khoảng 4h, cả gia đình đang ngủ thì nghe tiếng động lớn, nghĩ ngoài ruộng lại sụt lún nên gia đình tiếp tục ngủ. Mơ màng chẳng yên giấc, thì tiếng động thứ 2, thứ 3 tiếp tục vang lên. Choàng tỉnh dậy ra kiểm tra thì tôi hoảng sợ phát hiện phía dưới móng nhà xuất hiện một hố lớn, sụt lún không ngừng. Tôi cùng vợ gọi anh em họ hàng tới giúp vận chuyển đồ đạc, vật dụng ra ngoài, cuộc tháo chạy đó đến bây giờ, gia đình tôi vẫn bàng hoàng", ông Tứ kể.
5-1653979727.jpg
Vật dụng trong nhà được chuyển tới nhà họ hàng, hiện căn nhà của gia đình ông Tứ trống không. Thi thoảng vợ chồng ông quét dọn bụi bặm cho căn nhà đỡ ẩm mốc.
6-1653979735.jpg
Ngôi nhà được cảnh báo nguy hiểm, gia đình ông Tứ khóa trái cửa.
7-1653979743.jpg
Căn bếp thường ngày đỏ lửa nay cũng được dọn đi sạch sẽ. "Cuộc sống đảo lộn, khi nào cũng lo lắng, hoang mang, mong rằng cơ quan chức năng sớm có kết luận, để gia đình được ổn định", bà Lê Thị Nga (vợ ông Tứ) nói.
8-1653979750.jpg
Cách nhà ông Tứ không xa là gia đình anh Vi Văn Hòa. Một vệt nứt lớn từ ngoài ruộng chạy vào vườn và trong nhà. Cột nhà cũng bị nhổ lên khỏi bục bê tông, nghiêng về một phía. "Tôi đã đưa các con và bà cố đến nhà anh em trú ngụ. Các thành niên khác vẫn phải ở trong nhà vì không biết chuyển đi đâu. Cứ mỗi khi nghe tiếng động, tiếng răng rắc của thanh gỗ là hoảng hốt gọi nhau dậy rời khỏi nhà. Giấc ngủ chẳng yên, cứ bị ám ảnh bởi tiếng động bên ngoài. Tình trạng này kéo dài thì sao người dân chúng tôi có thể yên ổn sinh sống đây", anh Tứ thở dài.
9-1653979758.jpg
Từng viên gạch bong tróc, bung lên vỡ vụn khỏi nền nhà của gia đình bà Hoàng Thị Hoài.
10-1653979767.jpg
Chỉ tay về những vết nứt lớn chạy thành đường rãnh xuất hiện khắp nơi trên các bức tường, bà Hoài cho biết: "Sự đe dọa an toàn tính mạng luôn thường trực trong nhà tôi. Chỉ đi trong nhà thôi cũng phải ngó nghiêng, cẩn thận, chân sợ vấp đúng viên gạch bong tróc lên, đầu sợ vôi vữa rơi trúng. Ở trong nhà của mình mà cũng phải lo sợ như thế".
11-1653979774.jpg
Tương tự, bà Hoàng Thị Lan cũng chẳng dám nhìn về hố sụt lún ngay trong nhà. Vật dụng được dọn ra ngoài, không có hơi người sinh hoạt, căn nhà trở nên lạnh lẽo. "Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dành dụm xây được ngôi nhà che nắng, che mưa mà giờ nhà cũng không vào ở được. Lúa gặt về để ngoài sân, cơn mưa lớn ập đến bị ướt lên mầm", bà Lan chia sẻ.
12-1653979783.jpg
Bữa cơm của gia đình bà Lan lâu nay phải dọn ngoài sân.
13-1653979792.jpg
Sinh hoạt bị đảo lộn, cuộc sống người dân nghèo đang gặp khó khăn./.