Vụ việc ông Văn Hữu Huệ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long đòi chia nhuận bút mới chịu cung cấp thông tin cho phóng viên một tờ báo thường trú tại tỉnh Vĩnh Long, vì cho rằng cấp dưới của ông phải soạn thảo, chuẩn bị thông tin rất vất vả, đôi khi mất rất nhiều thời gian mới có đủ thông tin cung cấp cho báo chí… đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

so-nn-1656593184844-1656899452656-1656907044.jpg
Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long (Ảnh: CTV).

Có ý kiến đồng tình với quan điểm của ông Huệ và cho rằng, nên có sự sòng phẳng ở đây. Những bài viết dạng chuyên đề, các chuyên viên phải chuẩn bị rất kì công, nếu đơn vị nào của tỉnh đặt hàng thì bản chất là đơn vị đó cũng có tiền cho bài viết đó.

"Những thông tin về mặt quy định phải công khai thì phải công khai cho xã hội không phải báo chí. Còn những thông tin khác, với mục đích cá nhân của nhà báo, đúng như đồng chí phó giám đốc nói phải có tiền công cho công việc đó. Chỉ là cách trình bày của đồng chí nó hơi thô nên dễ bị hiểu nhầm. Cái này nó phải trở thành một dịch vụ và có giá công bố của hoạt động này của đơn vị hành chính sự nghiệp", bạn đọc Hoàng Nguyễn nêu quan điểm.

Bạn đọc Đức Thành đồng tình khi cho rằng, ông phó giám đốc đòi nhuận bút là đúng bởi vì phóng viên viết bài, đi phỏng vấn viết bài đều có kinh phí trả cho người cung cấp thông tin viết bài, nhưng phần lớn các phóng viên đều giành hưởng một mình.

Với cách nhìn khác, độc giả Hoàng Thanh Hiền cho rằng: "Nhà báo phải đầu tư chất xám, tiết chế cảm xúc, cân nhắc xử lý thông tin, số liệu, tra cứu nhiều vấn đề liên quan đến nơi cung cấp thông tin, chắp bút và chịu trách nhiệm về bài viết của mình, vậy mà nói họ có làm gì đâu?".

Bạn đọc Quốc Tuấn kể: "Năm 2010 khi tôi còn làm việc một tờ báo ngành, lương tháng 4,7 triệu đồng, nhuận bút mỗi bài từ 150 ngàn đến 800 ngàn là cao nhất. Tôi thường trú tại TPHCM, nên công tác phí đi tỉnh là 100 ngàn/1 ngày, tiền khách sạn chỉ ở mức 120 ngàn. Trong khi về miền Tây, khách sạn qua đêm rẻ nhất cũng 200 ngàn. Một tháng đi làm tiền không đủ chi tiêu cho bản thân mình, nói gì đến nuôi gia đình, trong khi đi làm chịu bao nhiêu áp lực; nhớ lần sập đường dẫn cầu Cần Thơ, túc trực ở đó bao ngày đêm, để rồi khi về số tiền mà mình bỏ ra còn nhiều gấp mấy lần cái khoản gọi là nhuận bút, thậm chí nhiều khoản không được phép thanh toán. Nhuận bút báo ngành vài trăm ngàn một bài, thậm chí mấy chục ngàn đồng, ai làm trong báo ngành sẽ hiểu".

Nhũng nhiễu, gây khó khăn và cản trở hoạt động của báo chí!

Vậy có luật nào quy định cơ quan, tổ chức Nhà nước khi cung cấp thông tin theo yêu cầu báo chí lại được quyền yêu cầu trả nhuận bút không?

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Báo chí năm 2016 có quy định:

Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo:

1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
3. c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

Điều 38. Cung cấp thông tin cho báo chí

1. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.

Theo hai quy định trên, việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các cơ quan tổ chức. Việc cung cấp thông tin để đảm bảo cơ quan báo chí thực hiện đúng nhiệm vụ quy định tại khoản 2, điều 4 Luật báo chí: "Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa";

Hiện nay không có quy định nào về việc cơ quan, tổ chức Nhà nước khi cung cấp thông tin theo yêu cầu báo chí lại có quyền yêu cầu trả nhuận bút.

"Khi những người là cán bộ, công chức thực hiện công vụ đã được Ngân sách nhà nước chi trả lương, đảm bảo các chế độ thì họ có nghĩa vụ phải thực hiện công vụ theo quy định pháp luật mà không được phép đòi hỏi các quyền lợi trái pháp luật. Hành động như trên của vị phó giám đốc sở là gây khó khăn, cản trở hoạt động báo chí thậm chí là nhũng nhiễu, yêu sách trái pháp luật", luật sư Xuyến khẳng định./.