PGS, TS Nguyễn Hoàng Ánh, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương, trường Đại học Ngoại thương chia sẻ với phóng viên, biết Dạ Thảo Phương từ lâu qua những tác phẩm của cô ấy. Đọc các tác phẩm PGS Hoàng Ánh luôn có một lòng tin cậy về nhân cách cũng như về tài năng của cô ấy.
“Bản thân tôi cũng là phụ nữ, tôi chưa từng gặp một người nào nói chuyện về quấy rối tình dục mà nói sai cả.
Trong thống kê của thế giới, khoảng 80% các vụ tố cáo về quấy rối tình dục đều chính xác.
Thực tế mà nói dù ở Việt Nam hay nước nào đi chăng nữa thì việc tố cáo quấy rối tình dục rất khó khăn- bằng chứng thường không đầy đủ, quá nhiều rủi ro cho nạn nhân (người tố cáo). Do đó tình huống một người nào đó bịa rằng bị quấy rối tình dục là điều hiếm hoi xảy ra.
Câu chuyện của Dạ Thảo Phương còn có biên bản mặc dù biên bản ấy không ghi đến tột cùng nhưng cho thấy câu chuyện có cơ sở. Vì đã xảy ra việc xích mích giữa hai người ở cơ quan.
Việc tấn công một cách côn đồ của một người đàn ông với một người phụ nữ ở ngay nơi làm việc mà lại tấn công trong một tư thế rõ ràng không thể nào không nghi ngờ. Cho nên tôi tin Thảo Phương”, PGS Hoàng Ánh cho biết.
GS Hoàng Ánh cho rằng những vụ quấy rối tình dục ở mức độ nghiêm trọng (cưỡng hiếp, gây tác động lâu dài cho nạn nhân) thì đáng ra không nên giới hạn thời gian hiệu lực xem xét sự việc. Ở các nước khác không quy định hết thời hiệu, rất tiếc ở nước ta lại hết thời hiệu mất rồi.
Do đó, vị giảng viên này kiến nghị, đây là sự việc cảnh báo để cho các nhà làm luật điều chỉnh Luật.
Bà cũng kiến nghị, Hội nhà văn nên đứng ra tổ chức một buổi đối chất giữa hai bên.
Lý giải kiến nghị này, PGS. TS Hoàng Ánh cho rằng hai người từng đều là thành viên của Hội – do đó Hội cũng phải có trách nhiệm với an nguy của họ. Người bị tố cáo là lãnh đạo đương nhiệm của tờ báo mà Hội là đơn vị chủ quản.
“Dẫu không một cơ quan nhà nước nào có chức năng xử án nhưng Hội nhà văn nên có buổi đối chất giữa hai bên.
Hội nhà văn có thể tham khảo ý kiến của Ban pháp lý để đưa ra buổi đối chất giữa hai bên với sự tham dự của các luật sư bảo vệ cho các bên, những nhân chứng được ghi trong bản tường trình, những người chứng kiến mối quan hệ của hai người.
Nên để người bị tố có nhân chứng nào đó nói ra xem có thật hai người yêu nhau không?
Các bên sẽ có một phiên đối chất với nhau từa tựa một phiên điều trần ở toà án nhưng nằm ngoài toà. Hội nhà văn bố trí người ghi biên bản, sau đó tuỳ theo ý kiến các bên chấp nhận, Hội phải cho công chúng một lời giải thích và quyết định giải quyết vụ việc”, PGS. TS Hoàng Ánh đề nghị.
“Nếu không làm được việc này, những ai tin Phương vẫn tin Phương, những ai tin An vẫn tin An và công chúng sẽ không bao giờ có được lời giải đáp rõ ràng.
Và như thế sự tấn công nạn nhân (người tố cáo bị quấy rối, cưỡng hiếp) sẽ không bao giờ chấm dứt.
Cho nên tôi mong rằng Hội Nhà văn, hai người trong cuộc, những người có thể có liên quan- chứng kiến nên dũng cảm nói ra tất cả những câu chuyện này.
Bởi vì chỉ khi sự thật được làm sáng tỏ, được nói ra hết mới giải đáp được nỗi đau của người trong cuộc. Chỉ một sự thật được nói ra rõ ràng thì sẽ là một giải đáp cho cả hai bên.
Hơn thế nữa, đọc biên bản từ ngày đó cho thấy câu chuyện này được xử lý không đến nơi đến chốn. Nếu hồi tố, người phụ trách cơ quan lúc đó chắc chắn có lỗi. Vì thế, BCH Hội nhà văn bây giờ phải giải quyết sai lầm của hơn 20 năm trước”, PGS. TS Hoàng Ánh kiến nghị.
Về phía Dạ Thảo Phương, tối 10/4, chị tiếp tục chia sẻ những tình tiết trong câu chuyện xảy ra với chị hơn 20 năm trước trên trang facebook cá nhân mình.
Một lần nữa, chị nhấn mạnh “nếu Lương Ngọc An thâý mình bị tố cáo oan”, “hãy kiện tôi”.
“Hãy để câu chuyện này thoát khỏi cái vòng kim cô “quá thời hiệu xử lý”, để sự thật này được mang ra xét xử công khai trước pháp luật.
Nếu Lương Ngọc An không lên tiếng, không dám đối chất với tôi trước các đại diện cơ quan chức năng, chồng tôi và các luật sư, nếu anh ta tiếp tục im lặng- nghĩa là anh ta đã gián tiếp công nhận những gì tôi tố cáo là có thật”, Dạ Thảo Phương viết./.